Nếu bạn vẫn đang vật vã với câu hỏi "ô tiền đi đâu hết rồi ấy nhỉ" vào những ngày cuối tháng, hãy thử tham khảo mẹo cắt giảm chi tiêu của Ánh Bùi - Một tư vấn viên tài chính cá nhân, chủ kênh TikTok @banh.finance.
Chia sẻ trong video của mình, Ánh Bùi cho biết cô đã cắt giảm khoảng 6-7 triệu tiền chi tiêu hàng tháng.
Cắt giảm chi tiêu không khó như bạn nghĩ!
1 - Cắt giảm 2 triệu/tháng tiền mua quần áo
Thay vì dùng tiền để mua quần áo mới, Ánh Bùi "tăng xin giảm mua" sản phẩm này. Cô liên hệ với chị gái, bạn bè để xin những bộ quần áo còn có thể mặc nhưng họ không mặc tới, hoặc những món đồ đã bị chật.
Ánh Bùi |
Trong một video khác, cô cũng cho biết trước đây, bản thân từng thử tìm mua quần áo second-hand vì giá thành rẻ, tuy nhiên hiệu quả tiết kiệm lại không được "mỹ mãn" vì không phải món đồ si nào cũng có thể mặc được, hoặc là nó quá cũ, hoặc là nó rất nhanh bai nhão.
2 - Cắt giảm 1 triệu/tháng tiền mua đồ skincare
Trước đây, giống nhiều cô gái khác, skincare routine của Ánh Bùi cũng gồm 7749 bước, nói chung là nhiều không kể siết. Việc này không chỉ tốn thời gian mà còn tốn tiền, vì số lượng các bước dưỡng da tương đương với số sản phẩm làm đẹp mà chúng ta phải đầu tư rước về nhà.
Nhận ra điều đó, Ánh Bùi đã cắt giảm quy trình dưỡng da của mình xuống chỉ còn 2 bước: Làm sạch và dưỡng ẩm. Ngoài ra, cô không đầu tư tiền bạc và thời gian cho những sản phẩm khác, từ đó tiết kiệm được thêm 1 triệu/tháng.
3 - Cắt giảm 3 triệu/tháng tiền đi ăn hàng
Nay cà phê với bạn thân, mai đi ăn cùng đồng nghiệp, số tiền mỗi bữa tưởng là "nhỏ lẻ" chẳng đáng là bao, nhưng cộng dồn lại mà xem, bạn sẽ thấy nó không hề "nhỏ" chút nào nữa. Nhiều người thường nghĩ rằng hạn chế ăn hàng đồng nghĩa với việc phải cắt giảm cả thời gian chất lượng cho những mối quan hệ thân thiết. Nghĩ vậy là nhầm to nha!
Ánh Bùi |
Ánh Bùi cho biết hiện tại, cô duy trì thói quen ăn ở nhà. Sau đó, có thể đi trà chanh, trà đá cùng bạn bè để tăng tính gắn kết. Như vậy vừa tiết kiệm tiền, vừa đảm bảo không lơ là các mối quan hệ quan trọng.
Sau khi chia sẻ 3 cách cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm thêm được khoảng 6 triệu/tháng, Ánh Bùi thừa nhận ban đầu, cô cũng nghĩ việc "thắt chặt hầu bao" này sẽ khiến mình khó chịu, không thoải mái. Tuy nhiên chỉ sau vài tháng, Ánh Bùi đã quen và cảm thấy việc này hoàn toàn không ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của cô.
Hiện tại, Ánh Bùi đã áp dụng 3 cách cắt giảm chi tiêu này được hơn 1 năm. Cô khẳng định đây chính là một trong những yếu tố giúp sức khỏe tài chính của cô ổn định và khả quan hơn.
Nên làm gì với số tiền tiết kiệm được thêm hàng tháng từ việc cắt giảm chi tiêu?
Cắt giảm chi tiêu chỉ là thành công bước 1 trên hành trình ổn định tình hình tài chính cá nhân. Nếu sau đó, bạn không biết cách giữ tiền hoặc đầu tư, số tiền này rất có thể sẽ lại vỗ cánh bay đi vì một phút cao hứng, mạnh tay chi tiền. Để không "đốt hết số củi kiếm trong 3 năm chỉ sau 1 giờ", hãy thử áp dụng 2 gợi ý này sau khi đã thành công cắt giảm chi tiêu.
1 - Trích 50% tổng số tiền dư ra từ việc giảm chi, để dành mua vàng
Tốt nhất là bạn nên chuyển số tiền này vào một tài khoản khác, không phải là tài khoản chi tiêu thường ngày; hoặc có thể rút ra thành tiền mặt và cất ở nhà. Tiền không thấy, sẽ không tiêu. Cứ tích dần, bao giờ đủ để mua 1 chỉ vàng thì đi mua. Với những người không có "máu liều", vàng là kênh đầu tư an toàn, ít rủi ro và bền vững nhất.
2 - Chuyển 50% tổng số tiền dư ra từ việc giảm chi vào quỹ khẩn cấp
Quỹ khẩn cấp là khoản tiền dùng để trang trải khi bạn không may gặp tai nạn, ốm đau hoặc thất nghiệp. Khoản tiền nên có trong quỹ khẩn cấp là 3-6 tháng tiền sinh hoạt phí. Nếu không tự tin với việc "có tiền mà không tiêu", bạn có thể cân nhắc chuyển số tiền trong quỹ khẩn cấp cho người thân như anh chị hoặc bố mẹ, phòng khi bất trắc, họ sẽ dùng số tiền đó để lo cho bạn.
Tiết kiệm kiểu Konmari: Dọn dẹp cách bạn chi tiêu để cuộc sống thoải mái, ngân sách gọn gàng
Không đơn thuần là một phương pháp tiết kiệm, 4 quy tắc Konmari còn giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống.