Cổ phiếu cần quan tâm 18/11: PNJ, VIB, BMP, MWG và TCM

PNJ, VIB, BMP, MWG và TCM là những mã cổ phiếu cần quan tâm trong phiên giao dịch 18/11 được các công ty chứng khoán khuyến nghị.

Khuyến nghị PNJ: Giá mục tiêu 128.200 đồng/CP

Công ty chứng khoán VNDirect (VND): KQKD CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE - Mã: PNJ) cho thấy, doanh thu (DT) Q3/21 giảm 77,6% svck xuống còn 877 tỷ đồng do 80% cửa hàng phải đóng cửa khoảng 10 tuần đến giữa T9/21 vì trạng thái giãn cách xã hội.

Do đó, PNJ ghi nhận khoản lỗ ròng 160 tỷ đồng so với mức lãi ròng 202 tỷ đồng trong Q3/20. Trong 9T21, PNJ công bố DT và lợi nhuận ròng (LNR) đạt 12.514 tỷ đồng (+7,3% svck)/576 tỷ đồng (-10,3% svck), chỉ hoàn thành 39% dự phóng năm 2021.

PNJ báo cáo DT sơ bộ T10/21 tăng trưởng ở mức 12-15% svck, củng cố đà phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn giãn cách xã hội nhờ các chiến lược thúc đẩy bán lẻ gồm: 1) concept đầy hấp dẫn – Style by PNJ, 2) các chiến dịch quảng cáo hiệu quả và 3) hợp tác với Pandora để trở thành “Chuỗi cửa hàng đa thương hiệu”.

Giá vàng đã tăng gần 8% từ T10/21 và chúng tôi cho rằng mức tăng này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của PNJ do 1) mức tăng hiện tại vẫn chưa mạnh như giai đoạn 2020, 2) động lực tăng trưởng chính của PNJ thuộc về mảng trang sức bán lẻ với tương quan thấp đối với giá vàng, 3) doanh thu bán vàng miếng có biên lợi nhuận gộp rất thấp và 4) PNJ có khả năng quản lý tốt hàng tồn kho để kiểm soát chi phí sản xuất.

VND duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 128.200 đồng/CP.

VND giảm dự phóng DT bán lẻ trang sức trên mỗi cửa hàng xuống 4,2%/6,8% trong năm 2022/23 để do tác động bởi doanh thu bán trang sức thấp hơn dự kiến trong năm 2021.

Tuy nhiên, VND tăng số lượng cửa hàng vàng PNJ mới năm 2022/23 từ 15/20 cửa hàng lên 35/20 cửa hàng phản ánh chiến lược mở rộng của PNJ.

Như vậy, DT của kênh bán lẻ trong năm 2021/22 thay đổi -0,7%/7,0% so với báo cáo trước. VND thay đổi dự phóng DT năm 2021/22 lần lượt là -3,5%/3,4% và LNR là -5,6%/1,7% so với dự báo trước. VND kỳ vọng LNR của PNJ tăng 60,7% svck/22,6% svck trong 2022/23.

Theo đó, VND tăng giá mục tiêu 7,6% lên mức 128.200 đồng/cổ phiếu sau khi chuyển định giá sang năm 2022, thay đổi dự phóng LNR -5,6% trong 2022 và 0,5%-4,6% trong 2023-31 so với dự báo trước.

Các tiềm năng tăng giá gồm 1) mở cửa hàng nhanh hơn dự kiến, 2) phục hồi tốt hơn mong đợi sau đại dịch và 3) các dự án mới thúc đẩy DT. Rủi ro giảm giá từ các đợt giãn cách xã hội diện rộng dẫn đến việc đóng cửa hàng hàng loạt.

Khuyến nghị VIB: Giá mục tiêu thấp hơn 46.400 đồng/CP

Công ty chứng khoán VNDirect (VND): Theo kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE - Mã: VIB) cho biết, thu nhập lãi thuần (NII) Q3/21 tăng 20% svck nhờ tăng trưởng tín dụng 25,6% svck và NIM giảm 46 điểm cơ bản svck.

Thu nhập ngoài lãi (Non-II) giảm 49,6% svck đến từ việc thu nhập từ hoạt động dịch vụ giảm 32,7% svck, trong đó thu nhập từ bảo hiểm giảm 45,8% svck.

Trong khi tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh (TOI) Q3/21 tăng nhẹ 1,6% svck, chi phí hoạt động ghi nhận tăng 27% (CIR đạt 46,4% so với mức 37,1% Q3/20 và 35,4% Q2/21). Chi phí dự phòng Q3/21 tăng 12% svck, dẫn đến LN ròng Q3/21 của VIB giảm 17% svck đạt 1.108 tỷ đồng.

NII 9T21 tăng mạnh 41,8% svck đạt 8,4 nghìn tỷ, trong khi Non-II chỉ tăng 3,2% svck do ảnh hưởng từ mảng bảo hiểm. Thu nhập từ bảo hiểm giảm 10,1% svck chủ yếu do dịch bệnh đã hạn chế các hoạt động gặp gỡ và đi lại.

Tăng trưởng tín dụng đạt 10,8% tính đến cuối Q3/21 (Q2/21 là 8,1%), thấp hơn mức 14,2% trong 9T20. Ngoài ra, NIM ghi nhận cải thiện 32 điểm cơ bản lên mức 4,4%.

Chất lượng tài sản có những chuyển biến không mấy tích cực khi tỷ lệ NPL tăng lên 1,57% cuối Q3/21 (1,46% cuối năm 2020), dẫn đến LLR giảm còn 54,1% (Q2/21 là 63,8% và cuối năm 2020 là 58,2%). CAR tăng lên 10,6% từ mức 10,1% cuối năm 2020; LDR đạt 73,1% so với 78,1% cuối năm 2020.

VND giảm dự phóng LN cho năm 2021 còn 6.189 tỷ đồng (thấp hơn 5% so với dự phóng cũ) do giảm thu nhập từ bảo hiểm. Ngoài ra, VND nâng dự báo tăng trưởng cho vay của năm 2022-23 lên 26%/23% so với mức 25%/22% trước đó, phản ánh nhu cầu cho vay lớn trong giai đoạn 2 năm tới.

Tuy vậy, VND giảm dự phóng NIM xuống mức 4,24%/4,21% từ mức 4,45%/4,54% do lãi suất cho vay kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Kết quả, dự báo LN ròng năm 2022-23 giảm lần lượt 7,2%/7,3% so với dự báo cũ của VND.

Theo đó, VND giảm giá mục tiêu xuống 46.400 đồng/cp sau khi điều chỉnh dự phóng 2021-2023 và sử dụng phương pháp P/BV cho năm 2022.

Giá mục tiêu dựa trên sự kết hợp với tỷ trọng bằng nhau của phương pháp thu nhập thặng dư (chi phí vốn: 14,3%; tăng trưởng dài hạn: 3%) và hệ số P/B dự phóng năm 2022 ở mức 2,5x. Tiềm năng tăng giá đến từ tăng trưởng tín dụng cao hơn kỳ vọng và CIR thấp hơn. Rủi ro giảm giá đến từ việc nợ xấu tăng cao hơn dự kiến.

Khuyến nghị BMP: Tích cực

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC): Chúng tôi nâng giá mục tiêu theo Phương pháp Chiết khấu dòng tiền cho BMP của CTCP Nhựa Bình Minh lên 68.699 đồng/CP (Upside: 18,2%; bao gồm suất tức cổ tức 3,7%), do: (1) chuyển mô hình định giá đến cuối năm 2022; và (2) nâng dự báo kết quả kinh doanh để phản ánh việc tăng giá bán gần đây của Công ty và nâng khuyến nghị lên OUTPERFORM.

BMP duy trì là cổ phiếu ưa thích của chúng tôi cho nhiều chủ đề đầu tư, như: (1) phục hồi hậu giãn cách; (2) tăng tốc đầu tư công; (3) hợp nhất ngành, giảm áp lực cạnh tranh; và (4) Rổ phòng thủ, được trang bị nền tảng tài chính mạnh mẽ, chính sách cổ tức tiền mặt cao và Ban lãnh đạo tâm huyết.

Khuyến nghị MWG: Giá mục tiêu 168.800 đồng/CP

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): Doanh thu lũy kế 9 tháng năm 2021 của CTCP Đầu Tư Thế giới Di động (MWG) đạt mức 86.820 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 69% kế hoạch doanh thu cả năm. Lợi nhuận sau thuế tăng 12%, đạt 3.338 tỷ đồng và hoàn thành 70% kế hoạch cả năm.

Luỹ kế 9 tháng năm 2021, hai chuỗi thế giới di động/điện máy xanh đóng góp 63.900 tỷ đồng vào tổng doanh thu, giảm 3%. Doanh thu từ hai chuỗi đã phục hồi được 80% so với thời điểm trước dịch.

Sơ bộ tháng 10, hai chuỗi đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng doanh thu (tăng 50% và 60% so với tháng 9/2021). Ngoài ra, chuỗi mới Topzone cũng đem về 40 tỷ đồng doanh thu nhờ chương trình chào bán sản phẩm Iphone 13 series.

Luỹ kế 9 tháng năm 2021, chuỗi bách hóa xanh tăng trưởng doanh thu 50%, đạt 22.600 tỷ đồng. Tiếp tục duy trì tỉ suất EBITDA dương trong tháng 9/2021 và gia tăng biên EBITDA luỹ kế trên cấp độ toàn công ty, ngoài ra biên gộp cũng được cải thiện đáng kể. BLĐ đặt mục tiêu biên lợi nhuận gộp là 27% cho cả năm 2021 (so với mức 24% trong năm 2020).

Năm 2021, chúng tôi dự phóng doanh thu thuần của MWG đạt 115.465 tỷ đồng (tăng 6,3% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 4.451 tỷ đồng (tăng 13,5%).

Năm 2022, mức doanh thu thuần đạt 138.928 tỷ đồng (tăng 20% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế ở mức 6.062 tỷ đồng (tăng 36%).

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG, giá mục tiêu 168.800 đồng/CP, cao hơn 22% so với giá đóng cửa ngày 16/11/2021 là 137.900 đồng/CP.

Khuyến nghị TCM: Chốt lãi khi tiếp cận ngưỡng 95.000 đồng/CP

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC): Cổ phiếu TCM (CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công – sàn HOSE) đang hình thành xu hướng hồi phục từ ngưỡng hỗ trợ 77.2. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20 và MA50, cho thấy tí hiệu vạn động tích cực.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 80.4, chốt lãi tại ngưỡng 95.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 77.2.

Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Lưu ý!

CHẤN HƯNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương