"Chúng tôi ở đó để lau khô nước mắt cho bệnh nhân"

Làm việc bất kể ngày đêm, sợ lây bệnh cho gia đình, bị kỳ thị... là những gì mà các y bác sĩ phải đối mặt trong đại dịch Covid- 19, nhưng....

Đội ngũ y bác sĩ trên toàn thế giới đang gồng mình chống lại dịch COVID-19. Họ chiến đấu kiên cường nhưng phía sau bộ đồ bảo hộ, sau lớp khẩu trang đã tạo nếp hằn trên khuôn mặt, họ cũng có những nỗi sợ rất con người. Nhưng những người hùng đã lựa chọn đứng bên cạnh bệnh nhân, trung thành với lời thề Hippocrates.

Nỗi sợ lớn nhất: lây lan cho người thân, bệnh nhân và cộng đồng

Yvonne Yui đang chờ kết quả xét nghiệm nCoV sau khi công tác tại một bệnh viện ở bờ đông Mỹ, chuyên khoa sơ sinh. Chị họ của cô Pamela Lin, một bác sĩ tại phòng khám gia đình ở Baltimore, tiểu bang Maryland, đã ho ba ngày và đang đợi kết quả.

Một bệnh viện dã chiến điều trị người bệnh COVID-19 ở New York, Mỹ. Ảnh: The Sun
Một bệnh viện dã chiến điều trị người bệnh COVID-19 ở New York, Mỹ. Ảnh: The Sun

Trước đây Yvonne Yui thấy may mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống bác sĩ, cả gia đình cô có tất cả 6 bác sĩ. Bây giờ đại gia đình cô đang phải đối mặt với một thử thách lớn nhất từ trước tới nay, khi phải vật lộn giữa một bên là chăm sóc bệnh nhân, với một bên là có khả năng lây nhiễm cho những người thân yêu của họ. 

Yvonne Yui đối mặt với những câu hỏi: Ai sẽ là người chăm sóc con gái sơ sinh nếu cô nhiễm dịch? Cô nên khuyên mẹ điều gì khi bà là một bác sĩ về hưu, cũng xung phong chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19? Gia đình cô có nguyên vẹn qua đại dịch này không? "Tôi nghĩ về những điều này khá nhiều lần. Tôi  lo lắng cho các anh chị em mình, cũng là bác sĩ ", cô nói.

Ở Anh, chính phủ đã yêu cầu 65.000 bác sĩ và y tá nghỉ hưu tham gia vào cuộc chiến chống dịch. Tại Mỹ, Hội Cựu chiến binh và chính quyền New York cũng đưa ra yêu cầu này.

Những người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn, nhưng bà Anna Koo, mẹ của  Yvonne, hiện 68 tuổi cho biết đã xem xét đăng ký "ra trận". "Nếu tôi là người có ích và mọi người cần giúp đỡ thì chắn chắn tôi sẽ tham gia. Ai cũng phải làm phần việc của mình", bà nói.

Với gia đình bà Koo, vấn đề nan giải nhất mà họ vật lộn không phải là bản thân có nguy cơ bị dương tính mà là có thể lây nhiễm cho gia đình, bệnh nhân và cộng đồng. Đây cũng là nỗi sợ lớn nhất với bác sĩ toàn thế giới.

Trấn an đồng nghiệp: nỗi sợ mới

Bác sĩ tâm lý tại các bệnh viện Pháp giờ không còn thời gian điều trị cho bệnh nhân, mà phải lo xử lý khủng hoảng của các đồng nghiệp trước.

"Đây là một nỗi sợ mới mà thế hệ của chúng tôi chưa bao giờ trải qua ở cấp độ này", bác sĩ tâm thần Julie Geneste làm việc tại thành phố Clermont-Ferrand ở miền trung nước Pháp nói. 

Một bác sĩ gục đầu mệt mỏi trong giờ nghỉ ngắn tại khoa cấp cứu của Bệnh viện Louis Pasteur ở Colmar, miền đông nước Pháp. Ảnh: AFP
Một bác sĩ gục đầu mệt mỏi trong giờ nghỉ ngắn tại khoa cấp cứu của Bệnh viện Louis Pasteur ở Colmar, miền đông nước Pháp. Ảnh: AFP

Với hàng trăm ca tử vong mỗi ngày, các y bác sĩ đang đứng trước trải nghiệm khủng khiếp.  Họ đối mặt với cái chết, với hơi thở hổn hển của bệnh nhân khi phổi tổn thương vì virus. Dịch bệnh ở Pháp ngày càng leo thang và các nhân viên y tế đang gồng mình trong cuộc chiến mà họ chưa từng nghĩ sẽ phải đối mặt.

"Họ coi đó là một cơn sóng thần, có nghĩa tất cả đều có thể bị nhấn chìm", ông David Davido, giám đốc bộ phận xử lý khủng hoảng tại Bệnh viện Raymond-Poincare ở Paris, cho biết.

"Nỗi sợ hãi của chúng tôi là phải nói với những người bệnh nằm trên cáng rằng 'xin lỗi, chúng tôi không còn giường nữa', ông Davido nói thêm. 

Ông Davido cho biết lo lắng lớn hơn với nhân viên y tế là sự thiếu hụt khẩu trang và đồ bảo hộ. Sự tức giận lên đến đỉnh điểm sau cái chết đầu tiên của một bác sĩ Pháp. Vị bác sĩ này đã hủy chuyến du lịch về quê ở Madagascar để giúp mọi người khi dịch bắt đầu bùng phát. 

"Sáng nay khi thức dậy tôi đã khóc. Tôi khóc khi ăn sáng. Tôi khóc khi chuẩn bị vào ca làm", y tá Elise Cordier tiết lộ nỗi sợ hãi và đau khổ của những người ở tuyến đầu chống dịch.

Nhưng sau đó, "ở phòng thay đồ bệnh viện, tôi đã lau khô nước mắt. Tôi hít thật sâu và thở mạnh ra. Những người nằm trên giường bệnh đang khóc. Và tôi ở đó để lau khô những giọt nước mắt cho họ", Cordier nói.

"Xin đừng kỳ thị chúng tôi"

Là những người trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 nhưng nhiều y, bác sĩ lại đang bị kỳ thị, thậm chí bị đuổi khỏi nhà.

Tại một khu cách ly chống dịch COVID-19 của TP.Hải Phòng, điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ: “Công việc không quá vất vả nhưng áp lực tinh thần thì rất lớn. Đó là sự nguy hiểm khó lường của dịch COVID-19. Chúng tôi cũng là con người và hoàn toàn có thể bị lây nhiễm, tuy nhiên, trách nhiệm vì cộng đồng là trên hết". 

Bữa cơm của các bác sĩ, điều dưỡng làm nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung. Ảnh: Thanh Niên
Bữa cơm của các bác sĩ, điều dưỡng làm nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung. Ảnh: Thanh Niên

Chính vì vậy, khi lãnh đạo bệnh viện có kế hoạch thay đổi nhân sự khu cách ly, nhưng các bác sĩ, điều dưỡng viên làm nhiệm vụ ở đây vẫn xung phong ở lại. “Dịch còn diễn biến phức tạp. Đội ngũ nhân viên y tế thì mỏng. Chúng tôi còn làm được thì còn cố gắng”, một bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây nói.

Công việc đã căng thẳng, nguy hiểm hơn ngày thường, áp lực của cộng đồng còn mệt mỏi hơn. Nhiều bác sĩ, điều dưỡng làm việc ở khu cách ly cho biết đã cảm nhận được sự kỳ thị của nhiều người. “Em đi gội đầu mà họ còn không làm cho. Buồn thế”, một điều dưỡng viên chia sẻ. 

Thực tế, tình trạng các y bác sĩ bị kỳ thị cũng xảy ra tại nhiều nước khác. 

Tại Nhật Bản, các bác sĩ, y tá bị kỳ thị, xa lánh và bị gọi là "mầm bệnh" bởi chính đồng nghiệp của mình. Thậm chí, một bác sĩ còn bị cấm đặt chân đến bệnh viện nơi anh đang làm việc. Con cái của lực lượng y tế cũng được yêu cầu ở nhà, thay vì đến trường như các học sinh khác.

Trước tình hình trên, Hiệp hội Y khoa Nhật Bản (JDAM) đưa ra tuyên bố kêu gọi các lãnh đạo, nhân viên y tế và trường học cần có hành động kịp thời để chấm dứt tình trạng này.

Tại Singapore, các y bác sĩ làm việc rất vất vả nhưng vẫn bị kỳ thị. Một bộ phận người dân có thái độ tẩy chay mỗi khi thấy họ mặc đồng phục xuất hiện ở nơi công cộng.

Bác sỹ Ấn Độ làm việc tại trung tâm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Kolkata. Ảnh: REX
Bác sỹ Ấn Độ làm việc tại trung tâm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Kolkata. Ảnh: REX

Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế tại Ấn Độ bị từ chối đi taxi, ngăn cản không cho về nhà khiến họ buộc phải ngủ trong nhà vệ sinh hoặc sàn bệnh viện. 

Một y tá 38 tuổi làm việc tại một bệnh viện ở Kolkata, kể lại, bà bị chủ nhà trọ chặn ngay trước cửa nhà và yêu cầu bà cùng 2 đứa con còn nhỏ tuổi phải rời khỏi nhà trong 24 giờ dù bà từng thuê trọ ở đây suốt 7 năm trời.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đưa ra văn bản yêu cầu hành động để chấm dứt sự phân biệt đối xử với những người nhiễm virus corona, áp dụng với cả lực lượng y tế tiếp xúc với người bệnh.

“Chính phủ, công dân, cộng đồng, những người có ảnh hưởng và phương tiện truyền thông có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự kỳ thị. Mỗi người nên có hành động ủng hộ, thay vì xa lánh khi tình hình dịch bệnh vẫn đang nghiêm trọng”, theo WHO.

AN LY (t/h)

Người dân rủ nhau chở gạo tới góp 'ATM gạo' miễn phí ở Sài Gòn

Người dân rủ nhau chở gạo tới góp "ATM gạo" miễn phí ở Sài Gòn

Ngày 8/4, nhiều người từ khắp nơi tại TP Hồ Chí Minh đến góp gạo cho chiếc máy "ATM gạo" được đặt tại địa chỉ 204 B đường Vườn Lài...