Chuyện Hà Nội cũ: Thuốc lào Giang Ký

Đến mùa hái thuốc, chủ hãng thuốc lào Giang Ký về quê, báo tin cho bà con, ai có thuốc lào thì ghi tên vào bánh thuốc để làm bánh chiêu hàng...

Quê tổ ngoại tôi ở làng An Định, Thụy Anh, Thái Bình. Làng này còn gọi tên dân gian là làng Dành, đất khai khẩn lấn biển của cụ Nguyễn Công Trứ xưa kia. Cụ Nguyễn Công Trứ theo như dã sử giang hồ đồn đại thì lắm thê nhiều thiếp, đông đảo nàng hầu. Đã có lần từng bị một cô đào bắt đền:

Giang sơn một gánh giữa đồng

Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng?

Cả làng gần như đều là họ Nguyễn Công. Ông ngoại tôi sinh năm 1905 tuổi con ngựa, cũng họ Nguyễn Công và như thế, tất nhiên là cũng hai vợ chính. Còn có đâu thêm thì không biết.

Thời đó, hầu hết nhân dân ta, nhất là nông dân trên khắp mọi miền đất nước đều hút thuốc lào. Vua hút, quan hút, dân chúng nam nữ cũng hút. Chỉ có một số ít công chức làm việc cho bọn đế quốc sài lang hút thuốc lá. Đặc biệt ở quê hương các cụ nhà tôi lại là đất thuốc lào. Có nhiều chân ruộng như vùng Sáu Đỗi, là khu vực vườn bánh được mệnh danh là thuốc tiến vua. Người ta hay nói đến thuốc lào Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) nhưng thực ra đó là dòng thuốc Nam. Còn thuốc lào quê tôi thuộc dòng thuốc Đông.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Không phải quê tổ cái gì cũng hay, nhưng theo các cụ thuốc Tiên Lãng, Vĩnh Bảo thời đó sợi đen, hồ nhiều nước cháo nên khi xé bánh thuốc không có độ tơi xốp. Mã thuốc không gợi nhiều cảm hứng cho người hút như dòng thuốc Đông, mặc dù chất lượng gần như tương đương. Thuốc lào Thụy Anh thái sợi lớn hơn, có màu vàng đến vàng sẫm, chắc khói và có độ say êm ả, không nóng hoặc xóc.

Hẳn ai cũng nhớ câu chuyện “Ném bút chì” của cụ Nguyễn Tuân, kể về ông trùm Cai Xanh có cái hộp thuốc lào bằng vỏ quýt già khô, chạm mặt hổ phù. Ông Cai Xanh quả sành điệu bậc nhất thiên hạ. Thuốc lào sợi có ướp mùi vỏ quýt hút phê thượng thặng.

Việc chăm bón và canh tác cây thuốc lào ở quê ngoại đã trở thành một tập quán canh tác chuyên sâu khó có nơi nào sánh kịp. Ví như việc làm đất, đánh luống sao cho không bị ứ đọng nước và hướng luống phải đón được gió nam khi sắp thu hoạch. Việc bón phân, phải là phân chuồng mục trộn với đất tường vách, có vị thơm khói và vị vôi ngâm rơm ngấu trát vách. Thuốc chăm bón kịp thời vụ, bẻ nhánh, chỉ giữ lại mỗi cây khoảng trên chục lá, sao cho lá dày. Hằng ngày phải bắt sâu, đánh mùng, chải lá giữ cho cây sạch không mắc bệnh. Đến vụ thu hoạch phải nhìn cây, nhìn màu sắc lá, chọn thời tiết mới được hái thuốc.

Cây thuốc lào ưa đất thịt, có phớt vị chua phèn của những vùng ven biển như Thụy Anh, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Là cây thân thảo, lá to bản, thường được trồng vào cuối mùa đông, lúc giáp tết Nguyên đán. Lúc này trời hanh heo, phải tưới nước nhiều. Khi lá đã to, cây đã lớn, lại rất cần gió đông để cây hút được nhiều hơi ẩm. Cây thuốc lào khi lá đã già, chuyển sang màu vàng là đến vụ hái thuốc. Khi ấy lại rất cần gió nam. Người trồng thuốc khi thấy gió nam to nổi lên, chờ thêm chớp bể mưa nguồn xuất hiện, đợi lúc buổi chiều mặt trời sắp lặn, rủ nhau ra đồng hái thuốc. Đủ các điều kiện thời tiết lý tưởng hợp thành như thế, gọi là thuốc “được giấc”. Thêm điều kiện vị trí, được trồng ở chân ruộng tốt nữa là thuốc hạng vô đối trên đời.

Đến vụ hái thuốc, không khí lao động trong làng tất bật. Nào chuẩn bị phên phơi. Nào mời các thợ giỏi đến hái thuốc. Thuốc hái đến đâu, đem cho vào ang, giẫm đạp cho mềm. Sau đó các chị em phụ nữ khéo tay vào thuốc, lên phên đem phơi. Khi thuốc đã khô, tiếp tục dùng các bầu thuốc phun hồ nước cháo, phun nước vỏ só hoặc nước củ nâu sao cho thuốc lên xuân sắc. Thuốc được phơi ban ngày, ban đêm dãi thả sương gió để hấp thụ được hương vị của thiên nhiên và thải bớt vị hăng.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Khi thuốc đã phơi khô thấu đáo được vài ba ngày, người ta lấy dao sắc rạch lá thuốc làm bốn phần, bao đóng sợi thuốc thành từng bánh. Mỗi bánh chừng hai lạng, nén chặt thành hình chữ nhật. Sau đó lấy lá go, lá chuối đã phơi khô gói xung quanh, lấy lạt buộc lại, trông giống như một chiếc gối nhỏ. Xong xuôi đem đóng vào vại, bịt kín bằng mo để tránh không khí lọt vào gây ẩm mốc. Nhà nào nhiều có hai trăm bánh, nhà ít nhất cũng có từ dăm chục bánh trở lên.

Đến mùa hái thuốc, anh cả của ông ngoại tôi, chủ hãng thuốc lào Giang Ký, từ Hà Nội về quê. Cụ bỏ tiền mua chức Chánh tổng nên người làng thường gọi cụ Chánh. Thế mới biết đời trước cũng mua quan bán tước. Nhưng chức này chỉ để lấy danh thôi, để ngồi chiếu trên hàng tổng, đánh chén trong các kỳ hội hè đình đám chứ không được quyền tham gia nghị sự.

Về đến quê, cụ báo tin cho bà con xóm mạc, nhà nào có thuốc lào thì ghi tên vào bánh thuốc để đưa đến làm bánh thuốc chiêu hàng. Tối đến, cụ cho mời bốn cụ sành hút thuốc, biết thưởng thức vị thơm ngon của thuốc lào đến dùng thử. Sau đó mỗi vị cho điểm ghi vào bánh thuốc chiêu. Khi các bánh thuốc chiêu đã có đầy đủ điểm phê của các vị chấm, cuối cùng đến lượt cụ Chánh cho điểm.

Cụ không biết hút thuốc, nhưng cụ nhìn mã sợi, ngửi mùi thuốc và lấy tay vê chừng vừa một điếu. Vê xong mở ra xem điếu thuốc nở hay chặt. Qua những cảm nhận này, cụ đánh giá bằng cách cộng số điểm của bánh thuốc đã được bốn người phê, chia lấy điểm bình quân rồi thêm điểm nếu đúng thuốc ngon, hoặc bớt điểm nếu thuốc có mùi khét. Từ đó, theo giá cả thị trường mà quyết định giá tiền một cân. Không biết hút thuốc mà lại biết đánh giá thuốc, kể cũng tài.

Khi đã định giá xong, cụ Chánh thông báo cho các nhà mang thuốc lào đến cân, có gia đình được dăm chục cân, 1 tạ, 2 tạ… Nhà nào có năng suất cao và trồng được nhiều, cụ thưởng cho 2 đồng bạc tiền Đông Dương. Các gia đình nhận tiền xong còn được biếu 3 lạng thịt lợn sống và một gói xôi về liên hoan.

Thuốc đã thu mua xong, cụ mượn người đan sọt để đóng thuốc vào. Lấy lá go, lá chuối khô lót kỹ vào trong sọt và bọc ni lông, bốc lên xe chuyển về Hà Nội. Nhờ có sự tiêu thụ, động viên và thu mua giá cả hợp lý của cụ cả mà nghề thuốc lào ở làng An Định và một số làng bên ngày càng phát triển. Nhãn hiệu trình tòa thuốc lào Giang Ký từng xuất đi khắp Đông Dương.

Em ruột cụ Chánh là ông ngoại tôi, do hoạt động Cộng sản bị đế quốc sài lang bắt đươc tại Kiến An, Hải Phòng. Sau khi thành án khổ sai chung thân, bị đày đi Sơn La năm mới có 18 tuổi, rồi bị đày tiếp đi Côn Đảo, cùng khám với ông Phạm Văn Đồng. Ông tôi thường được các đồng chí gọi là Tư Nghi.

Thủ bút của cụ Phạm Quỳnh gửi Louis Marty (Ảnh: internet).
Thủ bút của cụ Phạm Quỳnh gửi Louis Marty (Ảnh: internet).

Cụ Chánh thương em trai, vội vàng đi vận động chạy án. Vốn là người có ân nghĩa lớn với gia đình bên vợ ông Phạm Quỳnh, cụ nhờ Phạm Quỳnh viết thư cho Louis Marty, là giám đốc chính trị tùng sự tại phủ Toàn quyền Đông Dương, cũng là bạn cũ đồng sáng lập Tạp chí Nam Phong, nhờ Louis Marty can thiệp giảm án. Tư liệu này tôi được đọc do sau khi Louis Marty chết, bà vợ thấy có bút tích của Phạm Quỳnh, đã gửi lại cho bà Phạm Thị Ngoạn, con gái ông và cũng là tiến sĩ Sorbonne, Paris, tác giả luận văn Tìm hiểu Tạp chí Nam Phong (Introduction Au Nam Phong).

Ông Phạm Quỳnh đã cố hết sức dùng tình cảm riêng thân mật lâu năm với Louis Marty để xin xử nhẹ tay với người cộng sản trẻ tuổi. Việc này không ăn thua. Bọn quan tòa đế quốc sài lang dã man chê tiền. Mãi đến năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp cầm quyền thì ông tôi mới được tha.

Về đến Hà Nội, ông được cụ Chánh giao cho việc buôn bán chấn hưng nhãn hiệu thuốc lào Giang Ký. Hiệu thuốc lào ở số 8 phố Đồng Xuân, có thông thước thợ với một nhà nữa là nhà số 23 phố Hàng Khoai. Ngôi nhà này tôi đã sống suốt thời đi học. Ông tôi vừa kinh doanh, vừa đứng tên mua cái biệt thự số 5 phố Thiền Quang, cho thuê lấy quỹ hoạt động cho đảng Cộng sản.

Chẳng được bao lâu, thực dân Pháp gây hấn và chiến cuộc lại bùng nổ ngay tại đất kinh kỳ. Thăng Long phi chiến địa nay đã trở thành chiến địa đẫm máu. Những người đầu tiên đứng lên chống quân xâm lăng trong đêm ngày 19 tháng Tuyết, không ai khác, lại là chính những người Hà Nội. Tôi dùng chữ “tháng Tuyết” là để tưởng nhớ đến ông cậu họa sĩ của tôi, vốn mê mẩn với Cách mạng Tư sản Pháp. Đục tường nhà nối mọi đời riêng, những người Thủ đô lên chiến lũy, với những vũ khí tự trang bị trong mô tả của Xuân Quỳnh:

Anh giáo tư nhút nhát

Đưa bàn tay trắng trẻo nhận thanh gươm

Anh sinh viên trường Thuốc ngang tàng

Mang đến con dao giải phẫu

Anh kéo đàn tiệm rượu

Bác phở rong mũ dạ

Ông thợ già bẻ ghi…

Lúc nước sôi lửa bỏng, chẳng ai so đo soi xét thành phần giai cấp. Tôi cho rằng thực sự những câu thơ yêu mến nhất, tài hoa nhất, là bởi chính những con người mang chất trí thức tiểu tư sản Thủ đô viết nên. Họ không đủ giàu có để tính toán thiệt hơn, họ cũng không vô sản bần cùng để bất chấp tất cả, nhưng họ có một trái tim mẫn cảm và nhiệt thành.

Bỏ lại “những mặt hồ sương muối, những sân trường lá rụng áo bay”, lớp lớp người Hà Nội lên đường hẹn ngày trở lại.

Xuân Tùng

Trà sen, phong cách tao nhã của người Hà Nội cũ

Trà sen, phong cách tao nhã của người Hà Nội cũ

Nhắm mắt chiêu một hớp nhỏ, hương sen lan tỏa khắp miệng, ngào ngạt như đang tĩnh tâm trước một đầm sen. Tinh thần tỉnh táo và sảng khoái đến vô cùng.