Chuyện Hà Nội cũ: Trung thu chơi đèn kéo quân

Phố Hàng Mã thời đó tuy không tấp nập như bây giờ nhưng lại bán các con giống, tò he đủ màu sắc làm bằng bột nếp rất thu hút trẻ con.

“Tết Trung thu bọn trẻ con ngoài Bắc có cách chơi khác. Chúng được “thầy me” sắm cho bộ quần áo tốt và mua cho một cái lồng đèn. Tối hôm ấy, chúng hội nhau lại, mỗi đứa trên tay đến xách một cái lồng đèn có đốt nến sẵn, chúng sắp hàng nhau kéo đi rong các ngõ đường và ca hát lên vang vậy. Tàn cuộc chơi rồi chúng trở về nũng nịu xin quà. Chúng chỉ được một ít bánh “trung thu”, thứ bánh ngọt của Khách trú làm, người mình rất hay dùng để cúng vào ngày rằm tháng Tám”.

Đó là quang cảnh đón tết Trung thu năm 1938 qua mô tả của ký giả tờ Công luận.

Trung thu năm 1930 tại Hà Nội.
Trung thu năm 1930 tại Hà Nội.

Còn báo Loa, một tờ báo trào phúng nổi tiếng thì tường thuật tết Trung thu của người Hà Nội như sau:

“Năm nay kinh tế có khác. Gần tết Trung thu mà ở phố Hàng Gai, Hà Nội chỉ lơ thơ vài hàng đèn mà hầu hết là từ năm ngoái hãy còn lôi ra bày cả.

Có người hỏi đùa một cô hàng:

- Cô không làm thêm một vài ông Tiến sĩ hay Trạng nguyên mà bán có được không?

Cô hàng thở dài trả lời một câu gọn lỏn:

- Ối chao! Tiến sĩ thật kia còn ế nữa là Tiến sĩ giấy.

 (…)

Thiên hạ xem đồ chơi Trung thu đương xúm quanh một cửa hàng. Ông thợ thiếc đẩy đi đẩy lại một cái bệ có con bốn bánh. Trên bệ có con rùa rùa (không phải lối rùa hộp đâu) cổ thật dài và biết lắc lư. Trên lưng rùa có một chú khách dạng háng cưỡi. Trước cái đầu rùa có một con trai. Trong con trai có một mỹ nhân An nam nằm. Hễ xe lăn đi là con rùa quay tít, thò đầu ra phía trước. Con trai mở rộng, để lộ mỹ nhân ra. Trai mở, rùa lại múa và thò đầu…Rùa thò đầu… trai lại mở rộng.

Khách thấy thú vị hỏi:

- Tích gì đấy ông?

- Sự tích Trọng Thủy với Mỵ Châu thời Hùng Vương.

Qua những trang báo có tuổi đời gần thế kỷ, ta có thể phần nào hình dung quang cảnh đón tết Trung thu của người Hà Nội xưa.

Giờ đây ai cũng biết phố Hàng Mã được coi là “phố Trung thu”. Cứ mỗi độ rằm tháng Tám, người Hà Nội nô nức lên Hàng Mã mua cho gia đình mình cái đèn lồng để trông trăng phá cỗ. Nhưng ít ai biết rằng khi xưa phố bán các loại đèn Trung thu lại là phố Hàng Gai.

Chuyện Hà Nội cũ: Trung thu chơi đèn kéo quân
Phố Hàng Mã xưa.
Phố Hàng Mã xưa.

Tại đây, hàng năm cứ đến ngày rằm tháng Tám, phố Hàng Gai như được hóa trang kỳ diệu. Các mặt hàng thường nhật của phố “mực tàu giấy bản” phải dẹp hết nhường chỗ cho đèn Trung thu. Voi giấy, ngựa giấy đều được những người thợ khéo tay làm thủ công rất sinh động.

Đèn được bày bán suốt dọc phố Hàng Gai với nhiều loại: đèn quả dưa, đèn xếp, đèn trái trám, đèn con thỏ, đèn kéo quân, đèn thiềm thừ, đèn ông sao. Có điều đáng chú ý là đèn ông sao thời xưa là loại đèn 6 cánh. Còn đèn ông sao 5 cánh như bây giờ có lẽ xuất hiện từ sau năm 1945 mà thôi.

Người Hà Nội đã chọn xong cho mình chiếc đèn lồng ưng ý ở phố Hàng Gai rồi mới yên tâm xuống phố Hàng Thiếc tìm mua cho “thằng cu” món đồ chơi làm từ những miếng sắt tây. Đó là chiếc tàu bay, tàu thủy chạy bằng dầu hỏa, mỗi khi cho xuống nước cũng chạy phành phạch, xả khói mù mịt cứ y như thật.

Phố Hàng Thiếc xưa bán đồ chơi dịp Trung thu.
Phố Hàng Thiếc xưa bán đồ chơi dịp Trung thu.

Từ Hàng Thiếc vòng ra Hàng Mã là trung tâm của những cửa hàng bán giấy màu xanh đỏ. Phố Hàng Mã thời đó tuy không được tấp nập như bây giờ nhưng lại bán một loại mặt hàng rất thu hút trẻ con. Đó là các con giống, tò he đủ màu sắc được làm bằng bột nếp bày bán dọc phố.

Hàng Mã cũng là nơi bán các ông Nghè giấy ngồi ghế chéo, che lọng xanh “cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai”. Đây là thứ đồ không thể thiếu trong các mâm cỗ Trung thu với ý nghĩa cầu mong cho con cháu học hành giỏi giang, thành đạt.

Chừng đó thôi vẫn là chưa đủ. Mâm ngũ quả đêm Trung thu không thể thiếu được bánh nướng, bánh dẻo. Mua ở đâu? Chỉ cần mấy bước chân thôi là sang phố Hàng Buồm. Đây là phố cao lâu của người Tàu và cũng là nơi bán các loại bánh ngọt, bánh Trung thu nổi tiếng của người Hà Nội. Mùi thơm ngậy, béo bùi tỏa ra từ các quầy tủ kính của tiệm Đông Hưng Viên ở 90 phố Hàng Buồm khiến bước chân du khách thoáng tần ngần, lạc nhịp. Tiệm bánh này đắt khách đến độ cứ dịp Trung thu khách hàng mua bánh phải xếp hàng dài ra mãi tận đầu phố Hàng Đường.

Nếu tiếng pháo vẽ khung cảnh tết Nguyên đán thì âm thanh của tiếng trống lại tạo hình tết Trung thu. Người Hà Nội thật may mắn vì có phố Hàng Trống là nơi chuyên bán các loại trống cho tết Trung thu. Thôi thì đủ loại: trống cái, trống lân, trống cơm, trống quân, chũm chọe… đủ cả. Tiếng trống, tiếng thanh la bom bom, chát chát rộn ràng cả thành phố.

Múa sư tử tết Trung thu ở thế kỷ trước.
Múa sư tử tết Trung thu ở thế kỷ trước.

Mâm cỗ Trung thu truyền thống của người Hà Nội gồm những gì?

Nhà văn Vũ Bằng nhớ lại:

“Ngày mười bốn, kê cái án thư ra ngoài hàng hiên bày hai con thỏ mẹ hai bên, giữa để một cái lư trầm rồi đặt ông Lã Vọng câu cá ở giữa, hai bên là hai con chó tết bằng tép quả bưởi bổ ra, mắt làm bằng hai hột nhãn, hai bên hai bát hạt dẻ, giữa là bốn bát chiết yêu gạo nếp trắng bao lấy bốn chữ cùng bằng gạo nếp nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng “Trung thu nguyệt bính”. Ai muốn cỗ to hơn thì treo ở trên một cái đèn kéo quân, dưới đặt rất nhiều ghế và trên mỗi ghế là thứ đồ chơi như đàn lợn làm bằng cát tong, cô tiên đánh đàn, cái đầu sư tử và các thứ bánh trái như bánh dẻo, bánh nướng, bánh đậu xanh, bánh chữ, bánh Tô Châu; nhưng có một nguyên tắc không ai được phép quên: cái bánh dẻo to nhất bày ở giữa trên một án kỷ kê trước án thư và nhớ đặt lên đó một con thạch sùng bằng bột; các con giống khác như kỳ lân, con phượng, trái đào, quả chuối, cành hoa…muốn đặt ở đâu cũng được”.

Mâm cỗ Trung thu được bày xong cũng là lúc người lớn nhẩn nha ngồi ngoài sân nhể ốc hấp lá chanh mà ngắm trăng. Bọn trẻ chưa chạy đến chỗ nọ đã muốn sang chỗ kia. Mồ hôi nhễ nhại, tiếng cười khanh khách. Tiếng trống, tiếng thanh la tùng chat, tùng xoèng của đoàn múa lân, múa sư tử huyên náo suốt con phố Hàng Ngang, Hàng Đào.

Đèn lồng con cua khiến trẻ xưa tò mò thích thú.
Đèn lồng con cua khiến trẻ xưa tò mò thích thú.

Cho đến năm 1945, tết Trung thu ở Hà Nội có những sự thay đổi trong không khí độc lập của nước Việt Nam mới. Đêm Trung thu không chỉ gói trọn trong khung cảnh gia đình nữa mà đã được tổ chức dưới hình thức hoạt động tập thể. Ngoài các trò chơi truyền thống thì trẻ con còn chơi tập trận, diễu binh, tập nghi thức ở nơi công cộng. Và Trung thu năm ấy xuất hiện một loại đồ chơi mới dành cho trẻ con: những khẩu súng được làm bằng gỗ.

Giờ đây mỗi độ Thu về các phố Hàng Mã, Lương Văn Can lại ngập tràn trong sắc màu lung linh của đêm hội trăng rằm. Những chiếc đèn lồng xanh đỏ bằng giấy bóng kính chạy pin nhấp nháy, những khẩu súng bắn tia lửa, rô bốt biến hình, mặt nạ kinh dị… khiến người Hà Nội cũ muốn tìm về giá trị truyền thống như bị bước hụt.

Ông Tiến sĩ giấy, chú phỗng, chiếc mặt nạ giấy bồi và cả những chiếc tàu thủy làm bằng sắt tây giờ trôi dạt nơi nào?

Ai mà biết!

Tạ Thu Phong

Bánh Trung thu với muôn kiểu nhân 'độc lạ'

Bánh Trung thu với muôn kiểu nhân 'độc lạ'

Với hình dạng vẫn là chiếc bánh trung thu nhưng bên trong lại là nhân của loại bánh khác chẳng hạng như bánh chuối dừa, bánh Hàn Quốc, bánh bao,...