"Độc chiêu" du lịch không phải ai cũng biết để tiết kiệm tiền, không được hoan nghênh nhưng nhiều người bất chấp

Tận dụng kẽ hở của các hãng bay, nhiều hành khách đã sử dụng một "độc chiêu" để tiết kiệm chi phí di chuyển.

Đại dịch Covid-19 kết thúc, các hãng bay mở cửa, nhưng giá vé lại đắt đỏ do nhu cầu đi lại, đặc biệt là du lịch tăng cao. Trong bối cảnh đó, các hành khách tìm mọi cách để có thể tiết kiệm tiền.

"Cái khó ló cái khôn", tận dụng kẽ hở của các hãng bay, người ta đã sử dụng một "độc chiêu" đó là "Skiplagging" hay gọi một cách dễ hiểu đó là "Bỏ dở chuyến bay".

Skiplagging là gì?

Skiplagging là một hình thức tiết kiệm giá vé một cách "không chính thống", được thực hiện bằng việc lựa chọn những chuyến bay quá cảnh trong đó điểm quá cảnh chính là điểm mà hành khách muốn đến chứ không phải là điểm cuối cùng của chuyến bay.

Một số du khách bỏ qua chặng tiếp theo của hành trình như một cách tiết kiệm chi phí.
Một số du khách bỏ qua chặng tiếp theo của hành trình như một cách tiết kiệm chi phí.

Hầu hết các hãng hàng không sẽ tính phí chuyến bay có quá cảnh (tức là có nhiều điểm hạ cánh) rẻ hơn các chuyến bay thẳng thông thường. Ví dụ, một chuyến bay thẳng từ Minneapolis đến Miami có giá 500 USD, nhưng một chuyến bay từ Minneapolis đến Jacksonville (Florida), với điểm quá cảnh ở Miami thì chỉ mất 350 USD.

Lúc này, người ta có thể sử dụng "thủ thuật" skiplagging để đến Miami bằng cách mua vé của chuyến bay Minneapolis – Jacksonville, khi máy bay quá cảnh tại Miami họ sẽ xuống và rời sân bay, bỏ dở chuyến bay trong quãng đường còn lại.

Tuy nhiên, skiplagging chỉ áp dụng được khi hành khách không có hành lý kí gửi vì hành lý ký gửi sẽ được trả lại ở điểm đến cuối cùng của chuyến bay chứ không phải điểm quá cảnh.

"Bí kíp" tiết kiệm được sử dụng rộng rãiVề mặt lợi ích, các hãng hàng không không hề thích chiến thuật này, còn các hành khách có thể sẽ phải đối mặt với các hình phạt từ các hãng bay.

Tuy nhiên, trong thời kỳ vật giá leo thang thì một số người vẫn sẵn sàng đánh cược.

Như trường hợp của Amanda (đã được đổi tên), một phụ nữ làm việc trong lĩnh vực tiếp thị ở Texas, là một ví dụ.

Hành vi
Hành vi "bỏ dở chuyến bay" đã xuất hiện từ lâu, nhưng thuật ngữ này đã thu hút được sự chú ý trong thập kỷ qua.

Do tính chất công việc nên Amanda thường xuyên phải di chuyển bằng máy bay. Mặc dù trước đây cô vẫn lựa chọn các hình thức bay thông thường và tiết kiệm giá vé bằng cách săn vé giảm giá. Tuy nhiên khi trào lưu ''skiplagging'' được truyền tai nhau rộng rãi, Amanda cũng đã áp dụng nó, một cách thường xuyên.

Amanda cho biết cô đã áp dụng skiplagging trong khoảng 10 chuyến bay của mình trong vài năm qua và ước tính cô đã tiết kiệm được khoảng từ 3.000 đến 4.000 USD.

"Tôi nhớ tôi đã bắt đầu biết đến cách săn vé giá rẻ này khoảng hai năm trước, bạn biết đấy, sau trận đại dịch mọi thứ đều khó khăn. Năm 2021, các công ty bắt đầu đẩy giá vé nhưng bằng cách làm này, tôi đã phải chi trả ít hơn chi phí đi lại của mình", Amanda nói.

Amanda cũng cho biết cô thường áp dụng skiplagging trên các chuyến bay quốc tế. Nhưng câu hỏi đặt ra là mặc dù cho đến hiện tại, các hãng hàng không dường như vẫn chưa phát hiện ra cách làm của Amanda.

Nhưng liệu cô có lo lắng về việc sẽ bị xử phạt hay không?

"Tôi hy vọng là không vì nó giúp ích cho tôi rất nhiều", Amanda trả lời. "Tôi dự định sẽ vẫn áp dụng chiến thuật này vào các chuyến bay quốc tế sắp tới. Skiplagging không phải là tội hình sự".

Mặc dù rõ ràng skiplagging là một hình thức mang tính "lách" quy định của các hãng hàng không và rõ ràng gây ra thiệt hại về mặt kinh tế của các hãng hàng không. Thế nhưng, phải rõ ràng, skiplagging không phải là tội hình sự.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Scott Keyes, người sáng lập trang web du lịch Going cho biết: "Bạn sẽ không phải vào tù".

"Đó đơn thuần là việc bên B (hành khách) đi ngược lại một số điều khoản trong hợp đồng vận chuyển với bên A (hãng bay), điều này có nghĩa skiplagging được xem là hành vi vi phạm các điều khoản và điều kiện mà hành khách đồng ý khi mua chuyến bay của mình".

Mặc dù các hãng bay không thể buộc tội những người vi phạm, Keyes cho biết họ có thể cố gắng trừng phạt những người này – đặc biệt là những người cố ý tái phạm – bằng một số biện pháp cứng rắn như hạn chế số km bay của khách hàng thường xuyên hoặc thậm chí là cấm bay.

Skiplagging không phải là hình thức mớiPhil Dengler, đồng sáng lập trang web tư vấn du lịch trực tuyến The Vacationer, trong một cuộc phỏng vấn qua email với CNN, cho biết: "Trên thực tế, các đại lý du lịch đã sử dụng nó như một công cụ để tiết kiệm tiền cho khách hàng trong nhiều năm".

Hành khách có thể chưa biết đến khái niệm này nhưng trang web Skiplagged.com đã nâng cao nhận thức về nó trong thập kỷ qua.

Kathleen Bangs, một cựu phi công của hãng hàng không và là người phát ngôn của FlightAware (một tiện ích công nghệ miễn phí cho phép theo dõi các chuyến bay trên toàn thế giới), cho biết "điều này có thể được coi là hiện tượng bóng ma trên chuyến bay. Bởi vì hãng vận chuyển mong đợi hành khách sẽ ngồi trên ghế mà họ đã mua một cách trọn vẹn, nhưng họ lại bất ngờ biến mất".

Skiplagging – Kẻ thù của các hãng bayCác hãng hàng không đương nhiên là không hề thích việc làm này. Dengler đã đưa ra một vài lý do.

"Thứ nhất, các hãng hàng không không thích skiplagging vì điều đó khiến họ thất thoát một khoản tiền. Các chuyến bay nối chuyến thường rẻ hơn các chuyến bay thẳng vì các hãng hàng không có mức giá trần thấp hơn cho các chuyến bay này" ông nói.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

"Việc hành khách bỏ qua chặng cuối làm chuyến bay sẽ có một ghế trống, ghế này lẽ ra hãng có thể bán với giá cao hơn cho những người muốn bay thẳng. Mặc dù máy bay sẽ nhẹ hơn một chút nhưng các tính toán cho thấy bất kỳ khoản tiết kiệm nhiên liệu nào cũng sẽ không bù đắp được số tiền bán vé bị mất".

"Ngoài ra, do bạn đã đăng ký tên mình trên chuyến bay nên hãng sẽ phải mất thời gian cho việc điểm danh trước giờ bay sau quá cảnh, do đó sẽ làm trì hoãn giờ bay. Điều này có nghĩa là bên cạnh việc tổn thất về tiền, skiplagging còn tạo thêm căng thẳng cho các nhân viên của hãng bay"

CNN Travel đã liên hệ với bảy hãng hàng không lớn để khảo sát ý kiến của họ về skiplagging bao gồm: American, Delta, United – 3 hãng hàng không Hoa Kỳ, Air Canada, British Airways, Emirates (Dubai) và Lufthansa (Đức).

Trong đó, Air Canada, Delta và United đã phản hồi và chỉ ra việc sử dụng skipplagging đang vi phạm hợp đồng vận chuyển như thế nào. Emirates không có bình luận nào, British Airways và Lufthansa cũng không phản hồi.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải Mỹ, cơ quan luôn vận động cho quyền lợi của hành khách sau các cuộc khủng hoảng hủy chuyến trong những năm gần đây, đã không đề cập cụ thể đến skiplagging khi được yêu cầu bình luận, mà chỉ nói rõ: "Như chúng tôi đã thể hiện thông qua các nỗ lực thực thi, nâng cao nhận thức cộng đồng. Các hành động pháp lý, bảo vệ người tiêu dùng là một trong những ưu tiên cao nhất của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra các lĩnh vực quan ngại và phản hồi theo đúng quy định".

Keyes cho biết mặc dù có thể đưa ra các hình phạt nhưng thực tế cho thấy các hãng hàng chưa có một hành động cân bằng nào để có thể giải quyết vấn đề này.

Họ lo lắng nếu họ nếu họ quyết liệt ngăn chặn và áp dụng biện pháp với skiplagging thì mọi thứ sẽ trở nên ầm ĩ, lúc này có thể gây tác dụng ngược và khiến nhiều người biết đến cách làm này, như vậy vấn đề không những không được giải quyết mà còn "vẽ đường cho hươu chạy".

Nguồn: CNN

 

Thu Thủy

Máy bay A320 khổng lồ mắc kẹt dưới gầm cầu, video ghi lại cảnh tượng hy hữu chưa từng có tại hiện trường

Máy bay A320 khổng lồ mắc kẹt dưới gầm cầu, video ghi lại cảnh tượng hy hữu chưa từng có tại hiện trường

Đoạn video ghi lại cảnh tượng hy hữu này đã ngay lập tức được lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội.