Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng năm 2021, doanh số hàng hiệu cho thấy sự phục hồi đáng kể về mức trước đại dịch. Theo các nhà phân tích, lý do bởi cổ phiếu của các ngành hàng tăng năm thứ 6 liên tiếp, cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2020, vượt trội trên thị trường chứng khoán nói chung.
Tuy nhiên, sự phục hồi vẫn chưa đồng đều. Chỉ những thương hiệu lớn với sự hậu thuẫn vững chắc của tập đoàn mẹ mới thu được lợi nhuận, trong khi các thương hiệu nhỏ hơn vẫn gặp khó khăn, phải thanh lý hoặc phá sản. Doanh số bán hàng tại các thị trường châu Âu, Nhật Bản vẫn giảm do độ bao phủ vắc xin còn chậm chạp, chưa đảm bảo miễn dịch cộng đồng.
Với sự lan rộng của biến thể Omicron, các đợt giãn cách mới ở châu Âu và thị trường đang biến động ở Trung Quốc, bức tranh năm 2022 của ngành công nghiệp hàng hiệu trở nên rõ ràng hơn so với một năm trước.
Chi tiêu cho hàng xa xỉ đạt mức kỷ lục
Bất chấp những thách thức bởi dịch COVID – 19, các nhà phân tích tin tưởng doanh thu năm 2022 sẽ tiếp tục vượt qua mức trước đại dịch, tăng từ 283 tỷ euro (2021) lên khoảng 300 – 310 tỷ euro trong năm nay.
Federica Levato, đại diện của Bain & Company tại Milan cho biết, khi lệnh giãn cách vẫn còn áp đặt ở nhiều nơi, nhu cầu mua sắm sẽ tăng cao hơn việc chi tiêu cho những trải nghiệm du lịch, giải trí.
Thomas Chauvet, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng xa xỉ tại Công ty tài chính Citi, cho biết so với năm 2019, phân khúc người tiêu dùng hàng xa xỉ có nhiều sự khác biệt.
Cụ thể, du khách Trung Quốc từng mở ví ở Paris giờ lựa chọn giao dịch trực tuyến. Trong khi đó, tại Mỹ, khách hàng ở Austin, Pittsburgh và các thành phố không ven biển khác lại không còn mặn mà với hàng hiệu. Họ có xu hướng mua nhà nhiều hơn do làn sóng người di cư đến đô thị lớn trong thời kỳ đại dịch.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng tất cả vẫn chỉ là dự đoán. Tháng 11/2021, Ngân hàng đa quốc gia Goldman Sachs đã cắt giảm mức tăng trưởng dự báo của ngành hàng xa xỉ vào năm 2022 từ 13,5% xuống 9% với lý do lo ngại về GDP, bất động sản và chính sách “thịnh vượng chung” của Trung Quốc.
Trước đó, đất nước tỷ dân ban hành quy định kiểm soát người dân phô trương sự giàu có trên các nền tảng mạng xã hội.
Hàng hiệu sẽ đắt hơn
Sau khi duy trì doanh thu ổn định trong nhiều năm, các thương hiệu xa xỉ bao gồm Louis Vuitton, Hermès và Chanel đã tăng giá sản phẩm. Cụ thể, tại Anh, chiếc túi với thiết kế nắp cổ điển của Chanel hiện có giá 6.630 bảng Anh, tăng 40% so với đầu năm 2020).
Nguyên nhân đến từ chi phí nguyên vật liệu và nhân công tăng. Thomas Chauvet cho biết, việc tăng giá của các thương hiệu là tất yếu và sẽ còn tiếp diễn trong năm 2022.
Các thương hiệu nắm quyền sở hữu nhiều hơn với chuỗi cung ứng
Các thương hiệu chú trọng hơn trong việc lựa chọn nhà cung ứng vật liệu sản xuất khi nhu cầu về thông tin, nguồn gốc tạo ra sản phẩm được khách hàng quan tâm số một.
Pavlovsky, chủ tịch Chanel cho biết, công ty đang có kế hoạch đầu tư thêm vào chuỗi cung ứng sau khi mua thêm hơn 20 nhà cung cấp vào năm ngoái.
Sự bùng nổ của hàng vintage
Thị trường hàng hiệu đã qua sử dụng liên tục phát triển trong suốt đại dịch, đạt doanh số ước tính 33 tỷ euro vào năm 2021.
Trước đây, nhiều thương hiệu đã bỏ qua phân khúc này. Nhưng giờ đây, họ muốn nắm bắt mô hình kinh doanh vòng tròn, phục vụ một nhóm khách hàng đang ngày càng tăng: những người không còn muốn mua sản phẩm mới.
Xu hướng hàng vintage cũng được hỗ trợ bởi các nền tảng mua bán đồ cũ như Vestiaire Collective và The RealReal. Đây là nơi giúp khách hàng xác thực sản phẩm, đồng thời khuyến khích họ ký gửi các món đồ của mình thông qua tín dụng cửa hàng.
Một số thương hiệu thời trang nhỏ hơn như Rachel Comey và Marques ’Almeida còn đang sử dụng trang web của mình là nơi trực tiếp bán đồ cũ của hãng. Họ mong đợi các thương hiệu lớn hơn sẽ làm theo.
Ngành hàng xa xỉ ít tính bền vững
Những năm gần đây, ngành công nghiệp xa xỉ đạt được những bước tiến đáng kể trong mục tiêu đảm bảo tính bền vững. Báo cáo mức độ tác động tới môi trường đã trở thành tiêu chuẩn cạnh tranh giữa các tập đoàn, thương hiệu nổi tiếng.
Các nhà thiết kế sử dụng loại vải bền vững và nâng giá trị của nó trong các sản phẩm thủ công.
Tuy vậy, nhu cầu cao với ngành hàng xa xỉ tăng lên đồng nghĩa với việc sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường.
Đầu tư nhiều hơn vào thương mại điện tử, NFT đạt đỉnh
Thị phần bán hàng xa xỉ trực tuyến tăng gần gấp đôi từ 12% lên 22% trong thời kỳ đại dịch. Theo dữ liệu từ Bain, con số này còn tăng lên 30% vào năm 2025.
Các thương hiệu như Gucci, Alexander McQueen đang chuyển sang mô hình ký gửi và cải thiện trang web riêng của họ nhằm kiểm soát tốt hơn về số lượng hàng tồn kho, giá cả, phản hồi từ khách hàng.
Trong khi đó, đến năm 2025, gen Z sẽ chiếm 1/5 thị trường khách hàng của các thương hiệu xa xỉ. Để tiếp cận họ, các thương hiệu sẽ đầu tư mạnh hơn vào các đối tác ngành game như Fortnite, Honor of Kings và NFT (tài sản kỹ thuật số).
Dolce & Gabbana đã lập kỷ lục khi bán đấu giá bộ sưu tập NFT (bao gồm cả tác phẩm kỹ thuật số và vật lý) gồm 9 món đồ với giá 6 triệu USD vào tháng 9/2021.
Một báo cáo của Ngân hàng Morgan Stanley dự đoán rằng hàng hóa game và NFT là cơ hội giúp các thương hiệu xa xỉ đạt doanh thu hàng năm 50 tỷ euro và có thể mang lại mức tăng 25% cho lợi nhuận của ngành vào năm 2030.
(Nguồn: Financial Times)