Năm 2021, tiểu thuyết Dòng máu cao quý của tiểu thuyết gia người Bỉ Amélie Nothomb giành giải Renaudot, một giải thưởng văn chương danh giá đã có tuổi đời gần một trăm năm. Tại Việt Nam, nhiều tác phẩm đạt giải thưởng này đã được xuất bản, có thể kể đến Một chỗ trong đời (Annie Ernaux), Một tiểu thuyết Pháp (Frédéric Beigbeder),..
Độc giả sẽ hoàn toàn bị thuyết phục bởi sự trân trọng và lòng tôn kính mà Amélie Nothomb dành cho cha mình trong cuốn sách này. Patrick Nothomb không chỉ là người cha yêu quý mà còn là nguồn cảm hứng cho nữ tiểu thuyết gia. Dòng máu cao quý là một trong những tác phẩm mang tính cá nhân, cảm động nhất của bà.
Nữ nhà văn Amélie Nothomb |
Được viết với giọng văn dịu dàng, hài hước và cảm động, Dòng máu cao quý là cuốn tiểu thuyết thứ ba mươi của Amélie Nothomb, đồng thời lọt vào danh sách “100 cuốn sách tiêu biểu của năm” do tạp chí văn học uy tín Lire bầu chọn.
Amélie Nothomb là cái tên quen thuộc của nền văn học đương đại, đặc biệt tại các nước nói tiếng Pháp. Bà được biết đến như một nhà văn kỳ lạ và bí ẩn với văn phong hài hước, giàu liên tưởng và vô cùng mãnh liệt.
Chào đời tại Kobe (Nhật Bản) năm 1967, Amélie Nothomb là con gái của Ngài Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb. Lên 5 tuổi, bà tiếp tục theo cha đi công cán Trung Quốc, Mỹ, rồi các nước Đông Nam Á. Amélie Nothomb chỉ trở về Bỉ năm 17 tuổi và hoàn toàn bị sốc khi khám phá, hoà nhập với nền văn hoá phương Tây.
Năm 19 tuổi, sau một biến cố trong gia đình, Amélie Nothomb trở lại Nhật Bản làm việc cho một tập đoàn lớn tại Tokyo. Và câu chuyện về cơn ác mộng Nhật Bản bắt đầu khi cô gái người Âu phải tuân theo những luật tục và lề lối của người Nhật. Nothomb thậm chí từng phải làm việc trong toilet ở tập đoàn nọ. Tuy nhiên, khoảng thời gian này lại là nguồn tư liệu cho cuốn tiểu thuyết mang đậm màu sắc tự truyện Sững sờ và run rẩy, tác phẩm bestseller đầu tiên của Nothomb với 500.000 bản được bán ra. Với giọng văn đầy vô tư, đôi khi pha chút hài hước, cuốn sách vạch ra những mặt tối của xã hội Nhật Bản thông qua cuộc sống dường như tiến sâu xuống địa ngục của cô gái trẻ Amélie Nothomb mà không gây cảm giác khó chịu, bức bối. Sững sờ và run rẩy nhận Giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp năm 1999, đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp viết lách của Amélie Nothomb.
Một số cuốn sách của Amélie Nothomb đã được Nhã Nam phát hành: Hồi ức kẻ sát nhân, Hủy hoại vì yêu, Sững sờ và run rẩy, Kẻ hai mặt, Axit sunfuric, Nhật ký chim én, Vòng tay samurai.
Được tờ nhật báo Le Parisien miêu tả “như một viên ngọc quý”, Dòng máu cao quý kể về những năm đầu cuộc đời của ngài Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb, cha của nhà văn Amélie Nothomb. Ông qua đời năm 83 tuổi sau khi bị vỡ phình mạch vào tháng Ba năm 2020, trong lúc diễn ra phong tỏa do Covid-19. Tại thời điểm đó, Amélie Nothomb đã không thể gặp và nói lời tạm biệt với cha mình.
Trong Dòng máu cao quý, Amélie Nothomb đã nhập vai cha của mình và xưng “tôi” để nhường chỗ cho Patrick Nothomb kể lại câu chuyện về cuộc đời mình, từ thời thơ ấu vào những năm 1940 cho đến năm 1964. Đặc biệt phải kể đến trong tác phẩm này là khoảng thời gian Patrick Nothomb cùng với hàng trăm đồng bào Bỉ bị bắt giữ làm con tin bởi quân nổi loạn tại Stanleyville, nay là Kisangani, Cộng hoà Dân chủ Congo và suýt mất mạng ở đó.
Đúng như nhà phê bình văn học Olivia de Lamberterie đã nhận định, Dòng máu cao quý là “một tác phẩm lôi cuốn” khi được bắt đầu đầy kịch tính bằng chi tiết Patrick Nothomb những tưởng mình sẽ chết trẻ như người cha mà ông chưa từng được gặp, khi đang cận kề bên bờ vực sinh tử.
“Người ta đưa tôi đến trước đội hành quyết. […] Mười hai người đàn ông bắt đầu nhắm nòng súng vào tôi. Liệu tôi có thấy lại cuộc đời mình lướt qua trước mắt? Điều duy nhất tôi cảm thấy là một cuộc cách mạng phi thường: tôi còn sống. Mỗi thời khắc đều có thể cắt nhỏ đến vô tận, cái chết sẽ không thể bắt kịp tôi, tôi chìm trong hạt nhân cứng của hiện tại.”
Sau phần mở đầu choáng váng ấy, Amélie Nothomb hồi tưởng lại tuổi thơ của cậu bé Patrick bị mẹ mình bỏ bê bởi bà quả phụ đỏng đảnh thích giao du với giới thượng lưu hơn là tập trung làm mẹ. Cậu bé Patrick được ông bà ngoại là những người giàu có và hết mực tử tế nuôi nấng.
Vì cho rằng Patrick, khi ấy mới sáu tuổi, cần phải cứng rắn hơn, ông ngoại đã quyết định đưa cậu về nghỉ hè ở nhà ông nội, nam tước Pierre Nothomb. Amélie Nothomb khiến độc giả bị thu hút bởi bằng lối kể chuyện đầy lôi cuốn đồng thời lèo lái tác phẩm khiến ta chỉ có thể đọc liền một mạch không dứt.
“Tòa nhà thanh lịch có từ thế kỷ 17 ấy đã từng có những ngày tháng huy hoàng. Vẻ đẹp của nó, chủ yếu nằm ở vị trí, tựa lưng vào rừng cây cao và soi bóng xuống mặt hồ, giờ toát lên sự tiêu điều.”
Dẫu miêu tả những hoàn cảnh sống tồi tàn, Amélie Nothomb vẫn có thể thổi được vào đó sự hài hước, thanh lịch và cao quý.
“Một phép mầu xảy ra. Ai đó lay vai tôi. Là Donate:
- Cậu phải trùm chăn lên cả đầu nữa.
[…] Tôi phải thừa nhận một sự hiển nhiên: cô nói đúng. Hơi thở của tôi nhanh chóng sưởi ấm vùng không gian bên trong tấm chăn và nhiệt độ thân thể tôi trở nên gần như chấp nhận được. […] Thứ cứu sống tôi không chỉ là lời khuyên tử tế của Donate, mà còn là việc phát hiện ra rằng có ai đó lo lắng cho số phận của tôi. Tôi không đơn độc trên cõi đời này.”
Nhịp độ của câu chuyện tăng nhanh khi Patrick trưởng thành: anh kết hôn với Danièle bất chấp sự ngăn cấm từ ông nội, trở thành nhân viên ngoại giao, đón đứa con đầu lòng với cái ôm siết đầy xúc động và hơn hết là cuộc nổi dậy và bắt cóc con tin tại Stanleyville.
Người đọc hồi hộp theo dõi những cuộc đấu trí căng thẳng, những màn đối đáp khéo léo của chàng nhân viên lãnh sự trẻ tuổi Patrick Nothomb với Tổng thống Gbenye trong nỗ lực cứu sống bản thân và những người dân Bỉ đang bị giam giữ.
“Tàn bạo, dịu dàng và hài hước” như tạp chí Télérama nhận xét, Amélie Nothomb đã dựng lại chân dung cha mình, một con người mạnh mẽ, đầy thấu cảm và can trường. Tác phẩm ngắn gọn, súc tích như những cuốn sách khác của bà, bắt đầu bằng những ký ức tuổi thơ để rồi vừa mang tính riêng tư lại vừa mang tính phổ biến.
Bằng cách ngược dòng quá khứ tìm về nguồn gốc của cha mình và nhấn mạnh những mâu thuẫn trong gia đình ông, Amélie Nothomb dường như cũng làm lành với chính bản thân và mang lại hơi thở mới cho sáng tác của bà. Chính điều này khiến Dòng máu cao quý trở thành “tác phẩm mà chưa độc giả nào của Amélie Nothomb từng được đọc, tác phẩm mà mọi độc giả của Amélie Nothomb đều mong chờ” như nhận định của nhà phê bình văn học François Busnel.
Dự kiến chi hơn 15.000 tỷ đồng cho chính sách tăng lương hưu từ 1/7
Bộ LĐ-TB&XH đã gửi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và người dân về phương án điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng từ ngày 1/7 tới (cùng thời điểm tăng lương cơ sở).