Những năm vừa qua, các bộ phim đề tài trả thù kịch tính của Hàn Quốc liên tục gặt hái được tiếng vang. Nếu như đầu năm ngoái, The Glory gây sốt khắp MXH thì vào ngày cuối năm 2023, một bộ phim báo thù khác cũng nhận được cơn mưa lời khen là Cô Đi Mà Lấy Chồng Tôi.
Cùng khai thác về màn trả thù của những cô gái từng trải qua bất hạnh trong quá khứ, The Glory và Cô Đi Mà Lấy Chồng Tôi đều được đánh giá cao khi đưa ra góc nhìn thực tế về cuộc sống. Đáng chú ý, từ 2 bộ phim này, chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm đắt giá về tiền bạc từ hành trình hướng đến cuộc sống tốt hơn của cả Dong Eun (nữ chính The Glory) và Ji Won (nữ chính Cô Đi Mà Lấy Chồng Tôi).
Ji Won (trái) và Dong Eun (phải) |
1. Không được dựa dẫm vào tài chính của người khác
Ở phần mở đầu của Cô Đi Mà Lấy Chồng Tôi, bi kịch của Ji Won đến khi cô trao nhầm cuộc đời cho chồng cũ Min Hwan. Anh ta cưới Ji Won chỉ đơn giản là vì cô giống một người vợ mẫu mực. Cô chăm chỉ, giỏi chăm sóc gia đình, không kêu ca phàn nàn và hơn hết là “không biết tiêu tiền".
Ngay từ năm đầu tiên sau khi kết hôn, Min Hwan nghỉ công việc văn phòng ổn định mà không thông báo trước với vợ để theo đuổi đam mê chơi chứng khoán. Những năm sau, toàn bộ gánh nặng tài chính của gia đình đổ dồn hết lên vai Ji Won. Cô không chỉ làm việc cật lực để cung phụng chồng mà còn là mẹ chồng. Cho đến khi đối diện với án tử khi mắc bệnh ung thư, bị chồng và mẹ chồng bỏ mặc, Ji Won còn không thể trả viện phí. Bởi tất cả tiền tiết kiệm của cô đều dành để cung phụng hết gia đình nhà chồng.
Cô Đi Mà Lấy Chồng Tôi không chỉ cảnh báo về sự nguy hiểm của lấy nhầm chồng, có thể dẫn bạn đến cuộc hôn nhân bi kịch. Mà chúng còn cho thấy góc khuất trần trụi của việc đưa hết tiền của cho người khác, rồi hy vọng một ngày họ dang tay giúp đỡ bạn lúc khó khăn. Trong cuộc sống, dù có tin tưởng người khác đến đâu thì cần xác định tâm lý người có thể giúp đỡ bạn chỉ có chính mình. Có sẵn một khoản dự phòng đủ lớn, có công việc ổn định chính là cách tuyệt vời để bảo vệ mình trước những rủi ro khó lường. Có như thế, bạn sẽ không biến thành Ji Won tiếp theo.
Ji Won là ví dụ điển hình cho cuộc sống bi kịch nếu đưa hết tiền tiết kiệm cho kẻ khác |
2. Hãy học cách tiết kiệm, dù thu nhập cao hay thấp
Bộ phim The Glory xoay quanh Dong Eun - một người phụ nữ đã lập kế hoạch suốt 18 năm, trở thành giáo viên và từng bước tiếp cận cuộc sống của những kẻ từng bắt nạt mình trước đây.
Trong suốt 18 năm dài đằng đẵng đó, Dong Eun đã làm thế nào để sống? Con đường học hành sớm bị dập tắt vì bạo lực học đường, cô từng chỉ có thể làm những công việc có mức lương bình thường như công nhân trong nhà máy, gia sư. Sau này có thể khá giả hơn một chút nhờ làm giáo viên, thế nhưng cô lại sớm bị đuổi việc.
Dù làm nhiều công việc tạm bợ và mức thu nhập không cao, song cuối cùng Dong Eun vẫn có thể để dành một khoản tiền lớn để phục vụ mục đích báo thù. Trong thời gian đó, Dong Eun đã tránh nhiều chi tiêu lãng phí không thật sự cần thiết, ăn cơm ở cửa hàng tiện lợi là chuyện cơm bữa.
Câu chuyện của Dong Eun nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của sự tích lũy tiền bạc theo năm tháng. Nhiều người thường mặc định chỉ khi có lương cao, công việc thăng tiến tốt mới cần học cách tiết kiệm. Thế nhưng điều này sẽ khiến bạn lãng quên sức mạnh của tiền lẻ, càng tiêu nhiều vào những thứ vô bổ thì nguy cơ không đạt được mục tiêu tài chính trong tương lại càng cao.
Dong Eun từng làm công nhân trong suốt nhiều năm nhưng vẫn có khoản để dành lớn |
3. Nền tảng của hạnh phúc là tài chính ổn định
“Tiền không phải là tất cả. Nhưng nhiều tiền thì khác” - đó là thực tế phũ phàng nhưng đúng với trường hợp của Dong Eun và Ji Won.
Dong Eun chắc chắn không thể báo thù hội bạn giới thượng lưu thành công nếu không có sẵn một khoản tiết kiệm đủ lớn. Trên mạng xã hội, từng có một YouTuber phân tích tổng chi phí mà cô nghĩ Dong Eun sẽ cần trong suốt 2 phần phim The Glory để phục vụ mục tiêu trả thù lên đến 70 triệu won (gần 1,3 tỷ đồng). Để từng bước tiếp cận với những kẻ bắt nạt năm cũ, Dong Eun không những cần trả tiền sinh sống trong khu nhà giàu mà còn trả lương cho người làm việc bên cạnh chúng, chưa tính nhiều chi phí phát sinh khác.
“Để trả thù người siêu giàu, ít nhất bạn cũng phải là người giàu" - là bình luận của cư dân mạng sau khi xem màn tổng kết số tiền mà Dong Eun cần bỏ ra để đạt được mục tiêu.
Để trả thù người siêu giàu, bạn ít nhất cũng phải có khoản tiền đủ lớn |
Còn về phía Ji Won, sau khi được trao cơ hội tái sinh cô nàng ngay lập tức nói lời tạm biệt với chồng cũ để không bị bào mòn từng đồng tiền kiếm được. Không những thế, tận dụng ký ức có sẵn vì biết trước tương lai, cô còn đầu tư chứng khoán, nỗ lực để bản thân giàu có, thành công và tránh xa cuộc hôn nhân địa ngục. Khác với nhiều dòng phim báo thù khác, việc đầu tiên Ji Won làm sau khi “chuyển kiếp" không phải là điên cuồng báo thù mà là từng bước hoàn thiện và chăm sóc bản thân.
Đối với Dong Eun, tiền bạc là công cụ để cô thực hiện kế hoạch trả thù, tìm lại công lý. Cũng dùng tiền để báo thù như Dong Eun, song nữ chính Cô Đi Mà Lấy Chồng Tôi còn dùng chúng để hướng một tương lai tươi sáng hơn, đó là tự chủ tài chính, giàu có và dập tắt mầm bệnh ung thư khi chủ động đi khám bệnh sớm.
Từ câu chuyện của Dong Eun và Ji Won, tiền không giúp chúng ta mua được ngay hạnh phúc. Song chúng sẽ là nền tảng cơ bản cơ bản để làm chủ cuộc sống, tự do lựa chọn cuộc đời mà mình mong muốn.
Chờ đến 30 tuổi mới bỏ 5 sai lầm tiền nong này là quá muộn, chẳng biết “trắng tay” lúc nào
Các thói quen sai lầm về tiền bạc này có thể khiến ví của bạn ngày càng rỗng, thậm chí mang nợ.