Bong Joon-ho khăng khăng là mình không mệt. Vị đạo diễn 50 tuổi suốt nhiều tháng qua đã đi lại như con thoi khắp Bắc Mỹ để quảng bá tác phẩm mới nhất của mình, “Parasite” (Ký sinh trùng).
Và bây giờ thì ông làm nên lịch sử khi Parasite giành trọn vẹn các giải quan trọng nhất Oscar 2020: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Phim nước ngoài hay nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Chưa một phim nước ngoài nào thành công như thế ở giải thưởng này.
Đạo diễn Parasite |
“Parasite” thu được số tiền cũng khả quan: 7,5 triệu USD nội địa trong 3 tuần đầu ở Mỹ, và 102 triệu USD toàn cầu sau 2 tháng khởi chiếu. Phim được chiếu ở 600 rạp ở Mỹ. Hầu hết phim nước ngoài may mắn lắm mới được chiếu ở quá 100 rạp ở Mỹ.
Bong không phải là chưa từng thành công lớn. Tác phẩm viễn tưởng “Snowpiercer” năm 2013 với dàn sao Hollywood (Chris Evans, Octavia Spencer, Ed Harris và Tilda Swinton) và bộ phim về quyền động vật năm 2017 “Okja” (với Jake Gyllenhaal, Steven Yeun, Paul Dano, và lại là Tilda Swinton) đều gây tiếng vang, nhưng so với hiệu ứng mà “Parasite” tạo ra thì thực sự chưa là gì.
“Parasite” kể về một gia đình nghèo khó chật vật ở Seoul tìm cách len lỏi vào cuộc sống của giới nhà giàu, để rồi phát hiện ra những bí mật kinh hoàng của những người thượng lưu. Vở hài kịch xã hội ban đầu nhanh chóng biến thành một bộ phim kinh dị, một con bệnh tâm thần và một bí ẩn bị phơi bày, tất cả gói trong một cốt truyện đầy hưng phấn.
Khán giả Mỹ vốn không ham xem phim có phụ đề, nhưng những người đã khám phá “Parasite” đều ngạc nhiên khi thấy phim rất đi vào lòng người, bỏ xa nhiều tác phẩm của Hollywood hiện nay về sự tinh tế nhạy bén. Một bộ phim đặc biệt mà người xem sẽ không quên được lần đầu tiên họ xem, và cả lần thứ hai, ba, bốn, năm.
Các diễn viên Choi Woo-shik, Song Kang-ho, Jang Hye-jin và Park So-dam trong “Parasite.” |
Vào thời điểm mà bất công xã hội đang là một trong những quan tâm hàng đầu của nhân loại, Bong đã phát triển cho mình khả năng vượt trội trong việc khắc họa cùng lúc cả nỗi thống khổ và sự nực cười của đời sống đương đại. Không đi vào lối mòn của việc mô tả sự ảm đạm bằng tông màu xám và không khí nghiêm túc vô cảm, Bong hiểu rõ rằng một cách tiếp cận hài hước và tao nhã cũng có thể đem lại hiệu quả tương đương.
Đằng sau máy quay, Bong là một người thân thiện với mái tóc đen tổ quạ. Nhưng trên màn ảnh, khả năng gần như là đặc hữu của ông trong việc biến bất cứ câu chuyện ngụ ngôn nghệ thuật nào thành bom tấn là điều khiến ông không lẫn lộn với ai.
Làm việc chăm chỉ kể từ phim đầu tay “Barking Dogs Never Bite” năm 2000, vị đạo diễn tài năng dường như vẫn chưa quen với sự chú ý quá đà. “Tôi không chắc lắm tại sao chuyện lại thành ra vậy, nhưng tất nhiên là tôi rất vui”, ông nói về sự trọng thị mà mình đang nhận được.
“Tôi vẫn chưa thực sự phân tích được chuyện gì đang xảy ra. Có lẽ là vì ‘Parasite’ kể được câu chuyện thật về cuộc sống của chúng ta, cũng là câu chuyện về khoảng cách giàu nghèo, điều mà ai cũng có thể thấu hiểu, bất kể họ đang sống ở đất nước nào”.
Nữ diễn viên người Anh Tilda Swinton và Bong Joon-ho trong một cảnh quay của Okja - một tác phẩm của Bong năm 2017 |
Ý tưởng của “Parasite” đến với ông năm 2013, khi khoảng cách giàu nghèo ở Hàn Quốc đang rất nghiêm trọng, còn trên thế giới, hiệu ứng của phong trào Chiếm Phố Wall đang lan rộng. “Điều mà tôi rút ra được là, dù bằng ngôn ngữ gì, điều quan trọng nhất vẫn là điều mà bản thân câu chuyện và bộ phim kể”, Bong nói.
Danh tiếng quốc tế của Bong bắt đầu từ năm 2007, khi bộ phim thứ ba ông làm, “The Host”, bùng nổ ở châu Âu, Nam Mỹ rồi đến nước Mỹ. Đó là một bộ phim về quái vật cài cắm những yếu tố chính trị, châm biếm quân đội Mỹ, chính quyền Hàn Quốc và cả chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dân túy.
Kể từ đó, những lời mời đạo diễn phim cho Hollywood đổ đến, gần như tháng nào cũng có, ông kể hồi năm 2010. Nhưng đó cũng là lúc ông hoạt động chậm lại, hóa ra là để đầu tư công sức cho những tác phẩm riêng.
“Tôi có một người đại diện thực sự hiểu phong cách của tôi, nên những dự án mà tôi nhận được đều rất hay”, ông kể. “Tôi đã đọc một vài kịch bản rất tuyệt, nhưng kể cả vậy, tôi vẫn chọn tự viết kịch bản cho mình. Đó là một điểm mạnh, cũng là một điểm yếu. Tôi nghĩ các đạo diễn chuyên nghiệp chỉ đạo những dự án do người khác viết kịch bản không có điểm gì thua kém so với những đạo diễn tự mình viết kịch bản”.
“Parasite”, giống như “The Host” trước đó, xóa mờ ranh giới giữa tốt và xấu, giữa anh hùng và tội đồ. Gia đình họ Kim thiếu thốn, sống chui rúc trong căn hộ bán hầm dơ dáy, là những kẻ ký sinh, gia đình họ Park thừa mứa, hưởng thụ đến mức hời hợt và ngụy biện, cũng là những kẻ ký sinh.
Xung đột giai cấp là từ cả hai phía: Người nghèo không quan tâm đến những người đang khốn khổ hơn mình, còn kẻ giàu tự huyễn bản thân rằng cho người ta việc làm là vô cùng hào phóng rồi.
Những mâu thuẫn như vậy là điển hình trong phim của Bong, cũng như sự giao thoa rất tự nhiên giữa phim nghệ thuật với phim bom tấn khiến các tác phẩm của ông được khen ngợi.
Các nhà làm phim độc lập, khi được chọn cho những dự án lớn, liền bị cho là thương mại hóa, bán linh hồn cho quỷ dữ. Nhưng Bong không thích sự chia rẽ đó. Ông muốn kết hợp cả hai. Bất cứ ai muốn hỗ trợ, dù là nền tảng khổng lồ của Netflix trong trường hợp phim “Okja”, hay nhà phân phối còn khá non trẻ Neon đứng sau phim “Parasite”, đều có thể bắt tay với Bong.
Bong Joon-ho nhận Cành cọ vàng trong LHP Cannes vào 25/5 vừa qua |
“Tôi không thích phân biệt giữa phim nghệ thuật với phim bom tấn hay bất cứ thể loại nào”, ông nói. “Tôi cũng không muốn bản thân bị xếp vào một thể loại phim cụ thể. Tôi nghĩ vì thế mà phim của tôi có những sắc màu riêng biệt. Với bản thân tôi, đó là những phim mà tôi luôn muốn làm.
Tôi không nghĩ phân chia ra phim bom tấn, phim độc lập hay phim nghệ thuật là chuyện tốt, xấu hay gì cả. Tôi nghĩ mọi chuyện phụ thuộc vào mỗi tác phẩm cụ thể. Phim bom tấn đấy nhưng có sáng tạo, mới lạ không? Hay nó bắt chước và lối mòn? Tôi nghĩ dù là phim bom tấn hay phim nghệ thuật, vấn đề vẫn nằm ở chỗ nó sáng tạo hay bắt chước”.
Bản thân Bong cũng học hỏi rất nhiều từ Hollywood. Cả tuổi thơ ông xem phim Mỹ trên tivi và coi Alfred Hitchcock là “thầy”. Khi “The Host” và “Okja” được so sánh với phong cách làm phim của Steven Spielberg những năm 1970, Bong coi đó là “vinh dự cực lớn”, vì ông xem “The Sugarland Express”, “Jaws” và “Close Encounters of the Third Kind” là những tác phẩm tiêu biểu trong quá trình học làm phim của mình.
Nhưng có lẽ một hai thập kỷ tới, những nhà làm phim trẻ sẽ coi Bong là tiền bối điện ảnh mà họ học hỏi. Phim của ông màu mè nhưng không sến sẩm, vừa giải trí, vừa buồn thảm - thể hiện đúng bản chất của nhân loại. Trong vũ trụ của ông, lạc quan và nghi hoặc có thể cùng tồn tại. “Parasite” có thể rất cay đắng nhưng vẫn khiến khán giả lâng lâng, và đó chính là điều Bong muốn.
“Dù không có phụ đề tiếng Anh, nhưng bài hát vang lên lúc chạy chữ cuối phim, là do diễn viên đóng vai cậu con trai nhà nghèo hát, và lời bài hát do chính tôi viết luôn”, vị đạo diễn kể.
Lời bài hát cho biết nhân vật của cậu mất bao lâu để tiết kiệm đủ tiền mua lại cái tư gia rộng mênh mông của gia đình nhà giàu kia: 564 năm. Nhưng cậu là một anh chàng tháo vát. Cậu đã cứu cha mẹ khỏi cảnh không xu dính túi một lần, tài năng của cậu chính là chế tạo ra cả một thực tại sáng sủa hơn. Ai nói cậu không thể làm lại việc đó một lần nữa?
“Nếu bạn ra khỏi rạp sau khi nghe bài hát đó, tôi nghĩ bạn sẽ không thấy phim quá nặng nề nữa, vì bài hát đó cho biết cậu ấy đang tiếp tục sống một cách kiên cường”, Bong nói. “Và dù điều đó không hẳn là hứa hẹn, nhưng bạn vẫn sẽ thấy phim bớt u tối”.
Bong Joon Ho đoạt giải Hollywood Film Awards, mở đường cho Oscar 2020
Đạo diễn Bong Joon-Ho trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải tại Hollywood Film Award với danh hiệu danh hiệu Nhà làm phim xuất sắc nhất