Theo đó, Việt Nam sẽ có 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia ở 3 miền Bắc - Trung - Nam và được đặt tại 12 bệnh viện. Đồng thời, Bộ Y tế giao chỉ tiêu về số bệnh giường hồi sức tích cực cho mỗi trung tâm từ 200-3.000 giường.
Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2- 1.000 giường); 6 bệnh viện khác gồm: Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện TW Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 - mỗi nơi 500 giường; 3 bệnh viện khác là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi TW, Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ - mỗi nơi 200 giường; Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí minh quy mô 300 giường.
Riêng Các trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 TP Hồ Chí Minh (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và các bệnh viện dã chiến) xây dựng quy mô 3.000 giường.
Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW phối hợp chủ động xây dựng mạng lưới, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và chỉ đạo về mặt chuyên môn.
Bệnh viện TW Huế phụ trách các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp.
Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Bệnh viện đa khoa TW Cần Thơ phối hợp.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chỉ định hơn 30 bệnh viện đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực vùng. Mỗi bệnh viện thiết lập tối thiểu từ 50 đến 100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 150 đến 200, 300 giường (tùy theo điều kiện thực tế, diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế).
Các giường bệnh hồi sức tích cực cần được đầu tư nâng cấp và đảm bảo các yêu cầu sau: Thuận tiện trong việc vận chuyển, di chuyển giường bệnh từ tiếp nhận đến nhập viện hoặc di chuyển giữa các khoa phòng và di chuyển các trang thiết bị, nhu yếu phẩm;
Có đầy đủ thiết bị gồm: Hệ thống o xy trung tâm, hệ thống khí nén trung tâm, camera và màn hình theo dõi người bệnh, hệ thống hút trung tâm.
Trang bị đầy đủ thiết bị y tế thiết yếu và phương tiện phòng hộ cá nhân; Đảm bảo biệt lập với các khoa/phòng khác, hạn chế tối đa lây nhiễm.
Tùy theo nhu cầu thực tế, diễn biến dịch bệnh và năng lực chuyên môn, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các trường đại học và bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh được bổ sung vào danh sách trong trường hợp cần thiết.
Sở Y tế Bình Dương vừa quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến số 3 điều trị bệnh nhân COVID-19, quy mô 3.000 giường, đặt tại trường Đại học Việt Đức, phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát và Bệnh viện dã chiến số 4, đặt tại Công ty Hoàng Hùng, huyện Bàu Bàng với quy mô từ 3.000 - 5.000 giường bệnh.
Hiện tỉnh Bình Dương có 4 bệnh viện dã chiến quy mô 16.000 giường bệnh, được bố trí tại TP Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng.
Trước đó, Bệnh viện dã chiến số 1 được thành lập gồm 2 cơ sở quy mô 3.000 giường, đặt tại WTC Expo, phường Hòa Phú và tại Xưởng khởi nghiệp Trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại khu nhà xưởng Becamex, phường Thái Hòa, thị xã Bến Cát với quy mô khoảng 5.000 giường bệnh.