ECMO là gì, TP.HCM có thiếu máy ECMO không?

Máy ECMO có khả năng thay thế chức năng của tim và phổi. TP.HCM hiện không lo thiếu máy thở, oxy điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng.

Oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể (ECMO) là một thiết bị hỗ trợ sự sống. Những người cần sử dụng ECMO là những bệnh nhân đang bị những bệnh lý nặng, đe dọa tính mạng làm ngừng hô hấp và tuần hoàn của họ. Chẳng hạn, ECMO được sử dụng trong suốt thời gian điều trị những trường hợp đe dọa tính mạng như tổn thương phổi nặng do nhiễm trùng, hoặc sốc tim sau nhồi máu cơ tim cấp. 

Máy ECMO có khả năng thay thế chức năng của tim và phổi. Những người cần sự hỗ trợ từ máy ECMO cần được chăm sóc trong đơn vị hồi sức tích cực (ICU) của bệnh viện. Thông thường, những người cần được hỗ trợ chỉ sử dụng máy ECMO trong một vài giờ đến một vài ngày, nhưng một số người có thể cần phải sử dụng ECMO trong một vài tuần, tùy thuộc vào diễn tiến bệnh. 

z2543868120468_75bf365c0ab2fe43fb87bf987dc7bb14(1).jpg
Bệnh nhân 91, 43 tuổi, phi công người Anh suy hô hấp nặng, phải can thiệp ECMO trong 2 tháng (từ ngày 6/4 đến ngày 3/6/2020). Ảnh: Internet

Máy ECMO có thể giúp cứu sống tính mạng của bệnh nhân, nhưng nó không điều trị bệnh lý hoặc chấn thương của bệnh nhân. Máy ECMO chỉ đơn giản cung cấp hỗ trợ cho bệnh nhân trong khi các bác sĩ điều trị bệnh lý nền hoặc chấn thương của bệnh nhân (chẳng hạn như nhiễm trùng) hoặc trong thời gian chờ cơ quan cấy ghép sẵn sàng.

Các bác sĩ luôn luôn cố gắng giúp người bệnh cai máy ECMO càng sớm càng tốt. Một số bệnh lý hoặc chấn thương có thể được điều trị nhanh chóng, và những bệnh nhân này chỉ cần sử dụng máy ECMO trong một vài giờ. Trong một số trường hợp khác cần phải điều trị lâu dài mới có hiệu quả, bệnh nhân có thể sử dụng máy ECMO trong vài ngày đến vài tuần.

TP.HCM hiện có 16 máy ECMO nằm rải rác các bệnh viện, hàng trăm máy thở và hơn 100 máy thở dự trữ, Sở Y tế sẽ điều động khi cần điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Tối 9/6, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, cho biết từ khi COVID-19 bùng phát đến nay, các thống kê ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân chuyển biến nặng khoảng 3,5%, tức 100 người bệnh có khoảng 3-4 người nặng, theo VnExpress.

hinh-bt-1-86202113-jpeg-162313-8672-2200-1623247044.jpg
Bệnh nhân COVID-19 rất nặng đang được can thiệp ECMO tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, ngày 8/6. Ảnh: BVCC

Theo số liệu thực tế điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong 15 ca bệnh nặng, có một ca diễn tiến nặng dùng tới ECMO. Điều này có nghĩa với khoảng 400-500 ca COVID-19, một trường hợp cần dùng tới ECMO.

Theo ông Thượng, các bệnh viện thuộc Sở hiện có 8 máy ECMO. Bệnh viện Chợ Rẫy (thuộc Bộ Y tế, nằm trên địa bàn TP.HCM) có 8 máy. "Trừ những trường hợp điều trị bệnh lý nặng khác cần tới ECMO, thành phố có thể huy động khoảng 10-12 máy cho bệnh nhân COVID-19, trong cùng một thời điểm", ông Thượng nói.

Trong tình hình COVID-19 diễn biến còn phức tạp, thành phố tiếp nhận một số bệnh nhân nặng từ các tỉnh, thành khác chuyển đến, Sở Y tế TP.HCM đã tham mưu UBND bổ sung máy ECMO. Hiện, lãnh đạo thành phố đã thông qua kế hoạch, dự kiến bổ sung khoảng 10 máy, đủ để đáp ứng bệnh nhân COVID-19 nặng.

Theo ông Thượng, các bệnh viện TP.HCM đang có hàng trăm máy thở, vẫn còn dự trữ hơn 100 máy chưa dùng tới.

(Tổng hợp)

AN LY