Diễn viên da đỏ vượt lên sự kì thị và bạo hành từ chính cha ruột, từ chối tượng vàng Oscar

Cô gái trẻ 26 tuổi khi đó đã từ chối bức tượng Oscar danh giá của nam diễn viên Marlon Brand.

Lễ trao giải Oscar năm 1973 được coi là dấu mốc lịch sử khi Sacheen Littlefeather - một người Mỹ bản địa - đã thay mặt nam tài tử Marlon Brando lên phát biểu về vấn đề xã hội phân biệt chủng tộc. Sự kiện này đã gây ra nhiều xôn xao và phải đến gần 50 năm sau, Littlefeather mới nhận được lời xin lỗi thích đáng.

Sacheen Littlefeather từ chối giải thưởng danh giá của Marlon Brandon tại lễ Oscar năm 1973. Ảnh: Bettmann Archive/People.
Sacheen Littlefeather từ chối giải thưởng danh giá của Marlon Brandon tại lễ Oscar năm 1973. Ảnh: Bettmann Archive/People.

Tại buổi lễ trao giải Oscar lần thứ 45 ngày 27/3/1973, Sacheen Littlefeather đã gây chấn động thế giới với bài phát biểu chỉ vỏn vẹn trong một phút. Cô gái trẻ 26 tuổi khi đó đã từ chối bức tượng Oscar danh giá của nam diễn viên Marlon Brando, không ngần ngại lên án nạn phân biệt chủng tộc của người da trắng nói chung, ngành công nghiệp điện ảnh nói riêng.  

Sau đó, sự nghiệp của Littlefeather gặp nhiều sóng gió, và vốn dĩ cuộc sống của bà từ nhỏ cũng đã có nhiều khó khăn chỉ vì mang dòng máu người da đỏ.

Tuổi thơ u ám

Littlefeather có bố là người Mỹ bản địa, mang dòng máu của hai bộ tộc Apache và Yaqui, mẹ là người da trắng. Hai người buộc phải rời khỏi tiểu bang Arizona (Mỹ), nơi các cặp vợ chồng đa chủng tộc vẫn bị coi là bất hợp pháp, và chuyển đến Salinas, California.

Từ nhỏ, Littlefeather đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. “Bố mẹ tôi bị bệnh tâm thần. Tôi không được chăm sóc tử tế, thường xuyên bị lạm dụng và bỏ rơi”, bà chia sẻ.

Cô con gái nhỏ đã từng chứng kiến bố bạo hành mẹ, phải chạy trốn khỏi người bố đang cố tình lái xe đuổi theo và đâm vào mình. Littlefeather nhắc lại khoảnh khắc đó: “Tôi nghĩ đó là lúc tôi thực sự trở thành một “nhà hoạt động”. Tôi vội vã trèo lên một cái cây, hơn nữa trời đã tối nên bố không thể tìm thấy tôi. Trên cành cây, tôi đã khóc cho đến khi ngủ thiếp đi”.

Khi đi học tại trường Công giáo dành cho người da trắng, Littlefeather cũng bị bạn bè phân biệt chủng tộc, bắt nạt bởi biệt danh kinh khủng như “mọi đen”. Trong một lần được đến thăm nhà thờ Công giáo La Mã, cô bé 12 tuổi đã tận mắt thấy bảo tàng trưng bày xương của một người Mỹ bản địa.

Littlefeather kinh hoàng tìm đến vị linh mục: “Tôi nói rằng Chúa sẽ không tha thứ cho việc này, nhưng ông ấy lại gọi tôi là kẻ dị giáo. Khi đó, tôi không hiểu linh mục đã bảo gì”.

Littlefeather trong một cuộc vận động trên phố San Francisco. Ảnh: Kim Komenich/The LIFE Images Collection/Getty Images.
Littlefeather trong một cuộc vận động trên phố San Francisco. Ảnh: Kim Komenich/The LIFE Images Collection/Getty Images.

Lớn lên một chút, cô thiếu niên bị suy nhược, phải nằm viện một năm, thậm chí từng cố gắng tự tử. Littlefeather chia sẻ: “Tôi đã rất đau khổ và mơ hồ về bản thân mình. Thân phận mà tôi đang mang cũng chính là nỗi đau của tôi”.

Thời thơ ấu của Littlefeather cũng là thời điểm Mỹ thực hiện chiến dịch “biến người da đỏ thành người da trắng”. Littlefeather cho biết đây là tác nhân khiến nhiều người da đỏ dẫm chân vào tệ nạn như tự tử, nghiện rượu bia, đi tù.

Bước đột phá tuổi trẻ

Cuối những năm 1960, đầu 1970, người Mỹ bản địa bắt đầu đứng lên đấu tranh.

Sau khi bố qua đời năm cô 17 tuổi, Littlefeather bắt đầu chuyến hành trình đến thăm các biệt khu ở Arizona, New Mexico và California, cũng đặt chân đến đảo Alcatraz khi nơi này bị các nhà hoạt động người Mỹ chiếm đóng. Cô gái trẻ đã dành thời gian đi khắp đất nước, tham gia nhiều buổi cắm trại và lễ hội, học hỏi thêm về các phong tục truyền thống, nhảy múa, may vá.

Littlefeather chia sẻ: “Đó là những bước đột phá lớn trong cuộc đời tôi, được cùng nhiều người khác tìm lại về cội nguồn quê hương. Những người ở thế hệ trước tại biệt khu đã chỉ dẫn, truyền đạt lại cho chúng tôi rất nhiều về nét đẹp của người bản địa. Thật tuyệt vời khi lại có thể là một người da đỏ”.

   Khi bắt đầu trưởng thành, Sacheen Littlefeather tìm thấy nhiều niềm vui từ những hoạt động, cuộc gặp gỡ với người da đỏ. Ảnh: Etienne Montes/Gamma-Rapho/Getty Images.

 Khi bắt đầu trưởng thành, Sacheen Littlefeather tìm thấy nhiều niềm vui từ những hoạt động, cuộc gặp gỡ với người da đỏ. Ảnh: Etienne Montes/Gamma-Rapho/Getty Images.

Sang tuổi 20, Littlefeather bận rộn với công việc là giám đốc dịch vụ công cộng tại một đài phát thanh ở San Francisco, người đứng đầu ủy ban hành động của người Mỹ bản địa.

Thời điểm đó, có nhiều người nổi tiếng bày tỏ sự quan tâm đến các vấn đề của người da đỏ, song cũng có vài người chỉ thể hiện bản thân vì tư lợi. Do vậy, khi nghe đến cái tên Marlon Brando cùng những gì anh đã làm, cô đã liên lạc luôn cho Brando để xác minh. Nhiều tháng sau, cô mới nhận được cuộc gọi hồi âm. Từ đó trở đi, hai người thường xuyên trò chuyện, gặp mặt nhau hơn.

Gây tranh cãi với sự kiện lịch sử 

Ba ngày trước khi lễ trao giải Oscar diễn ra, Marlon Brando gọi điện cho Littlefeather, ngỏ ý mong muốn cô đến tham dự buổi lễ thay mặt anh.

Khoảng 30 phút trước thời khắc mà đáng ra Brando được nhận giải thưởng Oscar cho vai chính trong bộ phim Bố già, Littlefeather vẫn đang chờ nam tài tử hoàn thành nốt bài phát biểu 8 trang tại nhà của anh ấy. Cùng với trợ lý của Marlon Brando, nhà vận động người Mỹ có mặt tại buổi lễ chỉ vài phút trước khi giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất được công bố.

Đối diện với 8 trang giấy của Brando, nhà sản xuất chương trình Howard Koch nhấn mạnh rằng cô sẽ chỉ có 60 giây để phát biểu thay cho nam tài tử.

“Khoảnh khắc thông báo Brando thắng giải diễn ra quá nhanh. Tôi đã hứa với Brando rằng nếu anh ấy được trao tặng bức tượng danh giá, tôi sẽ không chạm vào nó. Tôi cũng đã hứa với Howard bài phát biểu sẽ không kéo dài quá 60 giây”, nhà vận động người Mỹ cho biết.

Cuối cùng, bài phát biểu là sự kết hợp giữa tài ứng biến và hai lời hứa quan trọng của cô gái trẻ. “Xin chào, tôi là Sacheen Littlefeather, người của bộ tộc Apache. Hiện tôi đang là chủ tịch Ủy ban Quốc gia bảo vệ hình tượng người Mỹ bản địa”.

“Thay mặt Marlon Brando tối nay, tôi xin gửi lời xin lỗi vì anh ấy đã không tham gia được buổi lễ Sự hiện diện của tôi lúc này là để phản đối việc ngành công nghiệp phim phân biệt đối xử cộng đồng người da đỏ”, Littlefeather 26 tuổi chia sẻ.

Nhiều người vỗ tay cho sự gan dạ của cô gái người Mỹ bản địa, cũng có nhiều người la ó mỉa mai. Littlefeather cho biết khoảnh khắc đó, nam diễn viên John Wayne thậm chí còn cố kéo bà xuống sân khấu nhưng đã bị 6 người đàn ông ngăn chặn.

Sau sự kiện lịch sử Oscar 1973, Littlefeather trở thành người thất nghiệp: “Tôi chính thức nghỉ hưu với tư cách là người từ chối giải thưởng của Viện Hàn lâm”. 

“Tôi đến buổi lễ với mong muốn mình có thể tạo ra sự khác biệt”, nhà vận động nhấn mạnh việc bài phát biểu 1 phút đã khiến sự nghiệp của mình bị sụp đổ. “Tôi thật ngây thơ khi đề cập với mọi người về sự áp bức. Họ cho rằng tôi đang phá hỏng buổi tối hôm đó”.

Viện Hàn lâm sau đó đã không cho phép việc ủy quyền người khác lên nhận giải thay, chính phủ liên bang cũng đã đe dọa cấm phát sóng tất cả chương trình nào có sự góp mặt của Littlefeather.

Bà cũng chia sẻ bản thân đã nằm trong danh sách đen khi bị Cục điều tra liên ban (FBI) “tẩy chay”: “Họ yêu cầu vũ trụ điện ảnh Hollywood không thuê tôi, nếu không họ sẽ phá hủy quá trình sản xuất phim”. Được biết, trước đây Littlefeather đã có vài vai diễn nhỏ trong một số bộ phim như Freebie and the Bean, The Trial of Billy Jack.

Lời xin lỗi muộn màng từ Viện Hàn lâm

Ba năm sau, sức khỏe Littlefeather trở nặng do ảnh hưởng của căn bệnh lao phổi hồi nhỏ. Từ đó, cô gái học hỏi thêm và đạt được bằng cấp về sức khỏe và dinh dưỡng. Kết hợp kiến thức của mình với y học cổ truyền, cô trở thành nhà tư vấn sức khỏe cho cộng đồng người Mỹ bản địa trên khắp đất nước.

Ngoài ra, Littlefeather cũng là một trong những người truyền đạt, hướng dẫn cho thế hệ người da đỏ trẻ tuổi thêm nhiều kiến thức.

Tháng 8/2022, sau gần 50 năm bị “tẩy chay”, Littlefeather nhận được lời xin lỗi công khai của Viện Hàn lâm. Chủ tịch Viện Hàn lâm cho biết: “Những gì bà phải chịu đựng sau bài phát biểu năm đó là vô lý và không chính đáng. Không gì có thể bù đắp được những khó khăn, áp bức mà bà đã trải qua trong ngành công nghiệp điện ảnh. Thật tiếc khi sự dũng cảm này vẫn chưa được công nhận sau ngần ấy thời gian. Chúng tôi xin gửi tới bà lời xin lỗi sâu sắc cũng như sự ngưỡng mộ chân thành nhất”.

Đáp lại động thái này, Littlefeather hài hước chia sẻ: “Mới chỉ có 50 năm thôi mà, người da đỏ chúng tôi rất kiên nhẫn đấy. Không bao giờ là quá muộn để xin lỗi, và cũng không bao giờ là quá muộn để tha thứ”. Đối với người phụ nữ 75 tuổi, lời xin lỗi muộn màng này chính là “giấc mơ thành hiện thực”.

Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau, Littlefeather đã mãi ra đi. Nguyên nhân cái chết không được tiết lộ, song theo nhiều nguồn tin, bà đã phải chống chọi với căn bệnh ung thư vú di căn.

Trong những lần cuối được phỏng vấn, Littlefeather chia sẻ về sự kiện Oscar năm 1973: “Với tư cách là một người da đỏ, tôi đã lên tiếng cho cả cộng đồng người Mỹ bản địa. Tôi phải nói lên sự thật cho dù có được chấp nhận hay không”, theo San Francisco Chronicle.

(HƯƠNG GIANG: T/H)

Biển số ô tô, xe máy sẽ được quản lý theo mã định danh

Biển số ô tô, xe máy sẽ được quản lý theo mã định danh

Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới, thay thế Thông tư số 58/2020/TT-BCA.