Dù đã được nới room tín dụng nhưng ngân hàng vẫn chạy KPI sản phẩm khác mạnh hơn

Hạn mức tín dụng mà ngân hàng này được cấp thêm chỉ hơn 1%. Điều này khiến cho việc bán chéo sản phẩm phụ trợ như bancassurance (phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng) của ngân hàng vẫn không có nhiều thay đổi. Dù đã được nới room tín dụng nhưng ngân hàng vẫn chạy KPI sản phẩm khác mạnh hơn...

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến ngày 26/8, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Room tín dụng được cấp mới phần nào giải tỏa được cơn "khát" vốn của người dân, doanh nghiệp, nhưng các chuyên gia nhận định không thể đáp ứng hết nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Các chuyên gia đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định việc phân bổ thêm hạn mức tín dụng thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu. Tuy nhiên, thực tế này lại tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước nới thêm room vào cuối năm.

Còn TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định đợt nới thêm room vừa rồi chỉ sử dụng nốt phần còn lại của kế hoạch hạn mức 14%.

Tuy nhiên, ông cho rằng không nên tiếp tục nới room tín dụng trong bối cảnh hiện tại, do áp lực lạm phát bên ngoài đang tăng cao. Cán cân lạm phát - tăng trưởng kinh tế là vấn đề đáng lưu tâm, trước diễn biến kinh tế vĩ mô đang bất ổn.

Một chuyên viên tín dụng tại một ngân hàng thương mại, cũng xác nhận sau hơn một tuần được "nới room", công việc của anh và đồng nghiệp không khác biệt nhiều. Hạn mức tín dụng được cấp thêm 0,7% khiến chi nhánh vẫn phải co kéo tiền cho vay và khả năng giải ngân hồ sơ mới không cao. "Những khoản vay thông thường vẫn phải mua bảo hiểm nhân thọ, nếu muốn được ưu tiên giải ngân, không có gì khác trước", anh nói.

Một số chuyên viên tín dụng tại các ngân hàng được nới room khác cũng xác nhận chỉ tiêu bán bảo hiểm vẫn ở mức cao, không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trưởng phòng tín dụng chi nhánh một ngân hàng tư nhân cho biết các nhân viên vẫn được giao chỉ tiêu mở thẻ trong quý cuối năm. Việc đẩy mạnh các hoạt động bán chéo bảo hiểm và sản phẩm thẻ, thanh toán sẽ giúp ngân hàng tăng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ.

Trước đó, một số nhân viên khác chọn phương án nghỉ việc vì không "kham" được chỉ tiêu bán bảo hiểm và thẻ. Không ít người bày tỏ, những tưởng "van" tín dụng được mở khiến nguồn vốn khơi thông, nhưng các chỉ tiêu bán sản phẩm của những chuyên viên tín dụng vẫn ở mức cao như trước. Chi nhánh cũng không nhận thêm nhiều hồ sơ vay mới mà ưu tiên giải quyết các hợp đồng đã ký nhưng chưa giải ngân. Các khách hàng chờ giải ngân như "nắng hạn chờ mưa", nhân viên thì ra sức chào mời bảo hiểm.

Thực tế, đây mới là lần đầu Ngân hàng Nhà nước đồng loạt nới hạn mức tín dụng trong năm nay. Các năm trước, thông thường có 1-2 đợt nới room trong năm, sau khi cơ quan điều hành đã giao mức trần cho từng đơn vị vào đầu năm.

Tuy nhiên, không phải tất cả ngân hàng đều được cấp thêm hạn mức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước chỉ thận trọng cấp thêm từ 0,7% đến 4% room tín dụng so với mức cũ, tùy từng nhà băng.

Đơn cử, Vietcombank, đơn vị được thị trường kỳ vọng có dư địa tăng trưởng cao được nới thêm 2,7% so với mức trần cũ là 15%. Agribank, ngân hàng 100% vốn Nhà nước vừa được nới thêm room 3,5% so với mức cũ là 7%. Sacombank được giao thêm 4% so với hạn mức cũ là 7%, Techcombank là 2,7%... Nhiều cái tên khác được nới như BIDV, VietinBank, HDBank, MB, TPBank, MSB, VPBank…

Tính trên tổng quy mô dư nợ của các nhà băng, với mức được cấp thêm này, Vietcombank còn dư địa cho vay mới tối đa khoảng 32.000 tỷ đồng. Con số này tại Sacombank là hơn 11.000 tỷ đồng, Techcombank là gần 10.500 tỷ đồng.

Tổng Hợp