Chương trình khôi phục du lịch nội địa chính thức được phát động

Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc được Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động ngày 28/9 theo hình thức trực tuyến, hướng tới khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19.

Chủ đề của chương trình Kết nối xanh du lịch Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu khôi phục lại du lịch Việt Nam, trước tiên là khôi phục du lịch nội địa, trên cơ sở phù hợp một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến thực tế của dịch bệnh, từng bước khôi phục du lịch trong bối cảnh sống chung với COVID-19. Hướng đến đẩy mạnh du lịch nội địa giữa các “vùng xanh”.

du-lich.jpg
Du khách, người lao động trong lĩnh vực du lịch... phải là những người đã tiêm vắc xin COVID-19 như một điều kiện chính để tái khởi động ngành du lịch nội địa. Ảhh minh họa

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chương trình khôi phục du lịch nội địa muốn truyền tải thông điệp du lịch an toàn, khôi phục du lịch trong bối cảnh bình thường mới trong từng doanh nghiệp du lịch, tạo sự tin tưởng cho khách du lịch về các đơn vị được lựa chọn đáp ứng đủ tiêu chuẩn đón khách trong giai đoạn tình hình dịch vẫn còn phức tạp.

Chương trình có bộ tiêu chí an toàn riêng sẽ áp dụng tại các điểm du lịch với nhiều đối tượng từ lao động trong ngành đến du khách…

Trong đó có các điều kiện như, du khách trên 18 tuổi đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 là có thể đi du lịch nội địa, tùy theo mức độ dịch bệnh của điểm đi, điểm đến mà cần thêm kết quả âm tính từ xét nghiệm PCR hoặc test nhanh trong khoảng từ 48-72 giờ. Du khách dưới 18 tuổi cần kết quả âm tính với xét nghiệm PCR để du lịch tới các tỉnh, thành phố khác.

Doanh nghiệp lữ hành cũng phải thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% người lao động. Những người lao động thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với du khách như hướng dẫn viên, lái xe, phụ xe... phải có trang thiết bị cần thiết.

Các đơn vị du lịch phải quy định rõ chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2, chi phí điều trị nếu du khách trở thành F0; ngoài bảo hiểm du lịch thông thường, còn phải có bảo hiểm với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành kế hoạch “Giải pháp phục hồi thị trường du lịch nội địa và quốc tế”. Theo đó, sẽ có một chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn” sẽ được triển khai, đồng thời thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang), chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước, bao gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt ra nhiệm vụ đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch.

Trong đó, ba yếu tố quan trọng là tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 cho người dân và người lao động du lịch; bảo đảm an toàn cho các điểm đến, cơ sở du lịch; tạo điều kiện thuận lợi đi du lịch đối với du khách nội địa và quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vaccine.

Đ.KHẢI