Chuyên gia lý giải lý do cá voi xuất hiện trên biển Bình Định

Những ngày qua khu vực Vũng Bồi - Đề Gi, thu hút sự chú ý nhờ sự hiện diện của cá voi.

Từ cuối tháng 7 đến nay, đàn cá voi liên tục xuất hiện ở gần bờ Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định). Theo hướng dẫn viên du lịch Tommy Toàn, ban đầu 8 con cá voi bơi lượn sát bờ ở vùng biển Hòn Trâu, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), sau đó chỉ còn hai con bơi vào cách bờ khoảng 500 m. 

Ông Vũ Long, Chuyên gia Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp (TP.HCM), thông tin loài cá voi này có tên gọi là Bryde, hay còn gọi là cá ông Brai, có thân màu nâu xám với phần bụng hơi hồng, trên đỉnh đầu có hai lỗ phun nước.

  Cá voi xuất hiện tại biển Đề Gi, Bình Định. Ảnh: Hoàng Đức Ngọc

Cá voi xuất hiện tại biển Đề Gi, Bình Định. Ảnh: Hoàng Đức Ngọc

Tiến sĩ Nguyễn Tác An, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam cho rằng "đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy môi trường biển nơi đây sạch, trong lành và nguồn thức ăn trù phú".

"Rõ ràng môi trường biển nơi đây có nhiều yếu tố phù hợp với tập tính của loài cá voi Bryde như: Dòng hải lưu, nhiệt độ ấm, môi trường biển sạch, hệ sinh thái biển phong phú, nguồn thức ăn là các loại cá con dồi dào...", vị tiến sĩ phân tích.

Theo ông, vùng biển Đề Gi là nơi duy nhất ở Việt Nam có hiện tượng cá voi khỏe mạnh bơi vào gần bờ săn mồi kiếm ăn suốt nhiều ngày. Khu vực này có thức ăn dồi dào để huấn luyện con bơi lượn, săn mồi cho đến khi cai sữa, cứng cáp mới về lại biển khơi.

Nghiên cứu của Tổ chức Sinh vật biển Marine Life Vietnam cho thấy loài cá voi Bryde thường xuất hiện nhiều nhất ở vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhiệt độ từ 16-22 °C. Cá voi Bryde nằm trong danh sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa cần được bảo vệ.

Theo các chuyên gia, dù điều này là đáng mừng nhưng nếu sau một thời gian chúng cảm hấy không an toàn hoặc nguồn thức ăn ít dần sẽ sớm di cư đến vùng biển khác để sinh sống.

Chuyên gia Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp Vũ Long cho biết cá voi Bryde trưởng thành dài 11-15,5 m và có thể nặng từ 12-20 tấn. Trong khi đó, cá voi mới sinh chỉ dài 3-5m và nặng khoảng 1-2 tấn. Cá voi này săn mồi, kiếm thức ăn chủ yếu là các loại cá con như cá giò, cá cơm, cá trích, cá liệt và loài nhuyễn thể.

"Loài cá voi Bryde có tập tính nuôi con bằng sữa hết 6 tháng nên các cá thể mẹ thường chọn những vùng biển êm, nguồn thức ăn dồi dào để tập luyện cho con bơi lượn, săn mồi cho đến khi cai sữa, đủ cứng cáp để bơi lại ra vùng biển khơi", ông Long cho hay.

TS Hoàng Xuân Bền, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết cá voi xuất hiện ở vùng biển Việt Nam là hiện tượng bình thường. Hàng năm không hiếm các cá thể cá voi hay cá heo dạt vào bờ. Tuy nhiên, việc xuất hiện cá voi khỏe mạnh ở những vùng biển gần bờ khá hiếm, thường chủ yếu là cá heo. Vào mùa này hàng năm, những loại cá nhỏ (nguồn thức ăn) theo dòng nước vào bờ nên thu hút cá voi vào kiếm ăn. "Việc xuất hiện cá voi là tín hiệu tốt, ít nhất cho thấy môi trường sống của nó không bị tác động quá nhiều và khu vực đó vẫn còn thức ăn nên cá voi di chuyển đến kiếm ăn", ông nói.

TS Võ Văn Quang, Trưởng phòng Động vật có xương sống biển, Viện Hải dương học, cũng cho biết cá voi xuất hiện chủ yếu theo nguồn thức ăn di cư, là các đàn cá mồi nhỏ như cá cơm, cá trích, ruốc hay sinh vật nổi. Cá mồi nhiều do môi trường, dòng chảy và dinh dưỡng ở vùng biển đó quyết định. Theo ông Quang, hó có thể để đánh giá sự xuất hiện của cá voi là dấu hiệu hệ sinh thái biển khỏe mạnh nếu chỉ bằng quan sát, mà cần phải thu mẫu phân tích. Song các bức ảnh cho thấy nước biển ở khu vực Đề Gi tương đối trong xanh.

Ông Quang khuyến cáo nếu cá đang há miệng đớp mồi thì tốt nhất tránh đối đầu, cần bơi né ra bởi chỉ cần chúng lao nhanh thì khả năng nuốt thẳng người vào dạ dày là có thể xảy ra. Đuôi cá voi được coi là vũ khí để chúng chống lại kẻ thù như các loài cá mập hoặc cá voi sát thủ. Khi đập mạnh xuống, đuôi có thể gây thương tích. Tốt nhất nên rời khỏi khu vực của cá voi khi thấy chúng.

Thanh Mai

Tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu rơi vào thế 'tiến thoái lưỡng nan'

Tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu rơi vào thế 'tiến thoái lưỡng nan'

Chuyển hàng qua Nga từng chiếm 60% hoạt động kinh doanh của Rail Bridge Cargo, một công ty hậu cần của Châu Âu. Sau đó, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraina và các khách hàng lo lắng, đặc biệt là ở Mỹ, bắt đầu yêu cầu các tuyến vận tải thay thế.