Đi

Người thành phố về lúc đó, là người thành phố của ngày nay, chăm chắm nhìn vào những ruộng lúa đang xanh mướt như nhìn vào những bất động sản sinh lời.

Tuy lai, người thành phố lại về

Người thành phố về, thỉnh thoảng về, như tình cũ giăng mắc, như ơn nghĩa nặng dày từ những lúc bần hàn, gian khó... thì vẫn có, tuy hiếm. Nhà anh Đức chẳng hạn, anh Trương Việt Khánh và chị Hải Đường vẫn là người nhà từ dạo sơ tán mấy mươi năm trước.

Không tính những trường hợp nhỏ lẻ ấy, ở đất Tuy Lai này, có một đợt người thành phố về, đúng nghĩa là tràn về, đã từ rất lâu, tính ra là 43 năm, nghĩa là chẳng mấy chốc nữa sẽ nửa thế kỷ. Sau sự kiện Vịnh bắc Bộ, Mỹ ném bom miền Bắc, một đàn trẻ con mấy chục đứa của báo Nhân Dân từ Hà Nội về đây sơ tán. Trại trẻ báo Nhân Dân, tên ngày xưa thế, với người lớn đi cùng để chăm sóc, đủ làm thành một làn sóng khuấy động cuộc sống của làng quê yên tĩnh, với hồ, với núi, với những dòng mương xanh trong. Nếu căn cứ vào "chiến tích" của các cô cậu nhóc thành phố xưa, giờ tóc đã đốm bạc, được thống kê lại một cách sơ lược và thiếu hụt chỉ trong một lần đi thăm, thì thấy những cuộc cưỡi trâu rong ruổi, bơi lội ao hồ đến suýt chết đuối, đánh nhau, đấu vật hay bán sống bán chết chạy trốn mấy con ngỗng sư tử..., đủ thấy dân làng ngày xưa, thời kỳ đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ, đã có những năm tháng khá ồn ào, bom đạn trên đầu đã đành, còn thêm những đứa trẻ nghịch ngợm vô cùng dưới đất.  Mà làng thì hiền lắm, bao nhiêu năm rồi làng vẫn hiền như thế, những ngõ nhỏ không bóng người, những bức tường đá ong thấp lè tè, người ở đây chắc chắn sống yên bình, chẳng phải lo lắng nhiều tệ nạn xã hội, chẳng cần mảnh chai hay dây thép gai, xóm làng sạch sẽ, không thấy bóng dáng kim tiêm hay lảo đảo vài cậu nghiện, như dễ thấy bây giờ ở mọi làng xã khác. Một không khí an lành bao trùm lên tất cả đường làng, trong dáng những bà cụ thong dong ngồi ăn trầu ở thềm nhà, những đứa trẻ chơi nghịch cạnh đê. Con đê đất mềm mại xanh mướt cỏ. Đồng lúa cũng mướt xanh. Và quan trọng hơn tất cả, người thì vẫn hồn hậu thân thiết. 43 năm vẫn hồn hậu thân thiết, như thể năm tháng, thời buổi kinh tế thị trường hay những biến động xã hội khác không len vào được ngôi làng bé nhỏ này. Những người già vẫn nhớ những đứa trẻ xưa đã từng ở trong nhà mình. Những đứa trẻ ngày xưa cùng lứa, nay đã nên ông nên bà, cũng chẳng thấy có gì cách xa, với người thành phố.  Nhưng đấy là người thành phố của 43 năm trước, là những đứa trẻ vẫn muốn lưu giữ ký ức và kỷ niệm, của những nghĩa tình, dẫu thời gian và cuộc sống bận rộn có làm phôi pha ít nhiều nhưng không mất hẳn cùng năm tháng.  Người thành phố về sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, tạm gọi thế, mãi mãi vẫn thế, là người của ngày xưa.  Tôi sợ, sau sự kiện sáp nhập cả tỉnh Hà Tây với Hà Nội, người thành phố lại về đây. Người thành phố về lúc đó, là người thành phố của ngày nay, chăm chắm nhìn vào những ruộng lúa đang xanh mướt như nhìn vào những bất động sản sinh lời. Đất canh tác của Hà Tây đang được rao bán với giá như hoang tưởng, ở Tuy Lai này cũng thế, đang là 80 triệu một sào Bắc Bộ - số tiền quá lớn với người nông dân, những người chẳng có gì hơn là đất. Cái vùng đất đẹp như mơ này lại còn là nơi hứa hẹn tiềm năng du lịch, nghĩa là chẳng khó khăn gì để dăm năm nữa, nhà hàng khách sạn đua nhau mọc lên, những resort, những biệt thự lai Tây, những chung cư cao tầng bê tông ngất ngưởng sẽ mọc lên không kìm hãm được...  Tôi chỉ muốn nấn ná lại bên những ngõ nhỏ yên bình, những bức tường đá ong thân thiện, bởi biết chúng - trông chân chất thô ráp thế, lại là thứ quá mỏng mảnh trước tương lai. Một tương lai người thành phố về!

 Hà Phạm

Phạm Thanh Hà