Dựa trên một câu chuyện có thật, tiểu thuyết của nữ nhà văn Pháp Delphine de Vigan, là một cuốn sách tuyệt vời lấy đề tài đấu tranh nội tâm để chống lại sự thao túng, đã đạt giải thưởng Renaudot năm 2015.
Trong tiểu thuyết này, nữ nhà văn Delphine de Vigan đã hóa thân vào câu chuyện và tái hiện chính mình. Với cô, việc viết nên cuốn sách còn thể hiện một cuộc chiến dai dẳng chống lại nỗi sợ viết lách. Đây là cuốn tiểu thuyết về nỗi kinh hoàng, nhưng cũng là một câu chuyện tràn đầy hy vọng.
Cuốn tiểu thuyết có cốt truyện khá đơn giản và không khó nắm bắt. Delphine là một tiểu thuyết gia, cô có hai người con sinh đôi sắp sửa rời nhà để theo học đại học, cô yêu một nhà báo chuyên phỏng vấn các nhà văn và cô vừa cho xuất bản một cuốn best-seller.
Một hôm sau buổi ký tặng sách khiến cô mệt nhoài, Delphine làm quen với L. Xinh đẹp, nữ tính, quyến rũ, người phụ nữ này lập tức khiến cô bị mê hoặc. Xuất hiện đúng vào lúc Delphine đang bấp bênh dưới áp lực về những gì độc giả mong đợi ở cô, L. len lỏi vào cuộc sống của cô, gây ảnh hưởng, thao túng, kiểm soát cô lúc nào mà cô không hay. L. nhận là bạn học cũ của Delphine, trích dẫn những quyển sách cô từng đọc, khiến cô có cảm giác thân thuộc, tìm được người thấu hiểu mình…
Xoay quanh sự phát triển tình bạn giữa hai người sau này, Delphine phải đối mặt với những hoài nghi cùng lo sợ trước công việc viết lách của mình, cô chìm dần vào tình trạng trầm cảm nặng. L. tự xem mình như lương tâm thứ hai của cô, một tiếng nói thì thầm những câu hỏi mà cô không muốn nghe. L. dẫn cô vào những vùng đất dễ vấp ngã, khiến cô bất ổn, thúc đẩy nỗi sợ trong cô bằng cách khiến cô tổn thương người mình yêu quý. Cuối cùng Delphine đã hoàn toàn quy phục. Cô mặc cho L. kiểm soát toàn bộ đời mình, không giới hạn.
L., một phụ nữ tưởng như quá đỗi hoàn hảo hóa ra lại vô cùng quỷ quyệt. Một con bọ ngựa nuôi dưỡng con mồi, đẩy nó đến giới hạn tới khi không thể quay đầu.
Qua nhiều cuộc trò chuyện giữa người kể và L., Delphine de Vigan còn đưa ra suy ngẫm về mối quan hệ giữa văn chương và hiện thực. Cô chất vấn tính chủ quan của văn chương, vai trò trị liệu của nó cũng như mối quan hệ của nó với độc giả. Viết sách liệu có phải là trình bày một sự thật? Delphine de Vigan mang đến một cái nhìn thú vị về hình tượng nhà văn đối diện trước tác phẩm của mình. Và việc viết sách sau đó. Có cuốn sách nào mà ta không thể vượt qua không? Nữ nhà văn viết:
“Có lẽ chỉ có mình tôi là không biết những gì mọi người đều biết. Cuốn sách này là một kết quả, một cái kết tự thân. Hay đúng hơn là một cái ngưỡng không thể vượt qua, một điểm mà người ta không thể vượt qua, ít nhất là không phải tôi. […] Một cuốn sách mà vượt ra ngoài nó thì không có gì, vượt ra ngoài nó thì không gì có thể được viết. Cuốn sách đã khép lại tất cả, phá vỡ thuật giả kim, chấm dứt đà phát triển.”
Cuốn tiểu thuyết mang màu sắc trinh thám tâm lý này đặt ra một câu hỏi: ngày nay liệu còn có thể viết một cuốn tiểu thuyết với cốt truyện cùng những nhân vật tưởng tượng hay nhà văn phải phơi bày ruột gan mình, những điều sâu kín trong mình, thế giới riêng của mình để khiến độc giả tin rằng tất cả những gì viết ra đều là thật? Đây chính là điều trăn trở xuyên suốt cuốn sách: thực tế hay hư cấu, hay có thể hòa trộn giữa cái thực và cái tượng tưởng, và cuối cùng liệu điều đó có quan trọng?
Dựa trên một câu chuyện có thật là một cuốn sách hay. Dù bản thân không phải một kiệt tác nhưng nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Delphine de Vigan mang đến cho ta một tiểu thuyết đầy xúc cảm lẫn kinh ngạc và suy ngẫm. Sau cùng, Delphine không phải người kể chuyện cũng không phải L., mà có lẽ đâu đó giữa cả hai nhân vật. Vấn đề nhân dạng chính là cốt lõi của tác phẩm này.
Theo như Delphine từng chia sẻ, Dựa trên một câu chuyện có thật có thể đọc theo nhiều cấp độ. Từ mặt tâm lý kinh dị là cấp độ đầu tiên đến từ tình tiết truyện cho đến cấp độ thứ hai, có phần khó hiểu hơn, về mối liên hệ chặt chẽ và lằn ranh mong manh giữa hiện thực và hư cấu, cũng như vị trí của hiện thực trong văn học và điện ảnh ngày nay. Cuối cùng, ở cấp độ thứ ba, Delphine de Vigan hy vọng giúp người đọc thấy được những gì ở phía sau cánh gà của công việc sáng tạo, nơi các nhà văn, ở đây là Delphine, đấu tranh với lo âu và cả những con quỷ trong tâm trí mình.
Tác giả Delphine de Vigan sinh năm 1966 tại Boulogne-Billancourt. Sau khi theo học tại Trung tâm nghiên cứu văn học và khoa học ứng dụng, bà làm giám đốc nghiên cứu tại một viện khảo sát, dù vẫn luôn mơ ước trở thành nhà văn. Không từ bỏ ước mơ, mỗi ngày bà đều dành hai giờ để viết sau khi làm việc. Năm 2001, bà xuất bản tiểu thuyết đầu tiên Jours sans faim (tạm dịch: Những ngày không đói) dưới bút danh Lou Delvig. Sau đó vào năm 2005, bà dùng tên thật xuất bản một tập truyện ngắn Les Jolis Garçons (Những cậu trai đẹp đẽ) cùng tiểu thuyết Un soir de décembre (Một tối tháng Mười hai) và bắt đầu chuyên tâm vào viết. Kể từ đó, bà giành được nhiều thành công vang dội, các tiểu thuyết của bà được dịch ra hơn hai mươi thứ tiếng, được chuyển thể thành phim.
Dựa trên một câu chuyện có thật xuất bản năm 2015 nhận giải Renaudot, đồng thời được chuyển thể thành phim cùng tên năm 2017.
Nhà văn Hiền Trang |
TS Mai Anh Tuấn |
Trong khuôn khổ Ngày hội Văn học châu Âu 2022, Nhã Nam và Viện Pháp sẽ phối hợp tổ chức buổi ra mắt cuốn sách.
Thời gian: 9h30-11h, Chủ nhật, ngày 8/5/2022
Địa điểm: Nhã Nam Book&Coffee, số 3 Nguyễn Quý Đức, Hà Nội
Với sự tham gia của:
- Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn
- Nhà văn Hiền Trang
10 chỉ đạo của Thủ tướng về phòng chống đuối nước trẻ em
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu 10 nội dung cần tập trung tăng cường phòng chống đuối nước trẻ em.