Theo Bộ TT&TT, 6 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 74.473 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và đạt 53% kế hoạch năm 2023, nộp ngân sách ước đạt 19.338 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ.
Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt doanh thu 81.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 24.100 tỷ đồng, nộp ngân sách 21.600 tỷ đồng. Năm 2023, Viettel đặt mục tiêu doanh thu 174.500 tỷ đồng, 45.100 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, tập đoàn đã hoàn thành 46% kế hoạch doanh thu, 53% chỉ tiêu về lợi nhuận.
Theo Bộ TT&TT, nửa đầu năm nay, Viettel tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về thị phần thuê bao di động với 53,8%. Đồng thời, Viettel tích cực chuyển dịch thuê bao 2G, 3G lên 4G, nâng tỷ lệ thuê bao 4G trên tổng số thuê bao đạt 78% và thử nghiệm dịch vụ 5G tại 55 tỉnh, thành phố.
Dịch vụ viễn thông nước ngoài của Viettel tăng trưởng trên 20%, trong đó 5 thị trường tiếp tục giữ vững vị trí số 1 là Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor và Burundi. Trong 6 tháng cuối năm, Viettel đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 93.500 tỷ đồng và lợi nhuận 21.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 16.500 tỷ đồng.
Đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), 6 tháng đầu năm, doanh thu ước đạt 26.323 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu công ty mẹ khoảng 18.600 tỷ đồng, hoàn thành 47% kế hoạch năm, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VNPT là 2.196 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ chiếm 1.386 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong 6 tháng cuối năm, VNPT dự kiến đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ di động, giữ vững đà tăng trưởng dịch vụ băng rộng cố định và triển khai kinh doanh hiệu quả dịch vụ số.
Về Tổng công ty Viễn thông MobiFone, doanh thu công ty mẹ ước đạt 13.482 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm 11% so với cùng lỳ, lợi nhuận trước thuế là 1.566 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.
Ngoài 3 nhà mạng lớn, Bộ TT&TT cũng cập nhật kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp khác trong ngành như Vietnamobile, Đông Dương Telecom (I-Telecom), Hanoi Telecom.
Về Công ty CP Viễn thông Di động Vietnamobile, điểm nhấn nổi bật của nhà mạng này là miễn phí thoại (nội mạng) cho toàn bộ khách hàng và ra mắt nhiều sản phẩm mới. Nhờ thế, doanh thu tăng nhẹ so với cùng kỳ (0,2%) lên 772 tỷ đồng.
Đối với I-Telecom, doanh thu ước đạt 275 tỷ đồng. Trong thời gian tới, nhà mạng này dự định thu hút thêm khách hàng cho các dịch vụ viễn thông cố định, đồng thời hợp tác với các đối tác giải trí, tài chính, sàn thương mại, games… để đa dạng hóa trải nghiệm khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông di động.
Liên quan đến hoạt động viễn thông, báo cáo của Bộ TT&TT, cho hay đã triển khai đấu giá băng tần 2,3 GHz.
Cụ thể, tháng 2/2023, Bộ phê duyệt mức thu cơ sở và phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2300-2400 (dải băng tần có thể triển khai mạng và dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ IMT-Advanced (4G) hoặc IMT-2020 (5G), đã ban hành và thông báo công khai về phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số đối với băng tần 2300MHz.
Bộ TT&TT cho biết, đã có bốn doanh nghiệp viễn thông nộp hồ sơ và được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá (gồm VNPT, Viettel, MobiFone và Vietnamobile).
Trong tháng 5 và tháng 6/2023, Bộ đã tổ chức đấu giá không thành đối với băng tần 2300 MHz, 11 gồm 3 khối băng tần A1 (2300-2330 MHz), A2 (2330-2360 MHz), A3 (2360- 2390 MHz) do đã hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của từng khối A1, A2, A3 nhưng không có doanh nghiệp nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá.
(Tổng hợp)