COVID-19 sáng 21/4: Không có thêm ca nhiễm mới; gần 107.000 người tiêm vaccine

Theo thông tin Bộ Y tế, sáng 21/4 Việt Nam không có thêm ca mắc COVID-19. Tổng số ca mắc từ đầu dịch đến giờ là 2.801 ca. Trên thế giới, đến sáng nay đã ghi nhận hơn 143,4 triệu bệnh nhân.

Tính đến 16 giờ ngày 20/4/2021, cả nước đã tiêm vaaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại 27 tỉnh, thành cho 106.929 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương, công an và quân đội.

1.jpg

Ấn Độ phá kỷ lục 300.000 ca/ngày

Tình hình dịch bệnh thế giới, Ấn Độ nguy cấp khi số ca nhiễm mới liên tiếp phá kỷ lục, gần cán mức 300.000 ca/ngày

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 21/4 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 143.492.529 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 3.055.591 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 781.333 và 12.571 ca tử vong.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (294.290 ca), Brazil (65.363 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (61.028). Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới với 2.954 ca, tiếp theo là Ấn Độ với 2.020 ca và Mỹ là 738 ca.

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 32.525.316 triệu người, trong đó có 582.311 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 15.609.004 ca nhiễm, gồm 182.570 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba với 14.043.076 ca bệnh và 378.003 ca tử vong.

CNN dẫn dữ liệu công bố của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy toàn cầu vừa trải qua một tuần lây nhiễm kỷ lục kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

delhi.jpeg
Tình trạng quá tải tại Ấn Độ.

Theo đó, thế giới đã ghi nhận 5.236.922 ca nhiễm mới trong 7 ngày của tuần trước, vượt qua mức kỷ lục trước đó là 5.04 triệu ca/tuần từ ngày 4/1/2021. Số ca lây nhiễm mới đã tăng ở tất cả các khu vực theo phân chia của WHO, ngoại trừ Châu Âu giảm 3%. Khu vực chứng kiến lây nhiễm mới tăng mạnh nhất là Đông Nam Á, tăng 57% so với tuần trước đó.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ cũng liên tục tăng, và chiếm tới 28% tổng ca mới trên toàn cầu. 

Cũng trong tuần trước, số ca tử vong do COVID trên toàn thế giới đã vượt mốc 3 triệu người. Theo WHO, thế giới mất 9 tháng để cán mốc 1 triệu ca tử vong đầu tiên, nhưng chỉ mất 3 tháng để vượt mốc 1 triệu ca lần thứ ba.

Vaccine J&J có thể liên quan đến sự cố máu đông cục

Cơ quan quản lý Dược phẩm của Liên minh Châu Âu ngày 20/4 cho biết đã tìm thấy “mối liên hệ có thể có” giữa vaccin COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J) với những ca bị cục máu đông hiếm gặp và yêu cầu công ty có thêm cảnh báo vào nhãn. Tuy vậy, các chuyên gia tại cơ quan này nhắc lại rằng lợi ích của vaccine vẫn lớn hơn nguy cơ rủi ro.

Hãng tin AP cho biết Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã đưa ra quyết định trên sau khi một số lượng rất nhỏ các trường hợp bị chứng huyết khối ở những người đã tiêm vaccine được báo cáo ở Mỹ. EMA cho biết cảnh báo về các cục máu đông nên được thêm vào nhãn của vaccine Johnson & Johnson, và những rối loạn máu hiếm gặp này nên được coi là “tác dụng phụ rất hiếm của vaccine”.

EMA cũng khuyến nghị thay đổi nhãn đối với vaccine AstraZeneca COVID-19 sau khi tìm thấy mối liên hệ với chứng huyết khối hiếm gặp. 

Trong cả hai trường hợp, EMA cho biết lợi ích của việc được chủng ngừa COVID-19 vẫn vượt trội so với nguy cơ rất nhỏ của số lượng hiếm gặp những người xuất hiện chứng cục máu đông bất thường.

Tuần trước, Johnson & Johnson đã tạm dừng triển khai vaccine ở châu Âu sau khi các quan chức Mỹ khuyến nghị tạm dừng tiêm vaccine do hãng này sản xuất, khi họ phát hiện 6 trường hợp đông máu trong số gần 7 triệu người đã được tiêm chủng tại Mỹ.

HẢI MY