Tại thị trường Mỹ, nhóm công nghệ diễn biến tiêu cực và các nhà lập pháp ở quốc hội vẫn chưa thống nhất được gói cứu trợ mới là nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ lao đốc.
Kết phiên, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 205,5 điểm, tương đương 0,8%, đóng cửa ở 26.379 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 sụt lần lượt 1,3% và 0,6%.
Cổ phiếu nhóm công nghệ vốn hóa lớn (Big Tech) giảm trên diện rộng. Amazon và Netflix mất lần lượt 1,8% và 1,4%. Alphabet (công ty mẹ của Google) giảm 1,5%. Facebook và Apple cũng mất tương ứng 1,5% và 1,6%.
Ảnh minh họa. |
Trái với nhóm công nghệ, những cổ phiếu hưởng lợi từ quá trình mở cửa kinh tế đều diễn biến tích cực. Các hãng hàng không United Airlines và American Airlines cùng tăng hơn 3%, Delta Air Lines thêm 1,7%. Cổ phiếu du thuyền Carnival và Norwegian Cruise Line tăng lần lượt 4,2% và 6,3%.
Trong khi đó, tại thị trường châu Á, các thị trường chứng khoán phần lớn tăng điểm trong phiên 28/7 trước sự quan ngại về sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 bên cạnh hy vọng về việc Mỹ có thể triển khai gói hỗ trợ kinh tế mới.
Đóng cửa ngày giao dịch 28/7, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,3% xuống còn 22.657,38 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,69%, tương đương 169,50 điểm, lên 24.772,76 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,7% lên 3.227,96 điểm, còn chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) tăng 1,76% (39,13 điểm) lên 2.256,99 điểm.
Trước sự quan ngại về số ca mắc mới COVID-19 ở châu Á và châu Á, châu Âu và Mỹ gia tăng, chính phủ các nước buộc phải áp dụng các biện pháp ứng phó dịch bệnh nghiêm ngặt, khiến triển vọng kinh tế thế giới vẫn chưa sáng và ảnh hưởng tiêu cực tới diễn biến của thị trường chứng khoán trong thời gian qua.
(Nguồn: TTXVN/KT&TD)