Đô thị hóa ở mức cao
Nhu cầu nhà ở tại các đô thị lớn liên tục tăng trưởng mạnh. Tính riêng trong một thập kỷ qua, tổng diện tích xây dựng nhà tại Việt Nam tăng trưởng ấn tượng 19%, từ mức 22,6 triệu hộ gia đình đã tăng lên mức 26,7 triệu hộ trong năm 2019. Diện tích nhà ở riêng lẻ tăng 41%, từ mức 1,5 tỷ m2 năm 2010 tăng lên mức 2,1 tỷ m2. Riêng với loại hình nhà chung cư, từ mức 17 triệu m2 sàn năm 2010 lên mức 41 triệu m2 sàn, tăng gần 142% chỉ sau 10 năm.
Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2020 của Bộ Xây dựng cho thấy, bất động sản nhà ở chưa có xu hướng giảm giá mà vẫn tăng theo quý. Cụ thể, trên cả nước, giá bán căn hộ trung cấp dao động từ 20 - 35 triệu đồng/m2, phân khúc cao cấp từ 35 triệu đồng/m2 trở lên.
Tại Hà Nội, giá bán căn hộ chung cư bình dân khoảng 24,8 triệu đồng/m2, căn hộ chung cư trung cấp khoảng 31 triệu đồng/m2, căn hộ chung cư cao cấp khoảng 37,7 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 0,24% so với quý II/2020). Đối với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 0,03%. Còn tại TP.HCM, mức giá bán dao động từ 30 - 50 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 0,35% so với quý II/2020).
"Hiện nay Hàn Quốc có tốc độ đô thị hóa 80%, Malaysia 77%, Trung Quốc 60%, Thái Lan và Philippines là 51% và 47%, con số 35% của Việt Nam cho thấy khả năng đô thị hóa còn nhiều dư địa trong 10 năm tới. Với tốc độ tăng trưởng hạ tầng, mở rộng kết nối và phát triển đô thị hiện nay, vào năm 2030 Việt Nam sẽ có ít nhất 3 thành phố có tỷ lệ dân số từ 1 - 5 triệu dân, 6 tỉnh thành có 0,5 - 1 triệu dân. Nhu cầu nhà ở sẽ tăng cao ở các tỉnh thành, đặc biệt là ở những khu vực giáp ranh TP.HCM và Hà Nội" Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn chi nhánh TP.HCM nhận định cho hay.
Tốc độ tăng trưởng nhà ở không đáp ứng được dân cư
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt tại các khu vực đô thị. Nguyên nhân là do tốc độ tăng dân số cùng xu hướng đô thị hóa phát triển; tăng trưởng kinh tế gắn liền với sự gia tăng mức thu nhập của người dân làm tăng khả năng chi trả nói chung và tăng mức độ sẵn sàng chi trả cho nhu cầu về nhà ở nói riêng. Bên cạnh đó, nhu cầu cải tạo, thay thế do sự xuống cấp về chất lượng của nhà ở cũng sẽ tăng lên.
Phát triển kinh tế sẽ đưa thu nhập bình quân dân số thành thị tăng nhanh hơn, đồng thời nhu cầu về chất lượng nhà ở tại các thành phố cũng tăng lên, tuy nhiên theo Bộ Xây dựng, tốc độ gia tăng ngân sách chi tiêu dành cho nhà ở không thay đổi nhiều.
Xét riêng cho từng phân khúc nhà ở tại khu vực đô thị thì chung cư giá rẻ và trung bình sẽ là phân khúc chiếm thị phần lớn nhất và có xu hướng gia tăng; nhà biệt thự, liền kề giữ ổn định trong ngắn hạn và có xu hướng giảm thị phần trong dài hạn; nhà ở cho người thu nhập thấp tiếp tục còn thiếu hụt trong ngắn hạn và trung hạn.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư cấp cao của Savills Việt Nam, nhận định năm 2021, dòng tiền quốc tế sẽ chảy vào phân khúc thương mại của Việt Nam như căn hộ dịch vụ, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và một phần bất động sản công nghiệp. Dù lợi nhuận hằng năm chỉ ở mức 6%-8% nhưng sau vài năm họ có thể chuyển nhượng với lợi nhuận 15%-20%. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn tập trung đầu tư vào nhà ở.
Cùng với xu hướng đô thị hóa, tốc độ gia tăng dân số tại các đô thị lớn kéo theo nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 sẽ tiếp tục tăng. Theo đại diện Bộ Xây dựng, đến năm 2030, tỉ lệ dân số đô thị sẽ tăng lên khoảng 45% (hiện là 40%), đòi hỏi mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị.
Ngoài những đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội vẫn luôn duy trì tốc độ tăng trưởng dân cư từ 48 - 80%, tỷ lệ đô thị hóa tại các tỉnh thành khác cũng tăng rất nhanh qua các năm. Ví như Bình Dương, nếu 10 năm trước tỷ lệ dân cư đô thị tại đây chỉ đạt 30% thì năm 2019 mức tăng trưởng là 80%; Đồng Nai từ mức tăng 33% năm 2009 cũng chuyển dịch lên mức 44%; Thừa Thiên Huế từng có tốc độ đô thị hóa khoảng 36% năm 2009 hiện đã đạt tốc độ gần 50% và Bắc Ninh cũng từ mức 24% tăng lên gần 28%.
Bên cạnh sự thiếu hụt nguồn cung dự án mới, một trong những nguyên nhân chính đẩy giá bất động sản đến từ nhu cầu thực vẫn đang rất lớn trên thị trường. Cộng thêm việc bất động sản hiện vẫn được ưa chuộng như một kênh đầu tư lâu dài mang lại nhiều lợi nhuận và an toàn, hút dòng tiền đổ về. Do đó giới đầu tư nhận định tương lai, giá bất động sản chắc chắn sẽ còn thiết lập mặt bằng mới.