"Cuộc chiến" mì gói: Thất thủ trên sân nhà? (bài 2)

Đa phần mì gói hiện nay trên thị trường do Việt Nam sản xuất nhưng chủ sở hữu những thương hiệu này không phải là người Việt.

Thương hiệu Việt không nhiều

Mì ăn liền ở Việt Nam là một trong những thực phẩm thiết yếu có mặt hầu hết trong các hộ gia đình Việt với mức thâm nhập gần 100%. Và đây là thị trường màu mỡ cho các doanh nghiệp mì trong và ngoài nước.

Hàng trăm loại mì được bày bán tại Bách hóa xanh - Ảnh: Cẩm Viên
Hàng trăm loại mì được bày bán tại Bách hóa xanh - Ảnh: Cẩm Viên

Theo Ông Nguyễn Thành Nhơn, từng là chủ thương hiệu mì gói Vilo, đa phần mì gói hiện nay trên thị trường do Việt Nam sản xuất. Người Việt làm mì rất giỏi vì họ hiểu được khẩu vị của người Việt. Việt Nam cũng có nhiều doanh nhân đã từng thành công với mì ăn liền ở trời Âu như Nguyễn Đăng Quang, Phạm Nhật Vượng hay Đặng Khắc Vỹ. Tuy nhiên hiện nay chỉ  ông chủ của Masan Group (Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh) là tiếp tục đầu tư mạnh lĩnh vực mì tại Việt Nam.

Ông Nhơn cũng có biết thêm với sự xâm nhập của rất nhiều thương hiệu mì từ nước ngoài, mì gói của Việt Nam đã chuyển sang hợp tác hoặc bán thương hiệu. Thương hiệu mì Vilo cũng từng được người tiêu dùng ưa chuộng, sau đó được một tập đoàn nước ngoài đặt vấn đề mua thương hiệu.

Nhiều thương hiệu mì Việt quyết định hợp tác với tập đoàn nước ngoài vì họ đầu tư hệ thống nhà máy và dây chuyến sản xuất hiện đại với chiến lược quảng cáo và marketing khá mạnh nên bài toán về cạnh tranh trong tương lai sẽ rất khó. Do đó, đa phần các doanh nghiệp mì vừa và nhỏ thường chọn giải pháp hợp tác hoặc bán thương hiệu cho các tập đoàn nước ngoài.

Ghi nhận tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tiệm kinh doanh tạp hóa có hàng trăm chủng loại mì, từ mì gói đến mì ly, mì tô, giá cả cũng đa dạng, từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng/gói hoặc ly... Ngoài các loại mì sản xuất tại Việt Nam, thị trường còn kinh doanh nhiều loại mì nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Các loại mì ăn liền sản xuất trong nước có giá từ 2.500 - 5.500 đồng/gói. Mì nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan giá từ 5.500 - 30.000 đồng/gói...

Đại diện hệ thống Bách Hóa Xanh cho biết có tổng cộng khoảng 50 nhãn hiệu mì ăn liền đang kinh doanh tại hệ thống. Sức tiêu thụ khoảng 190.000 thùng/tháng, doanh số khoảng 30 tỷ đồng, chiếm 35% doanh số so với các mặt hàng thực phẩm khô.

Mì gói đang bán được nhiều nhất là Hảo Hảo của Nhật Bản sản xuất tại Việt Nam vì đây là thương hiệu có giá thành bình dân, phù hợp túi tiền, khẩu vị phù hợp người Việt Nam và có bề dày thương hiệu tại thị trường.

Đa dạng các loại mì với đủ giá cả - Ảnh: Cẩm Viên
Đa dạng các loại mì với đủ giá cả - Ảnh: Cẩm Viên

Ngoài ra những thương hiệu mì gói Việt ví dụ Miliket, Mì 3 miền, Vị Hương, Omachi, Vifon... chiếm khoảng 40% so với mì ngoại. Nếu tính mì sản xuất trong nước thì tỉ trọng chiếm 85% so với mì nhập khẩu. Theo nhận định đại diện của Bách Hóa Xanh đối với các sản phẩm mì gói thì khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường là 50/50.

"Thất thủ" trên sân nhà

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền và 70% thị phần đang thuộc về 3 ông lớn Vina Acecook, Masan và Asia Food.

Trong đó, Acecook lâu nay vẫn là nhà sản xuất dẫn đầu thị trường mì của Việt Nam. Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1993, bình quân doanh nghiệp Nhật Bản này cung ứng ra thị trường gần 3 tỷ gói mì mỗi năm và Acecook đặt mục tiêu tăng doanh số bán mì ly (mì cốc, mì hộp) tại Việt Nam lên khoảng 350 triệu khẩu phần vào năm 2022.

Acecook Việt Nam gây tiếng vang với sản phẩm mì Hảo Hảo và hầu như người tiêu dùng Việt đều nhận biết và ưa chuộng thương hiệu mì này. Hảo Hảo của Vina Acecook hiện đang dẫn đầu bảng xếp hạng ở phân khúc mì trung cấp mà khó có thương hiệu nào có thể vượt mặt.

Gia nhập thị trường sau, nhưng Masan Consumer được xem là "ngôi sao đang lên" khi chiếm khoảng 25% thị phần với thương hiệu mì cao cấp Omachi, Kokomi, Sagami… Hiện nay trên thị trường mì Masan được xem là ông lớn đứng 2 trong thị trường mỳ ăn liền, chỉ sau Acecook.

Kế đó phải kể đến Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) với nhãn hàng mì Gấu đỏ, Trứng vàng đang chiếm hơn 10% thị phần mì gói trong nước. Nhận thấy phân khúc mì bình dân còn rộng cửa Asia Foods vẫn chen chân vào cuộc chiến mì với thương hiệu mì Gấu đỏ. Chiến lược khôn ngoan chi mạnh tay cho quảng cáo đã đưa Asian Foods lên vị trí thứ ba sau đàn anh Acecook, Masan.

Nhiều thương hiệu mì Việt đang bị cạnh tranh khá mạnh - Ảnh: Cẩm Viên
Nhiều thương hiệu mì Việt đang bị cạnh tranh khá mạnh - Ảnh: Cẩm Viên

Ngoài những tên tuổi nêu trên, thị trường mỳ ăn liền còn có sự góp mặt của nhiều thương hiệu khác như Vifon, Saigon Ve Wong, Thiên Hương, Colusa Miliket, Đại gia đình (của Tập đoàn Kinh Đô kết hợp với Saigon Ve Wong)…

Hàng chục thương hiệu khác chia nhau thị phần còn lại chiếm khoảng 2-5%. Mặc dù đã hoạt động vài chục năm trên thị trường, có thương hiệu tốt nhưng nhóm này vẫn đang phải bươn trải để có thể tồn tại được trong thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Sự cạnh tranh gay gắt khiến các thương hiệu mì của doanh nghiệp trong nước sản xuất gặp nhiều khó khăn. Trường hợp của Công ty Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket là một ví dụ. Dù thương hiệu Miliket quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam từ những năm trước 1975 nhưng đến nay, với sự đổ bộ của các nhãn hiệu mới của các doanh nghiệp ngoại thì sản phẩm Miliket dường như biến mất tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích...

Cuộc chạy đua giành thị phần mì ăn liền không chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất mì, các nhà bán lẻ cũng "nhảy vào" khai thác với nhãn hàng riêng, theo thương hiệu của siêu thị. Đặc biệt, nhà bán lẻ lại có lợi thế là thường nắm trong tay các số liệu về thị trường, sức mua và thị hiếu tiêu dùng, nên khai thác hàng nhãn riêng vào đúng dòng sản phẩm đang tiêu thụ mạnh nhất.

Những nhãn hàng này sẽ cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của các doanh nghiệp, giá rẻ hơn ít nhất 5-10%. Chẳng hạn, nhóm hàng mì gói, mì chua cay hiện đều có trong danh sách nhãn riêng của nhiều siêu thị. Như Big C đang bán mì tôm chua cay nhãn riêng Wow, với giá chỉ 2.200 đồng/gói, một thùng 30 gói có giá khoảng 65.000 đồng…

Có thể nói, thị trường Việt Nam rất rộng lớn nhưng các thương hiệu thuần Việt lại ngày càng hiếm hoi, một phần là do các chiến dịch truyền thông, marketing của các nhãn hàng lớn quá mạnh, đánh đúng vào thị hiếu của người Việt. Trong khi đó, các thương hiệu Việt ít chú trọng truyền thông, ít thay đổi mẫu mã nên ngày càng đuối sức trong cuộc đua lớn.

* Còn tiếp...

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương