Các bộ trưởng tài chính EU hôm thứ Ba (4/10) đã nhất trí về việc tài trợ và phân phối quỹ trị giá 20 tỷ euro (19,8 tỷ USD) để giảm sự phụ thuộc của khối này năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Sự đồng thuận này là bước đầu tiên trong việc biến đề xuất của ủy ban thành luật trong bối cảnh khối này đang phải vật lộn với những hậu quả kinh tế từ cuộc chiến ở Ukraina.
Đây là một phần của phản ứng lâu dài đối với việc giá năng lượng tăng vọt ở Liên minh châu Âu do hậu quả của cuộc chiến tranh của Nga với Ukraina.
EU lấy tiền ở đâu để tài trợ?
Các bộ trưởng nhất trí rằng, khoản tiền tài trợ nhằm để giảm sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu hóa thạch của Nga nên được huy động bằng cách lấy khoảng 15 tỷ euro từ quỹ đổi mới của EU.
Khoảng 5 tỷ euro khác cũng sẽ đến từ việc bán giấy phép phát thải carbon dioxide cho các ngành công nghiệp sớm hơn kế hoạch.
Số tiền này sẽ được sử dụng để đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và thay thế nhiên liệu hóa thạch. Các đại biểu nhất trí phân bổ quỹ nhiều hơn cho một số nước EU phụ thuộc nhiều hơn vào dầu, khí đốt và than đá của Nga so với các nước khác.
20 tỷ euro là một phần trong kế hoạch của Ủy ban Châu Âu nhằm huy động tới 300 tỷ euro nhằm cho vay và trợ cấp để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Theo đề xuất, một phần lớn của số tiền - lên tới 225 tỷ euro - đến từ khoản tiền không có người nhận từ quỹ phục hồi COVID-19 của Liên minh châu Âu.
Các cuộc đàm phán diễn ra khi Đức đứng trước những lời chỉ trích về việc nước này chi một gói nhằm bảo vệ người dân và các công ty của mình khỏi chi phí năng lượng tăng cao.
Những tiến bộ đạt được đáng hoanh nghênh
"Hôm nay, chúng tôi đã đạt được một bước tiến lớn trong việc củng cố quyền tự chủ của châu Âu khỏi nhiên liệu hóa thạch của Nga", Bộ trưởng Tài chính Séc Zbynek Stanjura, người chủ trì cuộc họp cho biết.
"Nó sẽ giúp cải thiện an ninh năng lượng của EU và giải quyết giá năng lượng cao bằng cách nhanh chóng đầu tư vào những nơi quan trọng nhất", Ủy viên Kinh tế EU Valdis Dombrovskis viết trên Twitter.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết thỏa thuận này sẽ giúp các nước thành viên chống lạm phát và đầu tư vào việc cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Tiếp theo, Nghị viện châu Âu phải thống nhất một quan điểm trước khi các quốc gia thành viên và các nhà lập pháp có thể bắt đầu đàm phán luật cùng nhau.
Các bộ trưởng hôm thứ Ba cũng thảo luận về những hậu quả kinh tế rộng lớn hơn của cuộc chiến ở Ukraina trong bối cảnh lạm phát kỷ lục và hỗ trợ tài chính cho Kyiv.