COVID-19 chiều 9/10: 5 chuyên gia Ấn Độ nhiễm bệnh, TP.HCM không nhận cách ly chuyên gia nước ngoài làm việc tại 7 tỉnh

Bản tin lúc 18h ngày 9/10 của Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết đã ghi nhận thêm 5 ca mắc COVID-19 mới, đều là chuyên gia đến từ Ấn Độ.

Cả 5 chuyên gia này đều làm việc tại Công ty TNHH Dầu gạo Sethia Hemraj. Trước đó, ngày 6/10, các chuyên gia này từ Ấn Độ nhập cảnh tại Tân Sơn Nhất - TP.HCM trên chuyến bay 6E9471. Cả 5 người được chuyển đến cách ly tập trung ngay tại Trường Quân sự tỉnh Đồng Tháp.

Ngày 7/10/2020, các bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cần Thơ lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với vi rút SAR-CoV-2.

Hiện tại các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

 Các ca bệnh này có tuổi từ 31-66, đều là nam, theo thứ tự từ BN1101- 1105. 

TP.HCM không nhận cách ly y tế với chuyên gia đến làm việc tại các tỉnh thành lân cận. Ảnh: TN
TP.HCM không nhận cách ly y tế với chuyên gia đến làm việc tại các tỉnh thành lân cận. Ảnh: TN

Hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 1.105 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước (tính từ ngày 25/7).

Cũng theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID- 19, Việt Nam đã chữa khỏi 1.024 bệnh nhân/1.105 bệnh nhân COVID-19.

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng.

Cũng trong ngày 9/10, TP.HCM thông tin sẽ không tiếp nhận cách ly chuyên gia nước ngoài làm việc tại 7 tỉnh thành Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An và Tiền Giang.  Sở Y tế TP.HCM đề nghị 7 tỉnh đón chuyên gia về địa phương cách ly theo quy định.

Trong văn bản khẩn về phương án cách ly y tế có trả phí tại các cơ sở lưu trú du lịch tại TP.HCM với chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý, lao động tay nghề cao khi nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất của Sở Y tế TP.HCM, cho biết nhằm tạo điều kiện, tránh phát sinh thủ tục không cần thiết trong tổ chức cách ly y tế cho chuyên gia nước ngoài do đơn vị, doanh nghiệp của các tỉnh, thành mời vào làm việc khi nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất, Sở đưa ra phương án cách ly đối với từng nhóm tỉnh thành.

Theo đó, với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, đề nghị các sở y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố phối hợp với đơn vị chuyên gia vào làm việc tổ chức đón về địa phương cách ly theo quy định. 

Đồng thời thông báo cho Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM biết, về thời gian chuyến bay về đến sân bay Tân Sơn Nhất để được hỗ trợ.

Đối với các tỉnh, thành phố khác có đơn vị mời chuyên gia vào làm việc nhưng có nguyện vọng cách ly tại TP.HCM (do nhập cảnh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất), thì UBND tỉnh, thành phố phải có văn bản gửi UBND TP.HCM, đề nghị cách ly tại TP.HCM. 

Khi có văn bản đồng ý hỗ trợ cách ly của UBND TP.HCM hoặc Sở Y tế TP.HCM, các địa phương làm thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia, và liên hệ khách sạn được thành phố chỉ định, để đăng ký cách ly.

Tình hình COVID-19 trên thế giới

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info cập nhật lúc 18h ngày 9/10, toàn cầu có 36.802.545 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1.067.551 ca tử vong và hơn 27 triệu ca hồi phục.

Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận số người mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Hôm nay, quốc gia này thêm 526 ca mắc mới, nâng tổng số lên 7.834.289 triệu trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 217.750 người tử vong. 

Ấn Độ trong ngày có thêm 2.339 ca mắc COVID-19. Như vậy, Ấn Độ vẫn đứng thứ 2 thế giới về tổng số người nhiễm COVID-19 với 6.906.151 ca.

Vị trí thứ 3 về số ca nhiễm COVID-19 tăng cao là Brazil, số ca nhiễm của nước này tính đến hôm nay lên 5.029.539 người, ghi nhận thêm 12.126 ca mắc mới.

Đứng vị trí thứ 4 là Nga với 1.272.238 ca. Hôm nay nước này có thêm 12.126 ca mắc mới và 201 người tử vong do COVID-19.

Các nhà nghiên cứu Mỹ đang triển khai 2 hình thức sau để tìm ra cách lây lan COVID-19:

Xét nghiệm gạc virus bằng cách nghiên cứu vật liệu di truyền SARS-CoV-2 trong đường thở của bệnh nhân, nơi thường tìm thấy virus. BS. Jasmine Marcelin, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm y khoa của Đại học Nebraska - Mỹ, giải thích xét nghiệm này sẽ đạt được 2 mục đích, là chẩn đoán bệnh để xác định cách thức điều trị, quản lý và cảnh báo cho người có nguy cơ phát tán COVID-19 cho những người khác.

Bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 của phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ.
Bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 của phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ.

Xét nghiệm thứ hai là huyết thanh, nhằm phát hiện các kháng thể, phân tử miễn dịch hình chữ Y mà cơ thể sản sinh ra sau khi nó phát hiện ra sự xâm nhập của virus cụ thể.

Không giống như xét nghiệm gạc virus, xét nghiệm huyết thanh có thể cho các bác sĩ biết về một loại vi trùng nguy hiểm đã đi vào cơ thể gần đây.

Ông Eric nhấn mạnh: “Xét nghiệm huyết thanh học rất hữu ích cho những ai bị tình nghi tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2”. Sự khác biệt giữa 2 cách thức xét nghiệm là thời gian. Các kháng thể không bộc lộ số lượng lớn trong vài ngày đầu sau khi xảy ra lây nhiễm.

XUYẾN KIM

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương