Dù đã áp dụng T+2 nhưng thanh khoản vẫn duy trì mức thấp

T+2 và lô lẻ chưa 'kích' được dòng tiền, thanh khoản vẫn duy trì mức thấp trong những phiên gần đây.

Việc áp dụng lô lẻ trên thực tế không ảnh hưởng nhiều đến thanh khoản mà chỉ nhằm mục đích tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động đặt lệnh mua bán một cách dễ dàng và tiện lợi hơn đồng thời làm tròn lô giao dịch chẵn để giảm bớt sự phụ thuộc vào các công ty chứng khoán.

Còn việc áp dụng T+2 sẽ giúp thanh khoản cải thiện hơn, song hướng ngược lại cũng kích thích đà bán mạnh hơn đối với những nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng.

Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư nên tập trung vào câu chuyện của doanh nghiệp trong những quý cuối năm, giảm tỷ trọng tại những doanh nghiệp triển vọng kém.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định việc áp dụng T+2 và lô lẻ chỉ là công cụ về mặt kỹ thuật giúp hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch thuận lợi hơn.

"Mục tiêu xa hơn của các quy định mới này không phải cải thiện thanh khoản mà chủ yếu giúp giao dịch thuận lợi hơn, hạn chế những rủi ro cho nhà đầu tư. Diễn biến thanh khoản có xu hướng giảm trong những phiên gần đây là do đáo hạn của các quỹ ETF, bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư cũng thận trọng hơn khi FED sẽ họp bàn việc tăng lãi suất vào ngày 21/9. Ngoài ra, tuần này cũng có nhiều sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến quyết định giải ngân là đáo hạn phái sinh, cơ cấu của các quỹ ETF, công bố số liệu lạm phát của Mỹ,…", ông Minh lý giải.

Ảnh hưởng từ thị trường thế giới, VN-Index chốt phiên 14/9 giảm 7,63 điểm (0,61%) xuống 1.240,77 điểm với 321 mã giảm và 120 mã tăng. Ở các chỉ số thị trường khác, HNX-Index giảm 2,17 điểm (0,77%) về 279,42 điểm, UpCOM-Index giảm 0,24 điểm (0,27%) xuống 90,16 điểm.

Tổng thanh khoản trên 3 sàn ở mức 16.751 tỷ đồng, trong đó khớp lệnh sàn HoSE là 14.351 tỷ đồng. Thống kê của cho thấy, kể từ khi rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 từ 29/8 và cho giao dịch lô lẻ từ 12/9, thanh khoản sàn HoSE ghi nhận mức cao nhất vào phiên 29/8 và 7/9 với gần 19.000 tỷ đồng, sau đó chỉ trong khoảng 11.000-13.000 tỷ đồng. Riêng phiên 12/9, giá trị thanh khoản chỉ đạt 10.747 tỷ đồng, thấp nhất từ giữa tháng 7/2022.

Giá cổ phiếu sụt giảm phản ánh những thách thức, quan ngại về bối cảnh rủi ro, bất định, lạm phát, lãi suất và tỷ giá gia tăng, song điều quan trọng hơn là TTCK đang dần lấy lại vai trò “hàn thử biểu của nền kinh tế” - mối liên hệ đã từng ở trong trạng thái lỏng lẻo trong giai đoạn thị trường tăng nóng vừa qua. Nếu TTCK vận hành đúng quỹ đạo, đây sẽ là hàn thử biểu và cũng là kênh dẫn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển. Tổng mức vốn huy động qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu năm 2021 chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Bên cạnh rủi ro kinh tế - tài chính nêu trên, một số yếu tố bất cập nội tại đang thách thức đà tăng trưởng của TTCK Việt Nam. Đó là thể chế chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ và thiếu nhất quán; niềm tin nhà đầu tư có phần suy giảm; giá trị giao dịch bình quân/1 tài khoản giảm mạnh (chỉ ở mức 80 triệu đồng, thấp hơn 3 lần mức đỉnh 240 triệu đồng của năm 2021); kế hoạch tăng vốn gặp nhiều thách thức, tỷ lệ thành công thấp; hiện tượng thao túng giá ngày càng tinh vi, phức tạp; chất lượng của trung gian tài chính và DN niêm yết chưa đồng đều; việc minh bạch hóa thông tin chưa theo đúng quy định, chuẩn mực; mức độ chuyên nghiệp của nhà đầu tư chưa cao… Đây chính là những bất cập mà Chính phủ, cơ quan quản lý đã nhận diện và trong lộ trình khắc phục, hoàn thiện.

Tổng Hợp