Đổ bê tông vào miệng siêu núi lửa để ngăn phun trào: Giải pháp khả thi hay ý tưởng điên rồ?

Chứng kiến nhiều vụ phun trào núi lửa gây ra nhiều thiệt hại, nhiều người đã đề xuất ý tưởng đổ bê tông lấp đầy miệng núi lửa để ngăn phun trào.

Núi lửa là một vết đứt gãy trên lớp vỏ của một hành tinh, như là Trái đất cho phép dung nham, tro núi lửa, và khí thoát ra từ một lò magma ở dưới bề mặt. Núi lửa trên Trái đất xảy ra vì lớp vỏ của nó được chia thành 7 mảng kiến tạo lớn, cứng rắn nổi trên lớp phủ nóng hơn và mềm hơn. Do đó, trên Trái đất, núi lửa thường xuất hiện những ranh giới giữa các mảng kiến tạo, và hầu hết là ở dưới nước. Núi lửa cũng có thể hình thành nơi các mảng kiến tạo kéo dài và mỏng đi, ví dụ như ở đới tách giãn Đông Phi hay cánh đồng núi lửa Wells Gray-Clearwater và đới tách giãn Rio Grande tại Bắc Mỹ.

Núi lửa phun trào có thể tạo nên nhiều mối nguy hiểm, không chỉ trong khu vực lân cận của vụ phun trào. Một mối đe dọa là tro núi lửa, ảnh hưởng xấu đến máy bay, đặc biệt là những loại có động cơ phản lực, có thể làm nóng chảy những hạt tro, sau đó tro nóng chảy sẽ dính vào cánh tua bin và thay đổi hình dạng, làm hỏng tua bin. Những vụ phun trào lớn có thể thay đổi nhiệt độ bởi tro và những giọt axit sulfuric che mờ mặt trời và làm tầng khí quyển thấp (tầng đối lưu); tuy nhiên, chúng cũng hấp thụ nhiệt lượng tỏa ra từ Trái đất, làm ấm lớp khí quyển cao hơn (tầng bình lưu). Trong quá khứ, mùa đông núi lửa đã gây ra những nạn đói trên diện rộng.

Chứng kiến nhiều vụ phun trào núi lửa gây ra nhiều thiệt hại về hạ tầng và con người, nhiều người dùng mạng xã hội Twitter, Facebook và Reddit đã đề ra một ý tưởng độc lạ nhưng không kém phần táo bạo: Đổ bê tông lấp đầy miệng núi lửa để ngăn nó phun trào. Tất nhiên, điều này cũng đặt ra câu hỏi về việc, liệu nó có thật sự khả thi xét về mặt khoa học?

Sẽ cần tới một lượng lớn bê tông để lấp đầy một miệng núi lửa chứa đầy dung nham bên trong.
Sẽ cần tới một lượng lớn bê tông để lấp đầy một miệng núi lửa chứa đầy dung nham bên trong.

Có thể dùng bê tông để lấp đầy miệng núi lửa hay không?

Trước hết, bê tông là một loại vật liệu hoàn toàn không phù hợp, nếu không muốn nói là tệ hại để sử dụng trong kế hoạch lấp đầy miệng núi lửa sắp phun trào. Theo đó, bê tông có điểm nóng chảy khoảng 1.500 độ C (2.700 độ F), trong khi dung nham đạt tới nhiệt độ là 871 độ C (1.600 độ F). Trên lý thuyết, nếu đổ lượng bêtông đủ nhiều vào miệng phun, chúng ta có thể bịt kín được núi lửa. Trên thực tế, đây hoàn toàn không phải là một giải pháp tốt. Nói cách khác, có thể coi đây là một ý tưởng tồi tệ nếu xét đến cách thức hoạt động của núi lửa.

Các vụ phun trào xảy ra khi có sự tích tụ áp suất bên dưới bề mặt Trái đất. Khi magma mỏng và lỏng, các loại khí gas có thể thoát ra khỏi nó dễ dàng. Song song đó, magma cũng sẽ chảy ra từ núi lửa một cách “nhẹ nhàng”. Mặc dù magma tiến về phía các khu dân cư đông người không phải là điều lý tưởng, nhưng ít nhất nó cũng di chuyển chậm và khó có thể giết chết một ai đó.Trong khi đó, những vụ phun trào mang tính bùng nổ của núi lửa mới gây ra sự nguy hiểm.

"Nếu magma đặc và dính, khí gas không thể thoát ra một cách dễ dàng", Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) giải thích trên trang web của miình, đưa ra ví dụ về núi lửa St Helens tại tiểu bang Washington, Mỹ. 

Áp suất trong lòng núi lửa sẽ tăng lên cho đến khi khí gas thoát ra một cách dữ dội và phát nổ, khiến các vụ phun trào núi lửa bùng nổ có thể nguy hiểm và gây chết người. Chúng có thể phun ra những ‘đám mây’ chứa đầy mảnh vụn núi nóng bỏng từ bên cạnh hoặc trên đỉnh núi lửa, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết thêm. Những đám mây rực lửa này lao xuống sườn núi và phá hủy hầu hết mọi thứ trên đường đi của chúng. Điều này nghĩa là việc đổ bê tông để lấp đầy miệng núi lửa không khác gì việc ‘thêm dầu vào lửa’, vốn khiến độ hủy diệt của thảm họa phun trào tăng lên bội phần.

  Các nhà khoa học cho rằng việc lấp đầy núi lửa bằng bê tông là một ý tưởng tồi tệ

Các nhà khoa học cho rằng việc lấp đầy núi lửa bằng bê tông là một ý tưởng tồi tệ

Cụ thể, nếu chúng ta chặn miệng phun nham thạch bằng cách đổ một lượng bê tông khổng lồ vào đó, chính chúng ta đang tước đi khả năng thoát khí tự nhiên của núi lửa, vốn khiến áp suất giảm bớt. Kết quả, một ngọn núi lửa đang phun trào một cách ‘chậm rãi’ và khá…yên bình, bỗng nhiên trở nên bùng nổ với áp lực khủng khiếp do miệng phun nham thạch bị lấp kín bởi hành động đổ bê tông. Những ngọn núi lửa như núi St Helens sẽ bùng nổ với áp suất rất lớn, khiến bê tông được thêm vào trở thành mối nguy hiểm cho sức khỏe vì nó dễ dàng bị phân tán ra xung quanh.

Bản thân bụi sinh ra từ bê tông sẽ dẫn đến các bệnh phổi và ung thư gây tử vong cho con người nếu hít phải, theo kênh YouTube What If. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bê tông không có ích gì trong các vụ phun trào núi lửa. Chẳng hạn, một cách sử dụng bê tông tốt hơn đã được sử dụng trong một vụ phun trào của núi lửa Etna – một trong 3 núi lửa lớn nhất tại Ý, đó là chuyển hướng dung nham ra khỏi khu vực đông dân cư bằng cách sử dụng các khối bê tông.

Mặc dù chúng ta không chắc các khối bê tông này có hoạt động được với một vụ nổ lớn hơn hay không, nhưng bạn có thể yên tâm khi biết rằng ít nhất bạn đã không khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn đáng kể.

Anh Việt