Condotel nhọc nhằn chờ được "định danh" pháp lý

Đã gần một năm trôi qua kể từ khi các bộ ngành có hướng dẫn về cơ chế quản lý đối với loại hình căn hộ condotel, song cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa một quy định nào có thể đi vào thực tiễn.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện nay chưa có quy định pháp luật về phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung của công trình xây dựng trong các dự án kinh doanh bất động sản không phải là dự án phát triển nhà ở, để bán, chuyển nhượng cho khách hàng, có cấu trúc tương tự căn hộ chung cư như condotel, officetel, hometel… Mà phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung là rất cần thiết làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận.

Bộ Tài nguyên và môi trường cũng có Công văn 703 về việc hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở, trong đó có căn hộ du lịch, biệt thự du lịch.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và môi trường đã đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát các dự án đầu tư đã được phê duyệt và việc thực hiện giao đất, cho thuê đất của từng dự án để xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan thì thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và không làm thay đổi quy mô, mục tiêu, quy hoạch của dự án. Điều đáng nói là từ khi có công văn của Bộ Tài nguyên và môi trường, vẫn chưa có căn condotel nào được cấp sổ đỏ.

Theo đó, Chủ tịch HoREA kiến nghị Chính phủ nghiên cứu các quy định pháp luật trên đây và trong lúc chưa có quy phạm pháp luật quy định về phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung của công trình xây dựng trong các dự án kinh doanh bất động sản không phải là dự án phát triển nhà ở, để bán, chuyển nhượng cho khách hàng, có cấu trúc tương tự căn hộ chung cư (như căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng (officetel), căn hộ khách sạn (hometel), căn hộ dịch vụ (serviced apartment), căn hộ cửa hàng (shophouse) và những công trình xây dựng tương tự có thể còn phát sinh trong tương lai mà hiện nay Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản đều chưa có quy định.

Theo GS Đặng Hùng Võ, Điều đang vướng hiện nay là tư duy, chúng ta đang tư duy theo hình thức. Mặt khác, ta đang sử dụng tư duy theo kinh tế truyền thống để quản lý kinh tế chia sẻ. Tương tự như thân phận của Taxi công nghệ, các BĐS du lịch kiểu mới cũng long đong như vậy. Các nhà quản lý vẫn loay hoay với câu hỏi vậy thì condotel là gì, chung cư hay khách sạn? Nếu là chung cư thì phải quản lý theo pháp luật về nhà ở, còn nếu là khách sạn thì quản lý theo pháp luật về du lịch. Giải pháp lúc này là phải xây dựng riêng một khung pháp luật cho đất đai để phát triển BĐS đa công năng và khung pháp luật cho quản lý vận hành các BĐS đa công năng theo tư duy kinh tế chia sẻ. Đừng hỏi BĐS đó là gì như trong tư duy pháp luật của kinh tế truyền thống.

Đồng thời, việc xác định phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung là rất cần thiết, làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận. Theo đó, HoREA đề nghị bổ sung quy định “Việc xác định phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung và quyền, nghĩa vụ của các bên có liên quan, được các bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, chuyển nhượng công trình hoặc một phần công trình xây dựng” vào Dự thảo trên.

Quan điểm này là đúng nhưng chưa đủ. Đơn cử, Cocobay đứt gánh đã lây sang hàng loạt dự án condotel khác, tranh chấp của các nhà đầu tư thứ cấp với các chủ đầu tư dự án nổ ra đại trà ở khắp nơi.

Để giải cứu bế tắc này, kích cầu đầu tư thứ cấp là một một giải pháp quan trọng. Điều kiện cần của kích cầu là phải có khung pháp luật minh bạch về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Kiên Cương

( Tổng Hợp)

Theo Phụ Nữ Mới