Dầu ghi nhận tuần giảm nhưng tăng 22% trong quý 3

Giá dầu ghi nhận mức giảm hàng tuần vào tuần trước do lo ngại về lợi nhuận và kinh tế vĩ mô nhưng đã tăng khoảng 22% trong quý 3 do nguồn cung thắt chặt.

Dầu Brent được coi là chuẩn mực của dầu thô khi chiếm 2/3 khối lượng giao dịch trên toàn thế giới, giảm 0,97% ở mức 92,20 USD/thùng vào ngày 29/9. West Texas Middle, thước đo theo dõi dầu thô Mỹ, đóng cửa giảm 1% ở mức 90,79 USD/thùng.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda cho biết: "Sau một tuần, tháng và quý tuyệt vời, dầu đã sẵn sàng để chốt lời".

"Các nhà giao dịch năng lượng nhanh chóng nhận ra đây không phải là lúc để dầu tăng lên trên mức 100 USD/thùng, vì vậy họ đang thận trọng chốt một số lợi nhuận.

"Dầu sẽ không có đợt giảm giá lớn do thị trường sẽ vẫn thắt chặt như thế nào sau các biện pháp hạn chế nhiên liệu của Nga và kỳ vọng chuyến du lịch trong tuần lễ vàng của Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu máy bay".

Dầu ghi nhận tuần giảm nhưng tăng 22% trong quý 3 - Ảnh 1.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự kiến thâm hụt thị trường dầu thô 'đáng kể' trong quý 4. Ảnh: AP

Giá dầu thô kỳ hạn đã tăng do việc cắt giảm sản lượng của Opec+, cũng như việc cắt giảm nguồn cung bổ sung của các thành viên nhóm là Ả Rập Saudi và Nga.

Tuy nhiên, dấu hiệu nguồn cung dầu thô Mỹ ngày càng tăng đã đè nặng lên giá dầu kỳ hạn vào ngày 29/9.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu của Mỹ tăng 0,7% lên 12,99 triệu thùng/ngày trong tháng 7, cao nhất kể từ tháng 11/2019.

Trong khi đó, nguồn cung dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Mỹ giảm 592.000 thùng/ngày trong tháng 7 xuống 20,12 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 4.

Dữ liệu EIA cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ, một chỉ báo về nhu cầu, đã giảm 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22/9.

Tháng trước, Nga đã công bố lệnh cấm tạm thời xuất khẩu xăng và dầu diesel để đối phó với tình trạng thiếu hụt trong nước, làm tăng thêm sự thắt chặt trên thị trường.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự kiến thâm hụt thị trường dầu thô "đáng kể" trong quý 4 năm nay do việc cắt giảm sản lượng của Opec+.

Cơ quan này dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,5 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay, so với nửa đầu năm nay, vượt nguồn cung 1,24 triệu thùng/ngày trong giai đoạn đó.

Opec dự kiến nguồn cung thiếu hụt 3,3 triệu thùng/ngày trong quý 4, cho biết các biện pháp kích thích gần đây của Trung Quốc sẽ giúp phục hồi tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, cho biết cuộc họp của hội đồng bộ trưởng Opec + sẽ diễn ra vào ngày 4 tháng 10, nơi Ả Rập Saudi và Nga, với mức cắt giảm nguồn cung chung là 1,3 triệu thùng/ngày, "có thể đánh giá lại liệu gói hạn chế đầy đủ có còn cần thiết hay không".

"Với việc các nhà đầu tư hiện đang đặt câu hỏi về khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong năm tới trong bối cảnh lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, xu hướng tăng giá trên thị trường dầu mỏ có thể trở nên cân bằng hơn".

GIA HÂN