Cổ phiếu khuyến nghị phiên 25/3: PHR, BMP, BAF

PHR, BMP, BAF là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên giao dịch 25/3, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị PHR: Khả quan với giá mục tiêu cao hơn 88.000 đồng/CP

CTCK VNDirect (VND): CTCP Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR): Doanh thu 2021 tăng 19,3% so với cùng kỳ (svck) đạt 1.950 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào doanh thu mảng cao su, gỗ (tăng 25,6% svck lên 1.693 tỷ đồng).

Biên LN gộp 2021 tăng 2,7 điểm % svck nhờ mức tăng đột biến 24,4% svck của giá bán cao su. Mặc dù vậy, không có khoản thu nhập một lần nào được ghi nhận trong năm 2021 trong khi năm 2020 PHR đã ghi nhận 860 tỷ đồng tiền đền bù đất, từ đó LN ròng 2021 giảm 55,9% xuống 477 tỷ đồng, hoàn thành 118,5% dự phòng của chúng tôi.

Giá cao su toàn cầu đã tăng 39% kể từ quý 2/2021 theo đà tăng của giá dầu và do thiếu hụt nguồn cung cao su. Chúng tôi kì vọng tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tiếp tục duy trì trong năm 2022 do tác động thời tiết mưa nhiều tại các nước trồng cao su tại Đông Nam Á.

Do đó, chúng tôi dự báo giá bán bình quân cao su của PHR sẽ đạt 43,6 triệu đồng/tấn (+6% svck) trong năm 2022, giúp cho doanh thu mảng cao su tăng 5% svck đạt 1.529 tỷ đồng.

Chúng tôi ước tính PHR sẽ ghi nhận khoản thu nhập một lần 898 tỷ đồng từ đền bù đất cho dự án VSIP III, chiếm tới ~84% lãi trước thuế năm 2022. Mặc dù vậy, LN ròng năm 2023 được dự báo giảm 29% svck do không ghi nhận khoản thu nhập một lần.

PHR mục tiêu tiếp tục chuyển đổi 5.600ha quỹ đất thành KCN. Chúng tôi nhận thấy bốn KCN tiềm năng, với 2.600ha, có thể được đưa vào hoạt động trong ba năm tới. KCN Tân Lập đã hoàn thành xây dựng cơ bản và mục tiêu đưa vào hoạt động năm 2023.

Chúng tôi kì vọng KCN này sẽ đóng góp 450 tỷ đồng, chiếm tới 87,5% doanh thu KCN năm 2023 của PHR. KCN Tân Bình mở rộng vẫn đang trong quá trình chờ phê duyệt vào quy hoạch tổng thể của tỉnh Bình Dương. Chúng tôi kì vọng KCN Tân Bình sẽ được vận hành đầu năm 2024.

Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu cao hơn 88.000đ/cp
Chúng tôi duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu 88.000đ/cp (+23% so với dự phóng trước đó) nhờ vào chuyển định giá sang năm 2022 và 2) chúng tôi hạ tỷ lệ chiết khấu xuống 10% để phản ánh triển vọng tốt hơn ở tất cả các mảng kinh doanh.

Động lực tăng giá bao gồm: 1) giá cao su tăng cao đột phá so với kì vọng, 2) đền bù đất lớn hơn so với kì vọng.

Rủi ro giảm giá bao gồm: 1) giá cao su có thể giảm do nguồn cung phục hồi, 2) nhu cầu từ Trung Quốc tăng chậm.

Tải phân tích chi tiết PHR tại đây

Khuyến nghị BMP: Chốt lãi tại ngưỡng 68.000 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC): Cổ phiếu BMP của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh có một phiên tăng điểm tốt cùng khối lượng tăng đột biến. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI cho thấy xu hướng tích cực. Đường giá cổ phiếu đã nằm trên đường MA20, MA50 và MA100, đường MA20 ở trên MA50 và MA100 tuy nhiên đang có xu hướng đi xuống.

Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 61.0, chốt lãi tại ngưỡng 68.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 58.0.

Tải phân tích chi tiết BMP tại đây

Khuyến nghị BAF: Mức giá hợp lý khoảng 76.000 đồng/CP

CTCK Phú Hưng (PHS): Mặc dù chịu ảnh hưởng đại dịch COVID-19, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF – sàn HOSE) vẫn gặt hái kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2021 với doanh thu thuần đạt 10,435 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh nông sản và hoạt động chăn nuôi.

Sản lượng heo bán ra trong năm 2021 đạt hơn 155 nghìn con, tăng hơn 2,3 lần so với cùng kỳ, đã thúc đẩy doanh thu từ mảng chăn nuôi đạt 763 tỷ đồng (tăng trưởng 79%).

Với chiến lược lấy mảng chăn nuôi làm trọng tâm, biên lợi nhuận gộp cả năm 2021 đạt 4,7%, tăng 3,2 điểm phần trăm so với 2020 (trong đó biên lợi nhuận gộp từ mảng chăn nuôi lên đến 36%). Lợi nhuận sau thuế đạt mức 322 tỷ đồng (tăng 703%).

Chuỗi 3F khép kín “bảo vệ” biên lãi gộp: Biên lãi gộp của mảng chăn nuôi và thực phẩm của BAF luôn dao động từ 35%-39% trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi “leo thang” do chiến tranh giữa Nga và Ukraine nhờ:

(1) BAF có 3 nhà máy sản xuất cám với tổng công suất 460 nghìn tấn/năm (chủ yếu tiêu thụ nội bộ) đồng thời có vị thế là nhà thương mại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) hàng đầu Việt Nam, Công ty tiếp cận được nguồn cung nguyên liệu đầu vào có giá thành hợp lý và ổn định. Chính vì vậy, chi phí cám (TACN) của BAF ước tính thấp hơn 10-15% chi phí thị trường;

(2) Áp dụng mô hình trang trại theo công nghệ 4.0 đảm bảo được năng suất heo giống và giảm thiểu chi phí không cần thiết;

(3) Công ty không bán heo hơi cho thương lái mà trực tiếp giết mổ và bán sản phẩm thịt có thương hiệu tới người tiêu dùng, với giá từ 50 nghìn - 200 nghìn đồng/kg.

Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ thịt heo hơi tăng trong 2022 nhờ sự mở cửa trở lại của các nhà hàng, trường học và nhà máy khi Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn “bình thường mới” sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt.

Năm 2022, chúng tôi ước tính doanh thu đạt 6.019 tỷ đồng (giảm 42% so với năm trước), do BAF giảm tỷ trọng mảng nông sản và chuyển hướng sang vào mảng chăn nuôi.

Chúng tôi ước tính biên lãi gộp của Công ty đạt 10,2%, tăng 5,5 điểm phần trăm so với 2021 nhờ chuyển dịch sang kênh phân phối bán lẻ và vận hành mảng chăn nuôi theo mô hình 3F khép kín. Lợi nhuận sau thuế dự phóng đạt 405 tỷ đồng (tăng 26%).

Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, mức giá hợp lý cho cổ phiếu BAF khoảng 76.000 đồng/cổ phiếu (+23% so với giá hiện tại). Từ đó khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Lưu ý!

CHẤN HƯNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương