Dự án mới được cấp phép giảm mạnh làm thị trường bất động sản tạo sóng

Các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 cấp phép trên thị trường, thêm vào đó các dự án được cấp phép còn hạn hẹp và giảm mạnh làm thị trường bất động sản có những chuyển biến trái chiều...

Do rất thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở giá thấp trên thị trường, và do các chủ đầu tư dự án muốn tối đa hóa lợi nhuận, nên đã đẩy giá làm cho giá nhà luôn có xu thế tăng, nhất là trong lúc sức mua trên thị trường sơ cấp vẫn mạnh và tỷ lệ hấp thụ của thị trường rất cao, bình quân lên đến 70-80% qua các đợt mở bán các dự án nhà ở

Theo Bộ xây dựng, dự án nhà ở thương mại, trong 9 tháng đầu năm 2021, có 201 dự án với 84.544 căn được cấp phép, có 125 dự án với 15.525 căn hoàn thành. Riêng trong quý III, trên cả nước có 39 dự án phát triển nhà ở thương mại với 19.117 căn được cấp phép, bằng khoảng 70% so với quý II/2021; 703 dự án với 245.181 căn đang triển khai xây dựng, bằng khoảng 70% so với quý II/2021; 50 dự án với 7.444 căn hoàn thành.

Cụ thể: tại miền Bắc có 13 dự án với 5.232 căn được cấp phép; 177 dự án với 61.382 căn đang triển khai xây dựng; 34 dự án với 5.159 căn hoàn thành. Tại miền Trung có 06 dự án với 2.575 căn được cấp phép; 227 dự án với 98.388 căn đang triển khai xây dựng; 06 dự án với 1.559 căn hoàn thành. Tại miền Nam có 18 dự án với 11.065 căn được cấp phép; 297 dự án với 85.166 căn đang triển khai xây dựng; 10 dự án với 726 căn nhà riêng lẻ hoàn thành.

Về số lượng nhà ở đủ điều kiện bán, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý III/2021 có 74 dự án với 26.682 căn được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, bằng khoảng 90% so với quý II/2021. Cụ thể: Tại miền Bắc có 38 dự án với 10.164 căn, miền Trung có 19 dự án với 7.332 căn, miền Nam có 17 dự án với 9.186 căn. Riêng tại Hà Nội có 03 dự án với 343 căn, tại TP.HCMcó 01 dự án với 352 căn nhà.

Thực tế, sự khan hiếm về căn hộ bình dân đã được giới chuyên gia bất động sản cảnh báo từ năm 2019, khi những dự án này không được các chủ đầu tư mặn mà. Điều này thể hiện ngay trong năm 2020 khi tỷ lệ nhà ở bình dân chỉ có 163 căn, chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được phép huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai tại TP.HCM.

Việc thị trường bị nén quá lâu đã khiến các nhà đầu tư bức bí, có tiền nhưng không thể tìm được nơi đầu tư. Điều này lý giải tại sao trong những ngày toàn miền Nam được nới lỏng sau giai đoạn kìm hãm vì dịch Covid-19, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hồi phục trở lại nhanh chóng. Ghi nhận vào những tuần đầu nới lỏng việc đi lại, nhiều phòng công chứng ở các thị trường giáp ranh TP.HCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… đều có mức độ quan tâm, giao dịch mua bán tìm hiểu thị trường tăng lên đáng kể. Chỉ trong vài tuần qua, nhiều địa phương ghi nhận nhu cầu đi xem đất, thực hiện các thủ tục công chứng mua bán, nộp hồ sơ sang tên trở nên nhộn nhịp hơn.

Đẩy lùi dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam đang từng bước hồi phục và tăng trưởng. Trong đó, riêng về nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2021. Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 15,15 tỷ USD.

Tính lũy kế đến ngày 20/10/2021, cả nước có 34.266 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 404 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 247 tỷ USD, bằng 61,1% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Bất chấp dịch bệnh nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhật Hạ

(Tổng Hợp)