Chìa khoá then chốt cắt đứt chuỗi lây nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất

Chiến lược xét nghiệm thần tốc chính là chìa khóa then chốt TP.HCM khoanh vùng, chặn đứng chuỗi lay nhiễm tại ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất.

Tính từ ngày 30/1 đến nay, TP.HCM đã lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 gần 40.000 mẫu, với kết quả xét nghiệm phải có trong vòng 24 giờ, để đáp ứng kịp với tốc độ truy vết, giám sát diện rộng.

 Sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục các hoạt động kiểm soát nhân viên sân bay, hành khách, siết quy trình chống lây nhiễm, an toàn cho hoạt động phục vụ hành khách đi và đến TP.HCM.

10 ngày phát hiện, chặn đứng ổ dịch liên quan đến chuỗi lay nhiễm COVID-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khẳng định chiến lược xét nghiệm thần tốc chính là chìa khoá của thành công.

tsn.jpg
Chiến lược xét nghiệm nhanh là chìa khóa để TP.HCM cắt đứt chuỗi lay nhiễm tại ổ dịch liện quan đến sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Zing

Theo HCDC, ngày 5/2 là một ngày đặc biệt khi hệ thống giám sát chủ động của thành phố phát hiện bệnh nhân 1979 trong chuỗi lây nhiễm liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất. Từ trường hợp chỉ điểm này, các hoạt động giám sát được mở rộng hơn để lần tìm các ca nhiễm chưa phát hiện. Ngành y tế thành phố ngay lập tức kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp nhất, truy vết khoanh vùng nhanh chóng các trường hợp tiếp xúc để cắt đứt chuỗi lây nhiễm.

Qua hoạt động mở rộng xét nghiệm, rà soát các nhóm nguy cơ tại sân bay, thành phố đã phát hiện thêm 8 trường hợp nhiễm, là nhân viên làm nhiệm vụ bốc xếp, giám sát hàng hoá tại sân bay. Tiếp tục truy vết khoanh vùng, TP.HCM phát hiện thêm 26 trường hợp nhiễm có liên quan.

Như vậy chuỗi lây nhiễm này hiện nay đã dừng ở con số 35 trường hợp.

Theo HCDC, để kiểm soát chuỗi lây nhiễm này, thành phố áp dụng theo đúng phương châm truy vết thần tốc, khống chế nhanh thông qua các biện pháp điều tra, mở rộng phạm vi tiếp xúc. Đặc biệt là mở rộng xét nghiệm cả về không gian và thời gian.

Khi nhận thông tin những trường hợp nghi nhiễm ngay khi còn là mẫu gộp, chưa xác định cá nhân nhiễm là trường hợp cụ thể nào, TP.HCM đã lập tức truy vết, khoanh vùng tất cả các trường hợp liên quan, không để sót bất cứ trường hợp nguy cơ nào. Từ đó đã lần ra được một chuỗi lớn gồm 35 trường hợp nhiễm bệnh như đã nêu.  

Chiến lược xét nghiệm nhanh được thành phố thực hiện cho các nhóm đối tượng nguy cơ như F1, mở rộng cho nhóm F2, lấy mẫu rộng các hộ gia đình xung quanh các địa điểm liên quan đến bệnh nhân với hơn 30 địa điểm được phong toả. Sau khi xét nghiệm tầm soát diện rộng, đánh giá nguy cơ và dựa trên các bằng chứng điều tra, các địa điểm phong tỏa sẽ được gỡ bỏ một phần hoặc toàn phần, hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Bài học mà HCDC coi là nguyên tắc tối quan trọng để kiểm soát được ổ dịch hoặc chuỗi lây nhiễm, là phải tìm ra được nguồn lây.

Đối với chuỗi lây nhiễm lần này tại sân bay Tân Sơn Nhất, bước đầu, thành phố đã đánh giá khả năng bắt nguồn từ nhóm nhân viên Công ty VIAGS. Do đó, đã tập trung khẩn xét nghiệm, rà soát lần 2 cho toàn bộ nhân viên công ty này. Toàn bộ 1.600 nhân viên công ty VIAGS và 3.800 người nhà được lấy mẫu xét nghiệm, với hơn 5.400 mẫu. Từ đây, ngành y tế TP.HCM đã tìm ra được thêm 3 nhân viên và 1 người nhà nằm trong chuỗi lây nhiễm 35 ca bệnh này. 

Thành phố ngay lập tức cách ly tập trung toàn bộ nhóm nguy cơ cao nhất. Cùng với đó là  xét nghiệm cho 1.570 trường hợp F1, 1.376 trường F2, 9.864 mẫu tại các địa điểm liên quan đến bệnh nhân. Tất cả mẫu xét nghiệm âm tính là cơ sở gỡ bỏ phong tỏa dần các địa điểm không còn nguy cơ.

Đây là cơ sở để bước đầu khẳng định TP.HCM cơ bản kiểm soát được chuỗi lây nhiễm, khi sau 6 ngày liên tiếp (tính từ ngày 10/2) không phát hiện ca bệnh mới.

Mặc dù vậy, HCDC cảnh báo TP.HCM là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ, do dân số đông, mật độ cao, có sự giao lưu lớn nên hoạt động giám sát tiếp tục triển khai tại các điểm có nguy cơ, như chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe, khu nhà trọ, quanh khu công nghiệp….

Từ chiều 30 Tết đến hết mùng 3, TP.HCM khẩn trương xét nghiệm giám sát các nhóm đối tượng trên. Tổng số mẫu xét nghiệm đã được lấy là 9.480, và tất cả đã có kết quả âm tính. 

Theo báo cáo từ việc theo dõi điều trị của Bệnh viện dã chiến Củ Chi, hầu hết các bệnh nhân tại ổ dịch Tân Sơn Nhất đều không có triệu chứng. Một số ít người có triệu chứng rất nhẹ. Không có trường hợp nào có dấu hiệu nặng trong chùm bệnh nhân này.

Nhiều trường hợp đã có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính rất nhanh sau một thời gian ngắn được cách ly điều trị tại bệnh viện.

Kết quả giải trình tự gen đối với bộ gen thu thập được từ 3 bệnh nhân trong đội bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM và đơn vị nghiên cứu lâm sàng của ĐH Oxford (OUCRU), ghi nhận chủng virus liên quan đến ổ dịch này là chủng A 23.1 phát hiện lần đầu ở Rwanda vào tháng 10/2020. Đây là chủng virus lần đầu phát hiện ở Việt Nam và Đông Nam Á. Tuy nhiên chủng này chưa gây diễn tiến bất thường gì ở các quốc gia có phát hiện bệnh.

Q.HUY