Doanh nghiệp nhầm gạo nếp với gạo tẻ, Hải quan thừa hạn ngạch tháng 4 hơn 38.000 tấn

Tổng cục Hải quan có văn bản hỏa tốc gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cục hải quan các tỉnh, thành phố xử lý lượng hạn ngạch được hồi lại của tháng 4/2020.

Qua thống kê trên hệ thống của cơ quan hải quan, 38.642,56 tấn gạo nếp đã đăng ký tờ khai hải quan được cộng trở lại số lượng hạn ngạch 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020.

Tổng cục Hải quan thiết lập trên Hệ thống VNACCS/VCIS để các doanh nghiệp thực hiện đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu các lô hàng gạo trong số hạn ngạch được hồi lại của tháng 4/2020 từ 0h ngày 26/4/2020 theo các nguyên tắc quản lý hạn ngạch quy định tại Điều 2 Quyết định 1106/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố thông báo đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn để thực hiện.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, qua rà soát hệ thống hải quan về hoạt động mở tờ khai xuất khẩu gạo theo hạn ngạch của Chính phủ 400.000 tấn được mở ngày 12/4, cơ quan này phát hiện có hơn 38.000 tấn gạo nếp xuất khẩu được các doanh nghiệp mở tờ khai chung với gạo tẻ.

Trong khi đó, gạo nếp xuất khẩu hiện không có hạn ngạch, xuất khẩu bình thường, chính vì vậy, số lượng gạo nếp nằm trong hạn ngạch sẽ được đưa ra dành hạn ngạch cho gạo tẻ. Số tờ khai và phần gạo nếp đã đăng ký vào hạn ngạch xuất khẩu nhường chỗ cho gạo tẻ xuất khẩu.

Trước đó, các bộ, ngành liên quan đã trao đổi qua lại với nhau về vấn đề gạo nếp có nằm trong diện mua dự trữ, an ninh lương thực hay không? Quyết định sau đó là gạo nếp được phép xuất khẩu bình thường, không chịu hạn ngạch.

Việc nhầm lẫn trên do gạo nếp, gạo tẻ có chung mã HS của hải quan.

Một thông tin đáng chú ý là 0h sáng nay (25/4), Tổng cục Hải quan đã mở tờ khai xuất khẩu cho doanh nghiệp có gạo tồn tại cảng do lệnh cấm trước đó và do doanh nghiệp không đăng ký được tờ khai xuất khẩu ngày 12/4.

Trước đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Hiệp hội lương thực Việt Nam đều có đơn kêu cứu gửi Chính phủ về tình trạng doanh nghiệp có gạo tại cảng nhưng không mở được tờ khai xuất khẩu, khiến hàng tồn tại cảng, phát sinh chi phí, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

P.V (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương