Tại thị trường Mỹ, chứng khoán Mỹ bất ngờ tăng mạnh ngay sau khi Mỹ thông tin về số liệu việc làm tháng 5 tích cực giúp nhà đầu tư thêm hi vọng vào quá trình hồi phục kinh tế sau dịch COVID-19.
Báo cáo việc làm vừa công bố đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào sự hồi phục nhanh chóng của nền kinh tế, do đó đẩy dòng tiền vào những cổ phiếu hưởng lợi từ quá trình nối lại hoạt động kinh doanh.
Theo đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 829 điểm trong phiên 5/6, tương đương 3,1% và đóng cửa ở 27.111 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tăng 2,6% lên 3.194 điểm.
Sau khi tăng sốc phiên 5/6, chỉ số S&P 500 chỉ còn kém 1,1% so với mức đầu năm. Ở đáy của giai đoạn bán tháo trong dịch COVID-19, S&P 500 giảm 30,3%. Dow Jones hiện chỉ còn giảm 5% so với đầu năm dù có lúc sụt tới 34,6%.
Ảnh minh hoạ |
Theo CNBC, Nasdaq Composite trở thành chỉ số chính đầu tiên lấy lại đỉnh lịch sử thiết lập trước dịch khi tăng hơn 2% trong phiên 5/6, đóng cửa ở 9.814 điểm. Giữa phiên, có lúc chỉ số này lập đỉnh trong ngày (intraday) 9.845,69 điểm.
Trong năm 2020, có lúc Nasdaq Composite sụt tới 25% nhưng hiện nay đã tăng 9,3% so với ngày đầu năm.
Chung tuần này, Dow Jones tăng 6,8%, S&P 500 và Nasdaq Composite đi lên lần lượt 4,9% và 3,4%.
Còn tại thị trường châu Á, trong phiên giao dịch 5/6, chứng khoán ở châu Á tăng điểm trở lại khi đóng cửa phiên.
Cụ thể, chỉ số Nikkei của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,7% lên 22.863,73 điểm trong khi chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,7% lên 24.770,41 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,4% lên 2.930,80 điểm. Còn chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) tăng 1,43% (30,69 điểm) lên 2.181,87 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 20/2/2020.
Trong khi đó, niềm tin của giới đầu tư cũng tiếp tục được cải thiện với những kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ quyết định cắt giảm lãi suất tại cuộc họp diễn ra vào ngày 9-10/6 tới.
(Nguồn: TTXVN/KT&TD)