Cuộc sống trên hòn đảo thiên đường của nữ youtuber trong giai đoạn cách ly

Cắm trại trên những bãi cát trắng, câu cá trên đại dương và trèo trên những cồn cát, Eva zu Beck đợi chờ dịch bệnh kết thúc trên đảo thiên đường.

Khi thế giới vẫn đang phải ở nhà do tác động của đại dịch covid-19 thì Eva zu Beck, một Youtuber về thám hiểm và dẫn chương trình tài liệu du lịch từ Ba Lan, đã trải qua hai tháng cắm trại trên những bãi cát trắng hoang vu, câu những chú cá mú tươi rói trên đại dương và leo những cồn cát cao 10 tầng trên một hòn đảo xa xôi thuộc Socotra, Yemen, cách vùng Sừng châu Phi 60 dặm về phía Đông.

Eva zu Beck trên hòn đảo Socotra (Ảnh: Eva zu Beck).
Eva zu Beck trên hòn đảo Socotra (Ảnh: Eva zu Beck).

Hàng ngày, khi mặt trời còn chưa chạm tới những cồn cát và các vách đá cheo leo thì Eva zu Beck đã ra khỏi lều, đắm mình dưới làn nước êm đềm của Ấn Độ Dương để tìm kiếm bữa sáng cho mình, tôm hùm Socotran.

Sở hữu một vlog du lịch về các địa điểm ít người biết đến như Pakistan, Bangladesh và Syria, Zu Beck giờ đã xây dựng cho mình một mạng xã hội với hơn 1 triệu người theo dõi. Và giờ đây, thiên đường bỏ hoang rộng 3.625 km2 này đã trở thành một “bình thường mới” đối với cô gái 29 tuổi này.

Chỉ có điều, giờ cô không biết đến khi nào bản thân có thể rời khỏi đây.

Cơ duyên đến hòn đảo từ một sự kiện marathon

Zu Beck cắm trại và thuê phòng tại Socotra (Ảnh: obert Pljuscec).
Zu Beck cắm trại và thuê phòng tại Socotra (Ảnh: obert Pljuscec).

Zu Beck đến với Socotra, một hòn đảo với hệ sinh thái hết sức độc đáo, trên một chuyến bay từ Cairo, Ai Cập từ 11/3 cùng với 40 khách du lịch nước khác trong một sự kiện marathon lần đầu ở Socotra và ở đó 2 tuần.

Thế rồi thế giới bỗng đột ngột đóng cửa do sự lan nhanh của dịch bệnh. Khi cô và các thành viên khác hoàn thành xong cuộc đua vào ngày 15/3, chính quyền đảo Socotri đã thông báo đóng cửa biên giới và hối thúc những người tham gia chạy nhanh chóng về nhà.

Khi đó, Zu Beck đã phải đưa ra lựa chọn cho mình, liệu cô có nên trở về châu Âu và phải đối diện với virus trên hành trình 5.000km, hay ở lại hòn đảo thiên đường này và chấp nhận bị kẹt lại đây với một tương lai vô định.

“Tôi có một tình yêu rất lớn với hòn đảo. Tôi đã từng đến đây năm ngoái và luôn muốn dành thêm thời gian tại đây. Và tôi coi những gì diễn ra như một tín hiệu”, cô chia sẻ về quyết định ở lại của mình.

Thế nhưng không phải ai cũng ủng hộ quyết định này của Zu Beck. Trên mạng xã hội, một số chỉ trích cho rằng việc du lịch của cô tại đây khi dịch bệnh hoành hành có thể làm nguy hại tới cộng đồng người dân bản địa.

Lòng hiếu khách giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn

Cô dành hầu hết thời gian đọc sách và leo núi (Ảnh: Mike Corey/Fearless and Far).
Cô dành hầu hết thời gian đọc sách và leo núi (Ảnh: Mike Corey/Fearless and Far).

“Cuộc sống trên đảo Socotra diễn ra thật chậm. Tôi hầu như dành cả ngày ngồi ngoài đọc sách, viết nhật ký và leo núi”, Zu Beck cho biết.

Thay vì ở trong những khách sạn thoải mái nằm tại thủ đô Hadibu, cô chủ yếu dành hai tháng đầu cắm trại nơi hoang dã hay thuê những phòng khách đơn giản của những gia đình chăn dê địa phương ở những làng quê nông thôn ít dân cư ở Socotra, và chỉ vào Hadibu khi cần dùng mạng, dịch vụ giặt đồ hay điện để sạc các thiết bị điện tử.

Sống ở Socotra, sự hiếu khách của người dân địa phương giúp cô tiết kiệm được chi phí sinh hoạt do nơi đây vẫn còn hoang sơ và thiếu hạ tầng cho khách du lịch.

“Tôi không thích sự ồn ào và xô bồ của Hadibu. Tôi thích được sống bên ngoài thiên nhiên, bên cạnh những cộng đồng người dân tốt bụng luôn chào đón tôi vào nhà của họ. Có một quy tắc trong tính hiếu khách ở Socotra mang tên “Karam”. Đó là khách luôn được chào đón vô điều kiện, vì vậy những chủ nhà truyền thống luôn ngại ngần khi nhận tiền của khách”, cô chia sẻ và vẫn gửi nhà chủ khoảng 200 USD mỗi tháng cho chi phí sinh hoạt.

Một thế giới song song cùng tồn tại

Khu vực phía nam của hòn đảo nổi tiếng với những chiếc cây như ngoài hành tinh (Ảnh: Eva zu Beck).
Khu vực phía nam của hòn đảo nổi tiếng với những chiếc cây như ngoài hành tinh (Ảnh: Eva zu Beck).

Zu Beck có thể gần gũi với người dân địa phương nơi đây bởi Socotra không có những hạn chế của lệnh phong tỏa. Hòn đảo này là một trong vài địa điểm hiếm hoi mà cuộc sống không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch.

“Không có cách ly xã hội hay các biện pháp phong tỏa ở Socotra. Chúng tôi được tự do đến thăm bạn bè và di chuyển. Như thể chúng tôi đang ở một thế giới song song vậy”.

Zu Beck đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 29 của mình trên một chiếc xe gắn máy 150cc, một loại hình phương tiện di chuyển phổ biến du nhập từ Al Mukalla ở đất liền của Yemen. Trên chiếc xe gắn máy, cô băng qua khu vực phía Nam của hòn đảo – một khu vực lộng gió, dân cư thưa thớt với những cây máu rồng như thuộc hành tinh khác, một loại thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng tại Socotra.

Thế nhưng cuộc sống nơi thiên đường này không hẳn toàn màu hồng.

Zu Beck đã phải hai lần nhập viện do thương tích khi leo núi, rồi say nắng và nhiễm khuẩn nhưng Zu Beck cho biết dịch vụ y tế tại đây khá tốt và chuyên nghiệp. Đó là vì hệ thống y tế trên đảo được hỗ trở bởi UAE mà không bị ảnh hưởng nặng nề bởi nội chiến như tại khu vực đất liền Yemen.

Tuy nhiên, Socotra cũng không tránh khỏi các cuộc xung đột. Và 3 tuần gần đây nhất, Zu Beck cũng chỉ dành thời gian chủ yếu trong một gia đình tại một ngôi làng vì lý do an toàn.

Nhớ nhà luôn là thử thách khó khăn nhất

Zu Beck trên chiếc mô tô 150cc (Ảnh: Eva zu Beck).
Zu Beck trên chiếc mô tô 150cc (Ảnh: Eva zu Beck).

Bên cạnh việc hồi phục sau những chấn thương, nỗi nhớ nhà vẫn luôn trở thành thách thức khó khăn nhất đối với Zu Beck

“Internet ở đây không đủ mạnh để sử dụng Skype hay Facetime, và việc mất điện thường xuyên xảy ra. Tôi luôn cố gắng dùng cách gọi điện thoại truyền thống bất kỳ khi nào có tín hiệu. Tôi rất nhớ người thân”.

Dù ban đầu không hối hận với quyết định chọn ở lại Socotra của mình, cô cho biết có lẽ cô sẽ không lựa chọn đến đây nếu có kiến thức về hòn đảo như bây giờ. Giờ cô chỉ tự hỏi liệu còn phải ở lại đây bao lâu.

Mặc dù tình yêu với hòn đảo vẫn lớn dần trong cô, cô vẫn luôn mong mỏi có thể trở về nhà. Dù vậy, cô hy vọng thời gian ở đây của mình có thể hỗ trợ người dân bản địa nơi đây trong nhiều thử thách cuộc sống như hậu quả cơn bão khủng khiếp tại đây năm 2018 hay những cuộc nội chiến vẫn đang diễn ra tại đất liền Yemen.

Cô hy vọng có thể dùng nền tảng mạng xã hội của mình để giúp cung cấp thêm nhiều máy tính cho một trường học của các bé gái tại Hadibo, cũng như dự án gây quỹ để giúp hòn đảo xử lý một số vấn đề về quản lý rác thải.

“Tôi đã học được nhiều điều từ hòn đảo xinh đẹp này trong hai tháng qua. Giờ là lúc tôi muốn đáp lại bằng một điều gì đó”, Eva cho biết.

TM (theo CNN)

Okinoshima, hòn đảo nói không với phụ nữ

Okinoshima, hòn đảo nói không với phụ nữ

Không ai biết chính xác tại sao phụ nữ lại bị cấm đến Okinoshima, chỉ biết rằng luật lệ này đã có từ thời xa xưa.