Chứng khoán Mỹ có một tuần giao dịch khởi sắc nhờ doanh số bán lẻ tích cực

Chỉ với hai trong ba chỉ số chủ chốt tăng điểm trong phiên cuối tuần 16/10 đã cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ có dấu hiệu khởi sắc.

Tuần qua, cổ phiếu Phố Wall có một tuần không mấy sáng sủa. Nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà tăng trên sàn chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch đầu tuần (12/10) khi giá cổ phiếu của Apple tăng mạnh trước khi hãng cho ra mắt iPhone 12 sử dụng công nghệ di động thế hệ thứ năm (5G) trong ngày 13/10.

Tuy nhiên, xu hướng tích cực này không duy trì được lâu với sắc đỏ bao phủ Phố Wall trong ba phiên tiếp theo (13-15/10).

Ngày càng nhiều quan ngại dấy lên khi một số hãng dược phẩm của Mỹ đứng trước bước thụt lùi trong việc thử nghiệm vắc-xin và phương pháp điều trị COVID-19.

Ngày 13/10, hãng dược phẩm Eli Lilly của Mỹ thông báo dừng cuộc thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể vì lý do an toàn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đó, hãng Johnson & Johnson (J&J) ngày 12/10 cũng cho biết đã tạm ngừng thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 vì một trong những người tham gia thử nghiệm có vấn đề về sức khỏe.

Nổi bật nhất vẫn là tâm lý hoài nghi về gói kích thích kinh tế mới sau khi những bình luận không mấy khả quan của các nhà lập pháp Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 14/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết vẫn còn khoảng cách khá xa với đảng Dân chủ trong các cuộc đàm phán.

Trong khi đó, các biện pháp giãn cách và kiểm soát dịch COVID-19 nếu được thắt chặt hơn có thể làm "chệch hướng" đà phục hồi kinh tế.

Đến phiên cuối tuần 16/10, tâm lý nhà đầu tư trên Phố Wall có phần khởi sắc sau khi thị trường đón nhận báo cáo cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ đã tăng 1,9% trong tháng 9/2020, vượt qua kỳ vọng và phục hồi sau bốn tháng liên tục tăng chậm lại.

Doanh số bán lẻ và dịch vụ thực phẩm được điều chỉnh theo mùa của Mỹ trong tháng 9/2020 đạt 549,3 tỷ USD, tăng gần 2% so với tháng 8/2020 và tăng 5,4% so với tháng 9/2019.

Mức tăng doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 9/2020 cũng vượt mức tăng 0,6% của tháng 8/2020 và mức tăng 0,9% trong tháng 7/2020.

Doanh số bán lẻ phục hồi trong tháng 9/2020 đã phần nào xoa dịu một số lo ngại rằng việc giảm dần kích thích tài khóa và việc chương trình trợ cấp thất nghiệp hết hạn sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng. Chi tiêu tiêu dùng chiếm khoảng 2/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ.

Bên cạnh đó, thông tin tiếp thêm hy vọng cho giới đầu tư là việc tập đoàn dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ cho biết, hãng đã sẵn sàng thử nghiệm vắc-xin COVID-19 giai đoạn cuối, để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin này vào cuối tháng 11/2020, nếu các thử nghiệm thành công.

Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% lên 28.606,31 điểm và chỉ số S&P 500 tiến thêm 0,47% lên 3.483,81 điểm. Riêng chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 0,4% và đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 11.827,42 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,1%, chỉ số S&P 500 nhích 0,2%, còn chỉ số Nasdaq Composite tiến thêm 0,8% so với tuần trước.

Nhận định về thị trường chứng khoán tuần tới, các nhà quan sát cho rằng các cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế bổ sung vẫn sẽ chi phối diễn biến thị trường.

Ông Steven Mnuchin mới đây cho biết, Nhà Trắng và các nhà lập pháp nước này khó có thể hoàn tất gói kích thích kinh tế mới trước cuộc bầu cử tháng Mười Một, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất gói cứu trợ chống dịch lên hơn 1.800 tỷ USD.

Dù vậy, đã có những dấu hiệu cho thấy sự bế tắc có thể giảm bớt, sau khi ông Mnuchin cho biết Nhà Trắng sẽ đồng ý về một kế hoạch thử nghiệm mà đảng Dân chủ đề xuất để giúp giảm bớt thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Đây là một bước tiến nhỏ, nhưng có vai trò quan trọng sau nhiều tháng đàm phán không có kết quả về việc gia hạn một số điều khoản đã hết hiệu lực trong Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES).

Mặt khác, chỉ số sản xuất công nghiệp của Mỹ yếu hơn dự kiến, giảm 0,6% trong tháng Chín, được coi là dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các nhà kinh tế tại Oxford Economics nhận định, sản lượng công nghiệp thấp hơn nhiều so với kỳ vọng là một trong những dấu hiệu thực tế đầu tiên cho thấy sự phục hồi đang mất dần động lực dưới áp lực của cuộc khủng hoảng sức khỏe đang diễn ra và các biện pháp hỗ trợ đang thu hẹp dần.

(Nguồn: TTXVN)

HOÀNG GIA

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương