Cùng "điểm" lại nợ xấu của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán

Quý III vừa qua có thể nói là thời gian cao điểm nhất của dịch COVID-19. Với đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, nền kinh tế đã chịu những ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp phá sản, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao...

 

Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý III/2021 vừa công bố, dư nợ xấu tại 27 ngân hàng niêm yết cổ phiếu và giao dịch trên thị trường chứng khoán đã tăng lên con số 113.006 tỷ đồng tính đến 30/9/2021, tức cao hơn 26% so với thời điểm đầu năm.

Số ngân hàng có nợ xấu tăng chiếm xấp xỉ 2/3. Những con số mới chỉ thể hiện bề nổi của nợ xấu các ngân hàng, chí ít là những gì được thể hiện trên báo cáo tài chính.

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng.

Tính đến cuối tháng 9, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01 cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng. Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/1/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng, tương đương trên 5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,66% và thêm cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại theo Thông tư 01 thì tỷ lệ này là 7,21%. Cũng phải nhắc lại rằng, số liệu này mới cập nhật tới quý II/2021, trong khi quý III vừa qua mới là giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19. Áp lực nợ xấu cũng tăng lên trông thấy tại một số ngân hàng tư nhân vốn được đánh giá có chất lượng tài sản khỏe mạnh như ACB và Techcombank. Trong ba quý đầu năm, dư nợ xấu của hai nhà băng này đã tăng xấp xỉ gấp rưỡi; tỷ lệ nợ xấu tại ACB đã tăng từ 0,59% lên 0,87%, còn của Techcombank tăng từ 0,47% lên 0,57%.

Theo thông tin từ SSI Research, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank tăng nhanh trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa nhỏ; trong khi đó, ACB đã chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng có nợ xấu tăng trên 30% trong kỳ có thể kể tới như VBB (+58,5%), ABB (+46,5%), VIB (+34,8%), SHB (+34,6%).... Ở chiều ngược lại, có thể thấy nợ xấu của Kienlongbank giảm mạnh 63% xuống còn 697 tỷ đồng.

Điều này là kết quả của việc xử lý các khoản nợ xấu được đảm bảo bởi cổ phiếu STB của Sacombank. Với trường hợp của VPBank, nếu xét riêng ngân hàng mẹ, số dư nợ xấu chỉ tăng 4,2% lên 5.814 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu thậm chí giảm từ mức 2,52% xuống 2,28%.

Tuy nhiên, ngân hàng cho biết hoạt động kinh doanh của công ty tài chính FE Credit bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và giãn cách xã hội. Điều này đã khiến nợ xấu của FE Credit tăng mạnh thời gian qua.

Theo báo cáo hợp nhất (bao gồm của cả FE Credit), nợ xấu của VPBank đã tăng 28% trong 9 tháng đầu năm lên 12.702 tỷ đồng, qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu từ mức 3,41% lên 4%. Trong đó, Nam A Bank là nhà băng có nợ xấu tăng nhanh nhất toàn ngành với mức tăng gần 150% sau 9 tháng đầu năm.

Nợ nhóm 5 của ngân hàng này đã tăng 147% lên gần 1.156 tỷ đồng; nợ nhóm 3 tăng hơn 273% lên hơn 515 tỷ đồng. Xếp sau đó lần lượt là hai ngân hàng quốc doanh Vietcombank và VietinBank với quy mô nợ xấu tại thời điểm cuối quý III là 10.884 tỷ đồng (tăng 108,1%) và 18.097 tỷ đồng (tăng 90,1%). 

Riêng số nợ tăng thêm của hai "ông lớn" này trong 9 tháng đã lên tới 14.233 tỷ đồng, chiếm hơn 60% số nợ xấu tăng thêm của 27 ngân hàng. Với sự nhảy vọt này, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đã tăng mạnh từ mức  0,62% lên 1,16%, VietinBank tăng từ 0,94% lên 1,67%.

Trong khi đó, "ông lớn" còn lại là BIDV lại có nợ xấu đi ngang ở mức 21.433 tỷ đồng. Song, quy mô nợ xấu của BIDV đang là lớn nhất trong số 27 ngân hàng kể trên, chiếm 1,61% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Tình hình nợ xấu của các ngân hàng là một vấn đề rất được quan tâm không chỉ trên khía cạnh đầu tư, mà bởi đây còn là một chỉ tiêu quan trọng phản ảnh sức khỏe của kênh dẫn vốn chủ đạo tại Việt Nam.

Tĩnh Kiên (Tổng Hợp)