Đầu tháng 10, TP.HCM sẽ sử dụng mã QR khi đi đường

Đầu tháng 10, TP.HCM sẽ không sử dụng giấy đi đường mà sẽ thay thế bằng mã QR.

Theo chia sẻ của ông Lê Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM trong chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời", sau ngày 30/9, TP.HCM sẽ không sử dụng giấy đi đường nữa, thay vào đó mỗi người dân khi ra đường sẽ sử dụng một mã QR (app ứng dụng) do công an quản lý.

Ai đủ điều kiện an toàn ra đường (tiêm vaccine, điểm đến an toàn, tuân thủ 5K...) sẽ được di chuyển. 

Ông Lê Hòa Bình cho biết: quan điểm của lãnh đạo thành phố là an toàn tới đâu, mở cửa tới đó. An toàn mới mở cửa.

Về tiêu chí đánh giá mức độ an toàn khi có chủ trương mở cửa cho doanh nghiệp an toàn, điểm đến an toàn, người dân an toàn, TP.HCM sẽ xây dựng bộ tiêu chí của 8 ngành là công thương, du lịch, y tế, giáo dục, xây dựng, lao động - xã hội... Nếu các doanh nghiệp bảo đảm các tiêu chí đó thì sẽ được đánh giá là sản xuất an toàn.

photo1630999914818-1630999916273388714476.jpg

Đồng thời, doanh nghiệp phải duy trì phương thức sản xuất “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”, Bộ tiêu chí này sẽ được triển khai thí điểm đến ngày 30/9 ở địa phương đã công bố kiểm soát được dịch, có thể mở rộng thêm ở Khu Chế xuất Tân Thuận và Khu Công nghệ cao.

Theo báo giáo dục thời đại, hiện dự thảo kế hoạch trên đã được trình lên Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM để có quyết định thông qua.

Theo kế hoạch, lộ trình từ ngày 16/9 - 31/10 và trở về sau nêu rõ: Từ ngày 16/9 - 30/9 là “giai đoạn thử nghiệm thí điểm” ở Quận 7, Củ Chi và Cần Giờ sau đó mở dần dần đến ngày 15/1/2022 sẽ chính thức mở cửa tất cả hoạt động kinh tế, giao thương của TP.HCM.

Riêng về hoạt động của shipper, từ ngày 16/9, TP.HCM sẽ cho lực lượng này hoạt động liên quận với điều kiện là phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch. TP.HCM tiếp tục hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho shipper.

Theo bản dự thảo của Bộ Y tế hướng dẫn TP.HCM và các địa phương muốn trở lại trạng thái bình thường mới cần đạt tiêu chí kiểm soát dịch, tỷ lệ giường ICU, tỷ lệ tiêm vaccine, mức độ nguy cơ. Theo đó lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới cần 4 bước.

Bước 1: Rà soát nguy cơ, tỷ lệ tiêm chủng và điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cấp xã, phường để phân loại thành bốn vùng: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ, bình thường mới.

Bước 2: Áp dụng biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 15 với khu vực đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động (đạt tỷ lệ tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi mũi 1 đạt dưới 60%; đủ liều dưới 20% và ở mức độ nguy cơ cao theo Quyết định 2686)

Các hoạt động ngoài trời được phép mở với số lượng người hạn chế ở những nơi/hoạt động có lây nhiễm thấp và cho phép các hoạt động ở trong nhà có kiểm soát. Những người đã tiêm vaccine, đặc biệt những khu vực có tỷ lệ tiêm cao, sẽ được ưu tiên khi tham gia giao thông và các hoạt động kinh tế, xã hội.

Bước 3: Áp dụng biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 19 với khu vực đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động (có tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi đạt từ 60-70% và 20% người trên 18 tiêu đủ liều vaccine và ở mức độ nguy cơ theo Quyết định 2686);

Ở bước này, các hoạt động ngoài trời và một số dịch vụ hoạt động trong nhà được phép mở thêm với số lượng người hạn chế, đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn; những người đã tiêm vaccine, đặc biệt những khu vực có tỷ lệ tiêm cao, sẽ được ưu tiên khi tham gia giao thông và các hoạt động kinh tế, xã hội.

Bước 4: Khi địa phương đạt các tiêu chí sau sẽ thực hiện các biện pháp phòng dịch, chống dịch ở trạng thái bình thường mới: Đủ tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động (có tỷ lệ tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi ít nhất 1 mũi đạt trên 70% và trên 20% người trên 18 tiêu đủ liều vaccine; ở mức bình thường mới theo Quyết định 2686).

HẢI MY