Trang mạng ASPI đăng bài viết nhận định rằng sau một năm người dân trên toàn thế giới mong muốn quay trở lại cuộc sống “bình thường”, hiện giờ, điều này rõ ràng là không thể bởi dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh.
Bước sang năm thứ ba, đại dịch đã làm ảnh hưởng sâu sắc đến các cá nhân, cộng đồng, quốc gia và hợp tác quốc tế, tạo ra một số thách thức khó khăn cho năm 2022.
Thách thức đầu tiên là quan hệ giữa con người và công việc đã thay đổi. Các vấn đề như đóng cửa biên giới, mất mát người thân do dịch bệnh và những bấp bênh trong cuộc sống khiến con người phải cân nhắc lại.
Tại Mỹ, hơn 4 triệu người lao động đã bỏ việc mỗi tháng, từ tháng 7/2021 đến tháng 10/2021. Trong khi đó, tại Trung Quốc, tầng lớp thanh niên đang có trào lưu làm việc cầm chừng và chỉ phấn đấu cho những gì thực sự cần thiết để sinh tồn.
Do đó, năm 2022, con người cần phải thay đổi thái độ đối với công việc với niềm tin rằng công việc sẽ góp phần cải thiện cuộc sống. Chính phủ và các công ty cần phải hành động để hỗ trợ người dân.
Nguồn đầu tư để giúp khắc phục tình trạng gián đoạn giáo dục do COVID-19 gây ra là rất quan trọng. Khoảng 1,6 tỷ học sinh ở 180 quốc gia phải nghỉ học do tác động của đại dịch. Cần phải xây dựng các chương trình để giúp sinh viên bắt kịp và đạt được các kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế thế kỷ XXI.
Chính phủ có thể đặt ra các tiêu chuẩn cho giáo dục và đào tạo, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển lực lượng lao động thông qua lương và điều kiện làm việc tốt hơn.
Thách thức thứ hai là xu hướng phát triển chủ nghĩa độc tài. Theo Freedom House, đại dịch đã làm suy yếu năng lực giám sát và cân bằng quyền lực trong chính phủ ở ít nhất 80 quốc gia, cả ở những nước phát triển và đang phát triển.
Sự giám sát của chính phủ, việc bắt bớ, giam giữ đã gia tăng, và ở nhiều quốc gia, quyền tự do ngôn luận bị đe dọa hoặc hạn chế. Nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và người di cư bị đối xử bất công.
Bên cạnh đó, nạn tham nhũng cũng đang trở nên phổ biến hơn trong đại dịch. Nhiều cuộc bầu cử của các quốc gia trên thế giới bị hủy, bị hoãn hoặc có kết quả không minh bạch.
Thách thức thứ ba có thể sẽ là sự xuất hiện của một đại dịch khác. Hiện tại, COVID-19 đang là mối đe dọa chính, song chúng ta có thể phải tiếp tục đối mặt với các bệnh dịch mới.
Ngoài ra, trong năm 2021, dịch bệnh đã đặt ra vấn đề công bằng vaccine và tiếp cận các phương pháp điều trị COVID-19. Vaccine được cho là cơ sở để tạo ra khả năng miễn dịch cộng đồng, tuy nhiên, các quốc gia phát triển lại tăng cường cạnh tranh quyền tiếp cận vaccine, gây khó khăn cho các quốc gia đang phát triển.
Trong năm 2022, vấn đề chỉ có thể được giải quyết bằng sự tin cậy và hợp tác giữa các quốc gia. Thế giới cần phải phải khẩn trương thiết lập các thỏa thuận toàn cầu về nghiên cứu, phân phối và tài trợ vaccine nhằm đảm bảo mức độ tin cậy trong hợp tác quốc tế.
Cuối cùng, COVID-19 đang làm thay đổi quy tắc kinh tế cho năm 2022. Chủ nghĩa dân tộc kinh tế trỗi dậy, các quốc gia tăng cường cạnh tranh trong mua sắm thiết bị, phương pháp điều trị và vaccine.
Thêm vào đó là mong muốn đưa mức phát thải ròng bằng 0 và kết quả có thể sẽ là sự gia tăng các chính sách công nghiệp, các biện pháp bảo hộ thương mại nhiều hơn và sự hoài nghi lớn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài - tất cả trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và nợ chính phủ gia tăng. Bên cạnh đó là xu hướng hình thành các liên minh địa chính trị và sự cạnh tranh.
Những thách thức toàn cầu cho năm 2022 đang rất nghiêm trọng, nhưng ngay cả ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh trước đây, các thỏa thuận quốc tế cơ bản và các thể chế kiềm chế lẫn nhau vẫn có thể thực hiện được nhờ các tiến trình đàm phán và dàn xếp.
Niềm tin không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho những căng thẳng quốc tế đang gia tăng, nhưng chỉ cần một chút niềm tin, được hỗ trợ bởi các tổ chức có uy tín lớn, sẽ là tối quan trọng để kiềm chế căng thẳng đó. Thách thức của năm 2022 là phải tiếp tục thiết lập lại lòng tin trong các lĩnh vực công việc, chính trị, y tế công cộng và chính sách kinh tế./.
(Nguồn: TTXVN)