Đồng rúp Nga giảm xuống gần mức thấp nhất trong 17 tháng

Đồng rúp Nga trượt 100 đổi một USD vào thứ Hai, gần mức thấp nhất trong 17 tháng khi cố vấn kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin đổ lỗi cho chính sách tiền tệ lỏng lẻo khiến đồng tiền mất giá nhanh chóng.

Đồng rúp đã mất giá khoảng 30% so với đồng bạc xanh kể từ đầu năm. Ngân hàng Trung ương Nga đã đổ lỗi cho cán cân thương mại đang bị thu hẹp của nước này, khi thặng dư tài khoản vãng lai của Nga giảm 85% so với cùng kỳ năm ngoái từ tháng 1 đến tháng 7.

Vào cuối buổi sáng tại London, đồng rúp được giao dịch ở mức khoảng 101,41 đổi một USD.

Đồng rúp Nga giảm xuống gần mức thấp nhất trong 17 tháng - Ảnh 1.

Đồng rúp của Nga tiếp tục giảm vượt ngưỡng 100 đổi một USD vào giữa tháng 8, mức thấp mới kể từ khi bắt đầu chiến tranh ở Ukraina và kéo dài mức lỗ từ đầu năm đến nay lên khoảng 38%.

Cố vấn kinh tế của Tổng thống Putin, Maxim Oreshkin, nói với hãng tin Tass của Nga rằng việc đồng tiền mất giá và lạm phát gia tăng chủ yếu là do "chính sách tiền tệ nới lỏng" và rằng ngân hàng trung ương có "tất cả các công cụ cần thiết để bình thường hóa tình hình trong thời gian tới".

"Đồng rúp yếu sẽ làm phức tạp quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập thực tế của người dân. Vì lợi ích của nền kinh tế Nga - một đồng rúp mạnh", ông nói.

Ngân hàng trung ương Nga hôm thứ Năm đã tạm dừng mua ngoại tệ trong thời gian còn lại của năm nhằm hỗ trợ đồng tiền này, điều đang làm dấy lên lo ngại về lạm phát gia tăng khi Nga cố gắng chuyển đổi cơ bản nền kinh tế của mình trước sự cô lập ngày càng tăng và các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

GDP của Nga đã vượt quá mong đợi khi tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 2, số liệu mới từ Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga cho thấy hôm thứ Sáu, phục hồi từ mức giảm 1,8% trong quý 1 năm nay.

Tuy nhiên, William Jackson, nhà kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi tại Capital Economics, lưu ý rằng sự trì trệ có giới hạn trong nền kinh tế có thể sẽ làm tăng thêm áp lực lạm phát và dẫn đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ, có khả năng làm suy yếu tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm và đến năm 2024.

Jackson nói thêm: "Có lẽ rủi ro chính đối với nền kinh tế là nếu chính phủ giữ chính sách tài khóa lỏng lẻo để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh, điều này sẽ khiến các lỗ hổng kinh tế của Nga trở nên tồi tệ hơn nữa".

CHẤN HƯNG