Ông Trịnh Văn Quyết chủ tịch FLC bị bắt thao túng có hệ thống, phải xử nặng. Ngân hàng cho FLC vay vốn nếu rủi ro, bất động sản thế chấp đủ để thu nợ.
Thao túng có hệ thống, phải xử nặng
Tất cả hành vi thao túng, vi phạm luật pháp mang tính hệ thống đều sẽ có thể bị xử lý nặng. Trong ngắn hạn, tin bắt chủ tịch FLC gây tác động xấu tới trực tiếp nhóm cổ phiếu họ FLC nhưng về dài hạn đây là tin tốt cho thị trường, nhà đầu tư.Hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Quyết được xác định là đã thực hiện từ đầu tháng 12/2021, kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10/1/2022, phiên Chủ tịch FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu. Trở lại thời điểm đầu tháng 12/2021, thị giá cổ phiếu FLC ở khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch trên dưới 20 triệu cổ phiếu/phiên.
Thị giá biến động trong biên độ hẹp suốt nửa đầu tháng 12/2021 và bắt đầu hành trình leo giá từ phiên 16/12. FLC tăng trần lên 17.400 đồng/cổ phiếu, thanh khoản tăng vọt lên 35 triệu cổ phiếu. Cũng từ đó, FLC bắt đầu tăng giá, đến 5/1 đạt 20.000 đồng/cổ phiếu và lên mức 22.550 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/1, trước khi lao dốc trong phiên 10/1, khi ông Quyết bán chui cổ phiếu.
Phiên 10/1 hơn 74 triệu cổ phiếu (tương ứng 19% vốn hoá) của FLC được sang tay chớp nhoáng. Sau đó, giao dịch này bị phát hiện là bán không công bố thông tin. Thậm chí, khi ấy, hệ thống của HoSE còn tái diễn nghẽn lệnh, thị trường đột ngột “quay xe”, và bước vào chuỗi điều chỉnh kéo dài, chịu hiệu ứng domino từ vụ FLC, sau đó là Tân Hoàng Minh.
Năm 2017, UBCKNN từng xử phạt vi phạm hành chính với ông Trịnh Văn Quyết, do bán ra 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo thông tin giao dịch. Ước tính trong thương vụ này ông Quyết có thể đã thu về ít nhất 400 tỷ đồng theo giá thị trường, song số tiền bị phạt chỉ 65 triệu đồng (quá nhỏ và không đủ tính răn đe).
Trong phiên giao dịch ngày 30/3, hơn 210 triệu cổ phiếu nhóm FLC nằm sàn. Vốn hoá cả nhóm FLC “bốc hơi” khoảng 4.035 tỷ đồng kể từ đầu tuần. Trong đó, vốn hoá FLC bốc hơi gần 2.000 tỷ kể từ đầu tuần, giảm từ mức 10.365 xuống 8.377 tỷ đồng. Thị giá FLC giảm hơn 18%, từ 14.600 đồng/cổ phiếu xuống 11.800 đồng/cổ phiếu.
Các mã trong hệ sinh thái FLC, sau 3 phiên lao dốc, thị giá đều về mức “trà đá”. ROS giá 7.590 đồng/cổ phiếu, KLF 5.400 đồng/cổ phiếu, HAI 5.470 đồng/cổ phiếu, 8.800 đồng/cổ phiếu, AMD 5.670 đồng/cổ phiếu. Liên quan tới vụ việc, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp nhận định, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết là thông điệp thể hiện rõ quyết tâm làm trong sạch và minh bạch TTCK. Tất cả hành vi thao túng, vi phạm luật pháp mang tính hệ thống, đều sẽ bị xử lý theo chiều hướng tăng nặng.
Ngoài trấn an tâm lý cho nhà đầu tư cá nhân, việc này sẽ mang lại niềm tin cho giới đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ông Điệp lưu ý, không loại trừ có những ảnh hưởng mang tính "domino" khi một vài chủ thể thị trường phải bán tài sản là các cổ phiếu tốt, để cân đối lại khoản mục cho vay nhóm FLC. Hiện nay, trên thị trường chứng khoán, những người như ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ nhiều cổ phiếu nên việc mua bán của họ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của thị trường. Để tránh trường hợp những người này thao túng chứng khoán thì pháp luật đã có những quy định nhằm quản lý thị trường, tạo ra sự minh bạch, công bằng, bình đẳng. Trường hợp hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngân hàng cho vay không sợ thu nợ FLC?
FLC có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm lần lượt hơn 70% tổng nguồn vốn. Năm 2021, chi phí lãi vay của FLC là 375 tỷ đồng, giảm 33% so với năm trước và tương đương 91% lợi nhuận gộp. Chủ nợ lớn nhất của FLC tại ngày 31/12/2021 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với tổng dư nợ ngắn hạn cũng như dài hạn là hơn 1.840 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đứng thứ 2, đã cho FLC vay khoảng 1.747 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 của Sacombank và BIDV, khoản nợ của FLC chiếm lần lượt 0,48% và 0,12% tổng dư nợ.
Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho FLC vay gần 1.400 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) hơn 634 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) gần 170 tỷ đồng và các ngân hàng khác hơn 273 tỷ đồng… FLC còn có khoản nợ thuê tài chính dài hạn hơn 4,6 tỷ đồng tại Công ty Cho thuê tài chính ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Song song đó, FLC còn lượng trái phiếu phát hành cho OCB và NCB với trị giá hơn 868 tỷ đồng…
Sau khi ông Quyết bị bắt. Đại diện Sacombank cho biết, theo nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, trường hợp có phát sinh rủi ro, ngân hàng sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết, tổng số tài sản thế chấp bằng cổ phần BAV (Bamboo Airways) mà OCB nhận về đảm bảo cho khoản vay chỉ khoảng 100 tỷ đồng - chủ yếu bổ sung thêm tài sản đảm bảo cho khoản vay vốn lưu động và làm tăng trách nhiệm ràng buộc của doanh nghiệp. Quan điểm của ngân hàng luôn là: Bất động sản luôn là tài sản đảm bảo chính, cổ phần chỉ là tài sản bổ sung. Nếu có rủi ro xảy ra, chỉ riêng xử lý tài sản đảm bảo là ngân hàng đã đảm bảo khả năng thu hồi nợ. Mặc dù lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp bị bắt là tin xấu, song hoạt động của FLC hiện đang khá ổn, giai đoạn khó khăn nhất đã qua.
Giám sát Bamboo Airways
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) bị khởi tố, bắt tạm giam, chiều 30/3, Cục Hàng không đã họp khẩn với lãnh đạo của hãng hàng không này để đánh giá rủi ro, giám sát chặt chẽ để đảm bảo hoạt động khai thác bay an toàn tuyệt đối. Theo lãnh đạo Cục Hàng không, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam, lãnh đạo Bộ GTVT và Cục Hàng không đều quan tâm đến hoạt động của Bamboo Airways, đặc biệt về an ninh, an toàn hàng không, quyền lợi của khách hàng.
Lãnh đạo Bamboo Airways cho biết, từ tối 29/3, lãnh đạo hãng đã đánh giá rủi ro và ảnh hưởng hoạt động của hãng sau khi thay đổi đột ngột vị trí lãnh đạo. Sau khi có thông tin chủ tịch HĐQT của hãng bị tạm giam, Tổng giám đốc Bamboo Airways Đặng Tất Thắng đang công tác ở nước ngoài đã về nước.
Ông Quyết đã uỷ quyền toàn bộ vai trò chủ tịch HĐQT hãng hàng không cũng như quyền sở hữu cổ phần cho bà Vũ Đặng Hải Yến. Toàn bộ đội ngũ liên quan, các đơn vị vẫn giữ nguyên, không có biến động nhân sự. Cũng theo đại diện Bamboo Airways, các tổ chức tín dụng đã ký hợp đồng với hãng đều cam kết duy trì và tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký, dòng tiền vẫn đảm bảo cho hoạt động. Bamboo Airways cũng cam kết thực hiện mọi nghĩa vụ với khách hàng.
Cục Hàng không đánh giá, kể cả khi không tính khoản vốn góp của ông Quyết, khoản tiền còn lại vẫn đủ đáp ứng yêu cầu duy trì hoạt động theo quy định. Hiện Bamboo Airways đang khai thác 29 máy bay. Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, sau cuộc họp này sẽ báo cáo tổng thể hoạt động của Bamboo Airways lên Bộ GTVT. Trước mắt, Cục Hàng không không sẽ giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của Bamboo Airways trong 3-6 tháng tới, tập trung vào vấn đề bảo dưỡng, khai thác máy bay; huấn luyện đào tạo, duy trì năng định cho đội ngũ phi công, tiếp viên, nguồn nhân lực; nguồn tài chính.
Tổng Hợp