Khuyến nghị POW: Chốt lãi tại ngưỡng 16.000 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC): Cổ phiếu POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP đang hình thành xu hướng tăng giá mạnh sau từ vùng đáy 13.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20 và MA50, cho thấy tín hiệu vận động tích cực.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 14.85, chốt lãi tại ngưỡng 16.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 13.75.
Khuyến nghị PPH: Mua với giá mục tiêu 51.500 đồng/CP
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Tổng CTCP Phong Phú (UpCoM – Mã: PPH) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 349,9 tỷ đồng và 15,4 tỷ đồng, giảm 28,6% và 81,0% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng bởi hoạt động giãn cách xã hội tại các tỉnh phía Nam khiến cho hoạt động sản xuất gặp khó khăn trong khi chi phí hoạt động tăng mạnh do phải duy trì sản xuất 3 tại chỗ. Điểm tích cực là biên lợi nhuận gộp của công ty duy trì ở mức cao, đạt 16% do giá sợi tăng cao từ đầu năm 2021.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của PPH đạt 1.172 tỷ đồng (-25,3% YoY) trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 299,3 tỷ đồng (+18,6% YoY). Theo kế hoạch kinh doanh năm 2021, PPH đã hoàn thành 53% kế hoạch về doanh thu và 100,4% kế hoạch về lợi nhuận sau thuế.
Ngành sợi trong nước hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá. Cụ thể, vào ngày 13/10/2021, Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT) đã ban hành quyết định 2302/QĐ-BCT, áp thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với Trung Quốc và các nhà sản xuất sợi nước ngoài khác và có hiệu lực ngay lập tức.
Theo quyết định này, hầu hết các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế chống bán phá giá 17,45%. Trong khi các nhà sản xuất sợi của Ấn Độ, Indonesia và Malaysia sẽ lần lượt chịu mức 54,9%, 21,9%, và 21,3%.
PPH sở hữu 35% Công ty TNHH Coats Phong Phú, là doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp sợi tại Việt Nam với quy mô lợi nhuận hàng năm khoảng 1.000 tỷ đồng. Tương ứng, mỗi năm PPH ghi nhận khoảng 300-400 tỷ đồng lợi nhuận từ Coats Phong Phú.
KBSV cho rằng hoạt động của PPH và Coats Phong Phú sẽ hồi phục từ Q4/2021 và tăng trưởng mạnh vào năm 2022 nhờ các yếu tố tích cực từ giá sợi, chính sách thuế và nhu cầu về sản phẩm sợi tăng cao.
Tính đến cuối Q3/2021, hệ số nợ vay/tổng tài sản của PPH ở mức 37%, giảm mạnh so với mức đỉnh 61% tại thời điểm Q2/2018. Bên cạnh đó, với dòng tiền kinh doanh duy trì ổn định, PPH hàng năm đều trả cổ tức tiền mặt với mức lợi tức khoảng 5%/năm.
Rủi ro tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh; Rủi ro đối tác phá sản.
KBSV khuyến nghị MUA, giá mục tiêu 51.500 VNĐ/cp đối với Tổng CTCP Phong Phú, doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sợi, dệt may nhờ: (1) hưởng lợi từ chính sách áp thuế chống bán phá giá gần đây của Bộ Công Thương; (2) hoạt động sản xuất và nhu cầu hồi phục trở lại sau ảnh hưởng của dịch bệnh; và (3) tình hình tài chính lành mạnh.
Khuyến nghị VND: Vẫn duy trì ở mức giảm
CTCK Yuanta Việt Nam (FSC): Mức Stock Rating của VND ở mức 97 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của VND đóng cửa phiên 06/12 tăng 1,2% và đồ thị giá vẫn giao dịch dưới đường trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên đồ thị giá có thể sẽ biến động trong biên độ hẹp ở những phiên giao dịch tới. Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn của VND vẫn duy trì ở mức GIẢM.
Theo đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên QUAN SÁT đối với cổ phiếu VND.
Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Lưu ý!