Cổ phiếu họ FLC dư bán hàng trăm triệu đơn vị sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt

Cổ phiếu họ FLC tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường chứng khoán ngày 30/3 khi chất sàn hàng trăm triệu đơn vị sau thông tin lãnh đạo Tập đoàn FLC bị bắt.

Theo đó, AMD, HAR, FLC, HAI, KLF, ROS thuộc hệ sinh thái Tập đoàn FLC đồng loạt giảm hết biên độ. Đáng chú ý, AMD còn dư bán sàn tới hơn 10 triệu đơn vị, FLC dư bán sàn hơn 96,5 triệu đơn vị, ROS dư bán sàn 89,4 triệu đơn vị.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, ngoài các mã thuộc họ FLC, các mã như: BII, HQC, LDG cũng giảm sàn. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu họ Vingroup như VRE và VHM ở chiều giảm giá, cùng đó VIC thu hẹp đà tăng đã ảnh hưởng xấu đến chỉ số VN-Index.

screen-shot-2022-03-30-at-17.04.34.png
Cổ phiếu FLC có phiên thứ 3 liên tiếp giảm kịch sàn sau thông tin liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết. Nguồn: Tradingview

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng không còn mã nào tăng giá; trong đó, PVB, PVC, PVD giảm hơn 3%, PVS giảm 4%, PLX giảm 2,5%. Cùng với nhóm dầu khí, nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất cũng có nhiều mã giảm sàn như: BFC, DCM , DPM, VAF...

Ở chiều tích cực, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng có mức tăng mạnh. Cụ thể, VIB tăng 4,7%, SSB tăng 4,2%, HDB đều tăng 2,7%, MBB tăng 2%...

Một số cổ phiếu ngành ngân hàng có ảnh hưởng khá lớn trong những phiên giao dịch gần đây từ thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Trong nhóm ngân hàng và các tổ chức tài chính cấp tín dụng cho FLC, chủ nợ lớn nhất hiện nay là TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với số dư đến cuối năm 2021 lên tới 1.840 tỷ đồng.

Thứ hai là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với tổng dư nợ cho vay 1.747 tỷ đồng. Đứng thứ 3 là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với số dư 1.392 tỷ đồng. Hôm nay, cổ phiếu OCB giảm 1,6% và STB giảm nhẹ 0,2%, trong khi BID tăng 2,7%.

Hiện lãnh đạo các ngân hàng này đã lên tiếng về khoản vay của Tập đoàn FLC. Theo đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), một trong các ngân hàng "chủ nợ" lớn của FLC cho biết, các khoản vay của tập đoàn này tại OCB chủ yếu là vay đầu tư vào dự án, ngoài ra có một phần cho vay ngắn hạn vốn lưu động với Bamboo Airways, nhưng không nhiều.

Về khoản vay được thế chấp bằng cổ phiếu BAV của Bamboo Airways, hiện tổng giá trị tài sản đảm bảo bằng bất động sản mà OCB nắm giữ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với khoản vay của FLC tại ngân hàng (thông thường ngân hàng chỉ cho vay 70 - 80% tổng giá trị tài sản đảm bảo).

"Chính vì vậy, nếu có rủi ro xảy ra, chỉ riêng xử lý tài sản đảm bảo là ngân hàng đã đảm bảo khả năng thu hồi nợ", ông Tùng khẳng định.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng ra thông cáo báo chí khẳng định các khoản vay của FLC Group đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn.

screen-shot-2022-03-30-at-17.01.06.png
Chỉ số Vn-Index phiên 30/3. Nguồn: Tradingview

Trở lại diễn biến thị trường, chốt phiên giao dịch ngày 30/3, VN-Index giảm 7,25 điểm xuống 1.490,51 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 901,4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 28.682,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 133 mã tăng giá, 320 mã giảm giá và 44 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 10,05 điểm xuống 451,19 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 147,5 triệu đơn vị, tương ứng trên 4.641,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 69 mã tăng giá, 184 mã giảm giá và 34 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,49 điểm xuống 116,88 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 91,4 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.923 tỷ đồng. Toàn sàn có 156 mã tăng giá, 201 mã giảm giá và 66 mã đứng giá.

Điểm tích cực là khối ngoại mua ròng trong phiên hôm nay. Cụ thể, khối này mua ròng 123,65 tỷ đồng trên HOSE và hơn 61 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ bán ròng hơn 23 tỷ đồng trên HNX.

Trên thị trường phái sinh, VN30-Index thiếu chút may mắn nên đóng cửa giảm nhẹ 0,34 điểm (-0,02%), xuống 1.500,23 điểm. Trong các hợp đồng tương lai chỉ số này, chỉ duy nhất hợp đồng đáo hạn tháng 9 tăng nhẹ, còn lại đều giảm với mức giảm không đáng kể.

Trong đó, giảm mạnh nhất là hợp đồng đáo hạn tháng 4 với mức giảm 3,6 điểm (-0,24%), xuống 1.489,8 điểm, thanh khoản 164.555 hợp đồng, khối lượng mở 30.478 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm thế áp đảo với mã giảm mạnh nhất là CVIC2110 do MBS phát hành giảm 33,3% xuống 40 đồng, thanh khoản hơn nửa triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, một chứng quyền khác với chứng khoán cơ sở cũng của VIC lại tăng mạnh nhất, đó là CVIC2107 do HSC phát hành tăng 33,3% lên 80 đồng, thanh khoản gần nửa triệu đơn vị.

Về thanh khoản, hôm nay chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đều do HSC phát hành, đó là CHPG2203 với hơn 2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,7% xuống 1.460 đồng và CFPT2109 với 1,17 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 7,4% lên 1.300 đồng.

(Nguồn: TTXVN/ĐTCK)

P.V