Chiều 23/6, mức tiêu thụ điện cả nước đạt tới đỉnh cao nhất từ xưa đến nay

Khoảng 14h ngày 23/6, công suất tiêu thụ hệ thống điện toàn quốc đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với 38.300 MW.

Tiêu thụ điện lên mức cao nhất từ trước đến nay

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC), không chỉ ở quy mô cả nước đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với 38.300 MW, công suất tiêu thụ điện của miền Bắc và TP. Hà Nội cũng đã lên các mức kỷ lục mới. Theo đó, công suất tiêu thụ điện của miền Bắc đạt đến 19.500 MW và TP. Hà Nội là 4.435 MW.

Ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho hay, trước tình hình phụ tải tăng rất cao như hiện nay, EVN đã chuẩn bị phương án huy động các nguồn điện để đảm bảo cung cấp điện. Cụ thể, EVN đã chỉ đạo A0 xây dựng các kịch bản, phương án vận hành hệ thống điện trong ngày cực đoan.

Lượng điện tiêu thụ điện đạt con số kỷ lục từ trước đến nay là 38.300 MW, tại thời điểm 14h chiều 23/6/2020. Ảnh: EVN.
Lượng điện tiêu thụ điện đạt con số kỷ lục từ trước đến nay là 38.300 MW, tại thời điểm 14h chiều 23/6/2020. Ảnh: EVN.

Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện phải sẵn sàng ở mức cao nhất; các nhà máy thủy điện cũng tích nước ở mức cao nhất để đáp ứng công suất của hệ thống; lưới điện luôn vận hành an toàn, ổn định để truyền tải từ nhà máy điện tới các hộ tiêu thụ. Riêng Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cũng sẵn sàng các phương án thay đổi kết dây, ứng phó khi có các sự cố xảy ra.

Tuy nhiên, nếu tình hình nắng nóng tiếp tục kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ sự cố các thiết bị nguồn điện, lưới điện dẫn đến có khả năng ảnh hưởng cung cấp điện cho hệ thống. 

Riêng các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện, dẫn tới những nguy cơ gây quá tải, sự cố, nhảy aptomat, nguy cơ gây cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường.

Trong bối cảnh nắng nóng còn tiếp tục kéo dài và khắc nghiệt, EVN khuyến cáo các cơ quan, công sở, nơi sản xuất và người dân cần sử dụng điện an toàn và tiết kiệm.

Cụ thể, nên sử dụng điều hòa nhiệt độ kết hợp với quạt và đặt ở nhiệt độ 26-27 độ C trở lên, vừa đảm bảo đủ mát, vừa giảm đáng kể điện năng tiêu thụ; không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện…), vừa giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, vừa tiết kiệm điện cho khách hàng, hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến…

Trong tháng 6, hơn 4,4 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50% so với tháng 5

Cũng theo số liệu từ EVN, sản lượng điện sinh hoạt tiêu thụ trong tháng 5 và tháng 6  tăng rất mạnh so với trước đó.

Số liệu thống kê cho thấy trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6, có hơn 3,1 triệu khách hàng (trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt cả nước) tương đương 11,92%, có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020.

Số liệu đến ngày 20/6/2020, số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5.
Số liệu đến ngày 20/6/2020, số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5.

Đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4.

Kì hoá đơn tháng 6/2020 còn tăng cao hơn, do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài.

Theo số liệu thống kê mới đến ngày 20/6/2020, đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5/2020 (gấp 2,33 lần so với tháng 5/2020).

Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó.

Với việc sử dụng điều hòa trong cao điểm nắng nóng, EVN giải thích rằng khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2 đến 3%. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 5độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng thêm 10%.

Do đó, dù thời gian sử dụng điều hòa không đổi, nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi, thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều.

Q. Huy

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương