Trong phiên hôm qua, VN-Index chính thức mất ngưỡng hỗ trợ 1.000 điểm quan trọng để về mức điểm thấp nhất trong vòng 2 năm qua, nối dài kỷ lục là thị trường chứng khoán có mức giảm điểm lớn nhất thế giới.
Bất chấp thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều thị trường lớn đã phục hồi, chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh vĩ mô rất tích cực đã đi theo một đường riêng để giảm giá với tốc độ rất khó lý giải.
Tâm lý nhà đầu tư chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đà giảm giá mạnh, dòng tiền mới không nhập cuộc cũng như nhiều thông tin chi phối đã chuyển thành hành động đó là bán tháo và rút tiền mặt. Giá nhiều cổ phiếu đã về mức đáy của đại dịch, bất chấp kết quả kinh doanh tốt cũng như triển vọng "không đến nỗi nào" quý IV.
Diễn biến phiên giao dịch sáng nay 25/10, lực bán mạnh tiếp tục diễn ra mạnh, VN-Index sau ít phút cầm cự đã lao dốc và có thời điểm đã về gần 960 điểm, trước khi bật nhẹ lên 965 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.
Độ rộng vẫn tiêu cực với hơn 360 mã giảm và gần 100 mã trong đó đã sớm lùi về giá sàn và trắng bên mua, thậm chí một số cổ phiếu đã dư bán sàn với khối lương lớn, điển hình như VND với gần 32 triệu cổ phiếu, DIG với hơn 5 triệu cổ phiếu, KBC với hơn 3 triệu cổ phiếu…
Trong khi đó, ở nhóm bluechip, cổ phiếu SAB đang níu giữ giúp chỉ số không rơi sâu hơn với mức tăng hơn 4%, trong khi ở chiều ngược lại, các cổ phiếu VHM, GVR và KDH đã sớm giảm sàn.
Chạm đáy gần 960 điểm, nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn bắt đáy, nhiều cổ phiếu đã đảo chiều tăng điểm mạnh giúp bảng điện tử bớt tiêu cực hơn, chỉ số VN-Index theo đó đã đảo chiều ngoạn mục và tăng trở lại lên gần ngưỡng tâm lý 1.000 điểm khi kết phiên.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều 25/10, VN-Index tăng 11,55 điểm lên 997,70 điểm tương ứng 1,16%. Toàn sàn có 196 mã tăng, 251 mã giảm và 73 mã đứng giá.
Trong một ngày thông tin tiêu cực tràn ngập bủa vây, VN-Index đã lượn lên rồi lại lượn xuống, VN-Index suýt chút nữa chinh phục thành công luôn mức tâm lý 1,000 điểm.
Cuối phiên ngân hàng tăng mạnh và là cứu cánh cho VN-Index, CTG trần, SHB trần, LPB trần, EIB tăng 6.85%, MBB tăng 5.13%. Dòng thép cũng có đóng góp tích cực với HPG tăng 4.27%, HSG trần, NKG tăng 3.05%.
Xét theo nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng hồi phục rất mạnh. Cụ thể, VCB tăng 2,79%, BID tăng 3,13%, MBB tăng 5,13%, EIB tăng 6,85%, VIB tăng 2,12%, ACB tăng 4,62%; CTG, SHB, LPB đồng loạt tăng kịch trần.
Nhóm bất động sản diễn biến hết sức bi đát. Bộ đôi VIC - VHM gây áp lực lớn ngay từ đầu phiên, VHM thậm chí giảm kịch sàn trong thời gian khá dài, nhưng kết phiên lại đứng giá tham chiếu (đối với VHM) hoặc chỉ giảm nhẹ 0,71% (đối với VIC). Các cổ phiếu vốn hóa lớn như NVL và VRE đều ghi nhận sắc xanh.
Ở nhóm sản xuất, các cổ phiếu vốn hóa top trên giao dịch khá khả quan khi VNM tăng 2,7%, SAB tăng 3,76%, MSN tăng 3,02%, HPG tăng 4,27%, DGC tăng 2,74%, VHC tăng 3,08%, DPM và DCM đều tăng kịch trần. Sắc đỏ áp đảo ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn.
Cổ phiếu năng lượng và hàng không phân hóa: POW tăng 0,91%, GAS đứng giá tham chiếu còn PGV giảm 3,47% và PLX giảm 4,44%; VJC tăng 0,93% trong khi HVN đứng giá tham chiếu.
Cổ phiếu bán lẻ diễn biến tích cực khi MWG, PNJ và FRT lần lượt có thêm 2,77%, 0,1% và 3,36% giá trị.
HNX-Index giảm 1,48 điểm (0,71%) lên 208.02 điểm. Toàn sàn có 54 mã tăng, 128 mã giảm và 44 mã đứng giá.
UPCoM-Index giảm 0,20 điểm (0,26%) lên 76.25 điểm. Toàn sàn có 111 mã tăng, 171 mã giảm và 61 mã đứng giá.
(Nguồn: ĐTCK)