Cập nhật dịch COVID-19 ngày 6/4: EU đang đứng trước thách thức lớn nhất trong lịch sử

Cập nhật dịch COVID-19 ngày 6/5 tại Việt Nam và thế giới nhanh nhạy và chính xác.

* Đức cảnh báo EU đang đứng trước thách thức lớn nhất trong lịch sử

Ngày 6/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là thử thách lớn nhất mà Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt trong lịch sử. 

Phát biểu với báo giới tại Berlin trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhằm thảo luận một kế hoạch cứu trợ kinh tế cho khu vực, Thủ tướng Merkel cho rằng EU đang đứng trước thử thách lớn nhất kể từ khi ra đời.

Bà nêu rõ: "Chúng ta có một thách thức lớn về y tế đang ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia thành viên dù là theo những cách khác nhau". Bà nhấn mạnh điều quan trọng là EU cần mạnh mẽ vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế do tác động của dịch COVID-19, đồng thời khẳng định Đức "sẵn sàng đóng góp" để thúc đẩy liên minh. 

Thủ tướng Merkel cũng kêu gọi châu Âu phải "tự chủ" trong sản xuất khẩu trang, hoặc ít nhất là "tạo ra một trụ cột trong hoạt động sản xuất khẩu trang" ở Đức hoặc một nước nào đó trong EU. 

Theo số liệu chính thức của hãng tin Pháp AFP, cập nhật 17h ngày 6/4 (giờ Việt Nam), số ca tử vong do dịch COVID-19 tại châu Âu đã vượt ngưỡng 50.000 người, trong đó phần lớn đều tại các nước Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Anh. Với tổng số 50.209 ca tử vong trong tổng số 675.580 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, châu Âu là lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19.

* Philippines tăng hơn 400 ca nhiễm COVID-19 một ngày

Philippines phát hiện thêm 414 trường hợp dương tính nCoV trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên 3.660.

Bộ Y tế Philippines còn cho biết nước này hiện ghi nhận 163 người chết do nCoV, tăng thêm 11 trường hợp so với một ngày trước đó. 73 bệnh nhân đã hồi phục, trong khi chỉ có một người nguy kịch.

Hiện số ca nhiễm nCoV của Philippines chỉ kém Malaysia, vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, hai trường hợp. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của Philippines là gần 4,5%, cao hơn nhiều so với mức hơn 1,6% của Malaysia.

Một sĩ quan đứng chờ trên xe buýt chuyên chở nhân viên y tế tại thành phố Quezon, vùng đô thị Manila, Philippines, hôm 20/3. Ảnh: Reuters. 
Một sĩ quan đứng chờ trên xe buýt chuyên chở nhân viên y tế tại thành phố Quezon, vùng đô thị Manila, Philippines, hôm 20/3. Ảnh: Reuters. 

Cựu bộ trưởng y tế Philippines Esperanza Cabral từng nhận định tỷ lệ nhiễm nCoV chính thức ở nước này có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", do tình trạng xét nghiệm nCoV hạn chế ở nước này. Philippines đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn Covid-19 lây lan sau khi phát hiện ca nhiễm nội địa đầu tiên hôm 7/3.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh báo người vi phạm lệnh phong tỏa có thể bị cảnh sát và quân đội bắn vì gây rắc rối cho xã hội. Một người đàn ông 63 tuổi ở tỉnh Agusan del Norte đã bị bắn chết sau khi đe dọa nhân viên y tế vì bị nhắc không đeo khẩu trang. Đây là trường hợp đầu tiên cảnh sát Philippines bắn chết một người dân vì không tuân theo các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch.

Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến gần 1,3 triệu người nhiễm, hơn 69.000 người chết. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo dịch bệnh có thể khiến 11 triệu người tại châu Á - Thái Bình Dương lâm vào cảnh nghèo đói nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.

* Covid-19 hạ nhiệt ở châu Âu

Đức ghi nhận thêm 3.677 người nhiễm nCoV, mức tăng thấp nhất trong 4 ngày qua trong khi Covid-19 ở Italy, Pháp, Tây Ban Nha cũng có xu hướng giảm.

Viện Robert Koch (RKI), cơ quan phụ trách kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đức, hôm nay thông báo ghi nhận 95.391 trường hợp dương tính với nCoV. Thống kê cho thấy số ca nhiễm mới tại Đức hôm nay thấp hơn 2.259 trường hợp so với một ngày trước đó, đánh dấu ngày giảm thứ 4 liên tiếp.

Có thêm 92 người chết trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Đức lên 1.434.

Cập nhật dịch COVID-19 ngày 6/4: EU đang đứng trước thách thức lớn nhất trong lịch sử

Số ca nhiễm nCoV mới và ca tử vong cũng đang giảm tại Italy, Tây Ban Nha và Pháp cuối tuần vừa rồi, mang lại hy vọng đại dịch sắp đạt đỉnh và có thể chững lại, dù vẫn có hàng trăm người chết hàng ngày.

Italy ngày 6/4 ghi nhận 525 ca tử vong, giảm nhẹ so với hôm trước và đánh dấu mức tăng thấp nhất trong hơn hai tuần, nâng số ca tử vong lên 15.887. Giới chức Italy cho biết số ca nhiễm mới và số người chết trong những ngày gần đây cho thấy dịch đã đạt đỉnh và con số có thể giảm, song chỉ khi các biện pháp phong tỏa được thực thi.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 5.478 ca nhiễm và 694 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 131.646 và 12.641. Một số chuyên gia dự đoán Covid-19 tại Tây Ban Nha đang bước vào giai đoạn chững lại, nhưng Thủ tướng Pedro Sanchez quyết định kéo dài "lệnh báo động toàn quốc" đến nửa đêm 25/4 để ngăn nCoV, bất chấp những thiệt hại lớn về kinh tế.

Pháp báo cáo 357 người chết trong bệnh viện trong ngày 5/4, thấp hơn mức 441 trước đó 24 giờ. Bộ Y tế Pháp đã gửi lời cảm ơn người dân thực thi các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn Covid-19 lây lan.

Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán vào tháng 12/2019, đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 1,3 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 69.000 người chết và hơn 265.000 người đã hồi phục.

* Mỹ ghi nhận hơn 1.200 ca tử vong trong 24 giờ, Tesla công bố mẫu máy trợ thở   

Theo số liệu của Đại học John Hopkins, tính đến 8h30 tối 5/4 giờ địa phương (7h30 sáng 6/4 theo giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận hơn 1.200 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong một ngày.

Như vậy, đến nay Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 337.072 ca mắc COVID-19, trong đó 9.633 ca tử vong. Hiện New York là bang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do đại dịch COVID-19 tại Mỹ. Tuy nhiên, Thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo ngày 5/4 cho biết số ca tử vong trong 24 giờ qua ở bang này đã giảm lần đầu tiên từ khi dịch bùng phát đến nay, với 594 ca được ghi nhận, ít hơn 36 ca so với ngày trước đó.

Đến nay bang New York đã ghi nhận tổng cộng 4.159 ca tử vong. Thống đốc Andrew Cuomo cảnh báo diễn biến dịch COVID-19 tại New York những ngày tới sẽ rất khó đoán định bởi số ca nhiễm mới vẫn tăng nhiều, với tổng số ca nhiễm trên toàn bang là 122.031 ca, trong đó số ca nhiễm ở thành phố New York là 67.551. Số người đang được điều trị tại bệnh viện là 16.479 người.

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng tại New York, hãng hàng không American Airlines cho biết sẽ đình chỉ 1 tháng đối với một số chuyến bay đến và đi từ một số sân bay chủ chốt ở thành phố New York, trong khi nhiều hãng hàng không khác giảm số chuyến bay đến khu vực này.

Theo American Airlines, từ ngày 9/4 – 6/5 tới, hãng dự kiến chỉ cho vận hành tổng cộng 13 chuyến bay/ngày từ các sân bay JFK và LaGuardia ở New York cùng với sân bay Newark ở bang New Jersey, so với tần suất trung bình 271 chuyến bay/ngày đến và đi từ cả 3 sân bay này vào tháng 4/2019.

Lãnh đạo American Airlines giải thích lý do giảm tần suất bay là do nhu cầu đối với các chuyến bay đến và đi từ New York giảm mạnh trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) gần đây khuyến cáo người dân hạn chế tất cả các chuyến đi không cần thiết đến các khu vực New York, Connecticut và New Jersey.

Trước đó một ngày, hãng hàng không United Airlines cũng thông báo giảm số chuyến bay đến và đi từ New York từ 157 xuống còn 17 chuyến/ngày. JetBlue Airways thông báo giảm 80% tần suất khai thác bay, trong khi Spirit Airlines tuyên bố hủy toàn bộ các chuyến bay đến khu vực này.

Giữa lúc nhiều bệnh viện trên khắp nước Mỹ trở nên quá tải và thiếu trang thiết bị do số bệnh nhân COVID-19 tăng nhanh, các kỹ sư hãng Tesla của Mỹ ngày 5/4 đã công bố một mẫu máy trợ thở trong video đăng trên kênh Youtube của công ty.

Một kỹ sư cho biết thiết kế của máy sử dụng chủ yếu các linh kiện ô tô của Tesla, giúp hãng có thể tận dụng linh kiện hiện có trong kho có và sản xuất nhanh thiết bị trợ thở này. Tuy nhiên, các kỹ sư không nêu cụ thể thời gian bắt đầu sản xuất máy trợ thở.

Video trên được công bố 2 tuần sau khi Giám đốc điều hành Tesla, tỷ phú Elon Musk thông báo hãng có kế hoạch mở lại nhà máy tại New York để sản xuất máy trợ thở. Ngày 31/3 vừa qua, ông Musk tuyên bố Tesla dự định cung cấp miễn phí cho các bệnh viện máy trợ thở được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.

* Thủ tướng Nhật Bản dự định ban bố tình trạng khẩn cấp do COVID-19

Ngày 6/4, một quan chức chính phủ Nhật Bản cho hay Thủ tướng nước này Shinzo Abe dự định ban bố tình trạng khẩn cấp vì đợt bùng phát bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra tại nước này, trong bối cảnh số ca lây nhiễm tăng nhanh tại Tokyo và nhiều thành phố lớn khác của Nhật Bản.

Việc ban bố nói trên, căn cứ vào một đạo luật mới sửa đổi gần đây, sẽ trao quyền cho chính quyền địa phương chỉ thị cho người dân ở nhà và yêu cầu đóng cửa trường học cũng như những cơ sở khác.

Động thái này sẽ nhằm vào các thành phố lớn như Tokyo và Osaka.

Theo thống kê của trang web worldometers.info, tính đến sáng 06/4, số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Nhật Bản đã tăng 515 trường hợp so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này lên 3.654 người.

Số ca tử vong do virus gây viêm phổi ở Nhật Bản hiện là 96 người, bao gồm cả những ca tử vong trên con tàu du lịch Diamond Princess đang bị cách ly tại cảng Yokohama gần thủ đô Tokyo.

* Thổng thống Mỹ: 40.000 người Mỹ được trở về nước vào phút chót 

Ngày 4/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump cho biết 40.000 người Mỹ tại nước ngoài bị "mắc kẹt" đã được hồi hương vào phút chót trong bối cảnh lây lan dịch COVID-19. Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói rằng các công dân Mỹ trên đã được đưa trở lại đất nước này trên 400 chuyến bay từ 75 quốc gia khác nhau.

Vào ngày 3/4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố rằng 37.000 công dân Mỹ từ hơn 60 quốc gia đã lên hơn 400 chuyến bay trở về quốc gia này kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Trong số đó, chỉ tính riêng trong tuần vừa qua đã có tới hơn 20.000 công dân Mỹ hồi hương.

Trước đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 31/3 đã kêu gọi những người Mỹ vẫn đang ở nước ngoài và muốn trở về Mỹ nên thực hiện điều đó "ngay lập tức". Ông Pompeo thể hiện quan điểm rất kiên quyết về việc hồi hương của công dân Mỹ trong cuộc khủng hoảng do dịch bệnh này gây ra.

Tổng thống Trump đã ủng hộ các nỗ lực của Bộ Ngoại giao trong việc đưa công dân Mỹ trở lại quốc gia này.

Tính đến 0h15 ngày 6/5 (giờ Việt Nam), dịch COVID-19 tại Mỹ đã khiến 321.517 nhiễm bệnh, tăng 10.160 ca trong 24 giờ qua, 9.129 người tử vong, tăng 677 ca trong ngày. Cho đến thời điểm này, Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới và gấp đôi so với Tây Ban Nha ở vị trí thứ hai với gần 131.000 người nhiễm và gần 12.500 người tử vong.

Toàn thế giới hiện có 1.236.392 người nhiễm COVID-19 và 67.232 người tử vong. 

Cập nhật dịch COVID-19 ngày 6/4: EU đang đứng trước thách thức lớn nhất trong lịch sử

Xếp sau Tây Ban Nha là Italy (124.632 ca nhiễm và 15.362 ca tử vong), Đức (96.471 ca nhiễm và 1.447 ca tử vong) và Pháp (89.953 ca nhiễm và 7.560 ca tử vong). Trung Quốc, nơi khởi nguồn của đại dịch COVID-19, đứng ở vị trí thứ 6 với 81.669 ca mắc và 3.329 ca tử vong.

Đáng chú ý, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết trong ngày 4/4 đã ghi nhận 674 ca tử vong - mức thấp nhất trong 10 ngày qua. Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong trong ngày giảm. Trong khi đó, số liệu của Viện nghiên cứu Robert Koch cho thấy số ca nhiễm mới tại Đức đã giảm 3 ngày liên tiếp.

Bộ Y tế Anh ngày 5/4 công bố số liệu thống kê cho thấy, tính đến 16h00 GMT ngày 4/4 (23h00 cùng ngày theo giờ Hà Nội), nước này đã ghi nhận thêm 621 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 4.934 người.  

Tính đến 8h00 GMT ngày 5/4 (15h00 cùng ngày theo giờ Hà Nội), các cơ quan y tế của Anh đã xét nghiệm tổng cộng 195.524 người, trong đó có 47.806 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tại Brazil, Bộ Y tế nước này cảnh báo thủ đô Brasilia và các bang Ceara, Amazonas, Rio de Janeiro và Sao Paulo có thể chuyển từ giai đoạn lây nhiễm cộng đồng sang giai đoạn bùng phát dịch bệnh "mất kiểm soát" vì những vùng này đang có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn cả.

Cùng ngày, Bộ Y tế Mexico dự báo số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tiếp theo và đỉnh dịch tại Mexico sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

Nhằm thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, chính quyền vùng Lombardia, Italy đã ban hành quy định bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà, có hiệu lực kể từ ngày 5/4.

Hy Lạp đã tuyên bố gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm 3 tuần, tới ngày 27/4 sau khi quốc gia này ghi nhận thêm 9 ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19.  Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ cũng siết chặt các biện pháp kiểm tra tại những không gian công cộng thường tập trung đông người như các khu chợ và các tuyến phà tại thành phố Istanbul.

Tại châu Á, Iran, một điểm nóng về dịch bệnh của khu vực, trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 151 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong lên 3.603 ca. Số ca mắc COVID-19 tại Iran đã tăng 2.483 ca lên 58.226 ca Nhằm giảm thiểu tác động từ dịch bệnh, các hoạt động kinh tế ít rủi ro của nước này sẽ được nối lại từ ngày 11/4 tới.

Riêng tại thủ đô Tehran các hoạt động này sẽ được nối lại vào ngày 18/4 tới. Khoảng 2/3 nhân viên Chính phủ Iran sẽ làm việc từ xa. Các hoạt động có nguy cơ cao như văn hóa, thể thao, dạy học và tôn giáo sẽ tiếp tục tạm dừng cho đến ngày 18/4 tới.

Bệnh viện giã chiến tại Nga.

Tại Hàn Quốc, để góp phần nâng cao hiệu quả biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính phủ nước này ngày 5/4 đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện "giãn cách xã hội" tới hết ngày 19/4 tới.

Tại Nhật Bản, Bộ Y tế thông báo số ca mắc COVID-19 trên cả nước đã lên tới 3.506 ca, tăng 367 ca so với một ngày trước đó. Đài NHK dẫn nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết ngày 5/4, thủ đô Tokyo đã ghi nhận hơn 143 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Đây là số ca nhiễm tăng mạnh nhất trong một ngày, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại thành phố này lên 1.034 ca.

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã tăng lên 3.588 ca dù đã áp đặt lệnh hạn chế đi lại trong 3 tuần, Chính phủ Ấn Độ đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu phần lớn các bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Tại Pakistan, giới chức nước này cho biết đang tìm kiếm hàng chục nghìn người tham dự một sự kiện tôn giáo của tổ chức Tablighi Jamaat tại thành phố Lahore diễn ra từ ngày 10-12/3 vừa qua. Đến nay, ít nhất 154 tín đồ dự lễ của Tablighi Jamaat đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 2 người đã tử vong.

Bộ Y tế Singapore ngày 5/4 đã xác nhận thêm 120 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 1.309 ca. Đây là mức tăng các ca nhiễm mới cao nhất được thông báo trong một ngày ở quốc gia Đông Nam Á này. Để kiểm soát sự lây lan, Chính phủ Singapore đã quyết định đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu từ 7/4 và đóng cửa trường học từ ngày 8/4, đồng thời triển khai thêm các biện pháp hạn chế đi lại.

Về phần mình, giới chức y tế Malaysia đã hối thúc người dân hợp tác và trung thực với nhà chức trách nếu như họ có tiếp xúc với người nhiễm bệnh, về lịch trình đi lại, hay tham dự sự kiện có sự lây nhiễm cao. Tuyên bố này được đưa ra sau khi có 1 bệnh nhân trở về từ Italy đã lây nhiễm cho 37 người, trong đó có 5 người đã tử vong.

Để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, Chính phủ Indonesia đã thông qua chính sách phóng thích các phạm nhân, song không áp dụng cho các đối tượng bị kết án tham nhũng, khủng bố và buôn lậu ma túy.

Ở khu vực châu Phi, Nam Sudan đã ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, trong khi Ethiopia đã có ca tử vong đầu tiên do COVID-19 tại nước này. Nhằm giúp đất nước có thể vượt qua đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế, Quốc hội Tunisia đã quyết định trao một số quyền lực đặc biệt cho chính phủ nước này trong khoảng thời gian 2 tháng.

Chính phủ của Thủ tướng Elyes Fakhfakh sẽ được phép ban hành các sắc lệnh, thực hiện các thoả thuận mua sắm và huy động nguồn tài chính mà không cần phải chờ Quốc hội thông qua.

CHẤN HƯNG (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương