Elena Ferrante và hành trình đi tìm nữ quyền của những cô gái Ý bé nhỏ hậu Thế chiến

Nước Ý những năm 50, hai cô gái bé nhỏ đã sát bên nhau để tự giải phóng, theo cách của mỗi người, khỏi định kiến ác nghiệt chống lại quyền của phụ nữ. Khát vọng ấy góp phần tạo nên một tình bạn phi thường mà phức tạp.

Năm 2011, một ngòi bút vàng của nước Ý bỗng nổi lên như một hiện tượng. Trong bối cảnh hầu như ai làm nghệ thuật cũng tìm cách đánh bóng tên tuổi của mình, bà chọn cách giữ bí mật thân phận. Bà là một trong những tác giả "kì lạ" khi gần như "ẩn danh" với truyền thông, không cần một bài phỏng vấn truyền hình, không một buổi ra mắt sách hay ký tặng.

Elena Ferrante là một cây bút có phong cách rất riêng cùng ngôn ngữ ấn tượng. Câu từ súc tích, giản dị và đầy thanh lịch, xen lẫn những đặc trưng tiếng địa phương vùng Napoli đã tạo nên tinh thần tự do phóng khoáng cho tác phẩm, một cuốn tiểu thuyết thực thụ đầy mạnh mẽ và sâu sắc. Tờ Il Manifesto của Ý nhận xét: “Ngày nay, gần như không thể tìm được một nhà văn có thể đưa mùi vị, cảm xúc và những đam mê đầy mâu thuẫn vào trang sách của mình. Nhưng dường như Elena Ferrante có thể làm được điều đó, một mình.” 

Bà từ chối mọi lời mời phỏng vấn và chỉ hiếm khi đáp lời qua thư từ. Tiểu thuyết gia đã giải thích trong bức thư gửi cho biên tập viên trước khi ra mắt cuốn sách đầu tay: “Tôi tin rằng sách một khi được viết ra thì không còn cần đến tác giả nữa. Nếu cuốn sách có biểu lộ điều gì, chẳng sớm thì muộn nó sẽ tìm ra độc giả.”

Elena Ferrante sinh ra ở thành phố Napoli. Bà nổi tiếng với bộ tiểu thuyết bốn tập mà cuốn đầu tiên là Người bạn phi thường, xuất bản lần đầu năm 2011, ngay lập tức trở thành best-seller ở Ý và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Xê ri này đã được chuyển thể thành phim truyền hình My Brilliant Friend. Elena Ferrante được tạp chí Time của Mỹ xếp vào danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới năm 2016. 

Tác giả Elena Ferrante
Tác giả Elena Ferrante

Tác phẩm làm nên tên tuổi của bà là bộ tiểu thuyết về cuộc đời của hai cô gái Elena và Lila gồm bốn tập. Mới đây nhất, tập đầu tiên của bộ tiểu thuyết, có tên: Người bạn phi thường vừa ra mắt khán giả Việt Nam.

Cuốn sách là câu chuyện cảm động về một tình bạn tỏa sáng trên cái nền tăm tối của nước Ý những năm 50 - bạo lực, tham nhũng, mafia… từ đó trở thành đề tài phân tích trên phương diện xã hội học, đặc biệt là vị thế của phụ nữ trong xã hội đương thời.

Người bạn phi thường kể về thời thơ ấu và niên thiếu của Elena và Lina. Hai cô bé sống trong một khu phố nghèo đầy rẫy bạo lực thuộc thành phố Napoli, nước Ý vào những năm 1950. Dù đều rất thông minh nhưng học hành không phải con đường đầy hứa hẹn với hai cô bé. Hết cấp một, Lila phải bỏ học để phụ việc trong tiệm sửa giày của gia đình, còn Elena may mắn hơn, được đi học tiếp nhờ sự giúp đỡ của cô giáo. Từ nhỏ, Elena đa luôn ngưỡng mộ tài năng, trí thông minh và tính liều lĩnh của Lila. Đến tuổi dậy thì, cô bạn Lila vốn gầy còm và xấu xí bỗng trở nên xinh đẹp và được nhiều chàng trai săn đón, sự kiện ấy làm dấy lên trong Elena vô vàn cảm xúc phức tạp, ghen tị có, ngưỡng mộ có, nhưng hơn cả có lẽ là nỗi lo sợ mất đi người bạn thân nhất của mình.

Câu chuyện lấy bối cảnh nước Ý thời kỳ bùng nổ kinh tế hậu Thế chiến thứ hai. Công nghiệp phát triển như vũ bão, nhà nhà bắt tay vào mua sắm. Tuy nhiên, chính trị và hành chính lại không theo kịp những biến chuyển của kinh tế-xã hội, từ đó dẫn đến cả một thập niên căng thẳng, xung đột giữa các phe phái.

Elena Ferrante và hành trình đi tìm nữ quyền của những cô gái Ý bé nhỏ hậu Thế chiến

Hai cô gái nhỏ Elena và Lila sinh ra trong bối cảnh như thế, tại khu phố nghèo thuộc Napoli, thành phố trơ ì bởi cái nghèo cùng cực và những bất công xã hội, bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ. Như tác giả từng viết qua lăng kính trẻ thơ của Elena:

Tôi không hoài niệm về tuổi thơ của chúng tôi bởi nó chỉ đầy rẫy bạo lực. Đủ mọi loại chuyện xảy ra trước mắt chúng tôi, ở nhà hay ngoài đường, ngày nối ngày, nhưng giờ tôi không nhớ đã từng nghĩ rằng cuộc đời này lại đặc biệt xấu xa đến thế. Cuộc sống là như vậy, chấm hết. Chúng tôi lớn lên với nghĩa vụ phải khiến cho cuộc đời kẻ khác trở nên khó khăn trước khi bị kẻ khác gây khó dễ.”

Elena Ferrante và hành trình đi tìm nữ quyền của những cô gái Ý bé nhỏ hậu Thế chiến

Chính tại khu phố nơi cán cân quyền lực và bạo lực thống trị, hai cô gái nhỏ sát lại gần nhau để mạnh mẽ hơn trong thế giới đầy khắc nghiệt, đặc biệt là với phụ nữ, vì họ đã được định sẵn là phải lấy chồng sớm, phải làm mẹ hiền vợ đảm, không được có bất kỳ tham vọng nào, và nhất là không được tỏ ra thông minh.

Khoảng 50 nhân vật của Elena Ferrante xuất hiện với muôn hình ngàn vẻ. Mỗi nhân vật là một mảnh đời riêng, tạo nên một thành phố Napoli sống động. Tại đó, hai nhân vật chính cùng nhau lớn lên, cùng nhận thức dần vũ trụ bé nhỏ giữa các bức tường, rồi đến vũ trụ khác ở bên ngoài, rộng lớn hơn nhưng đầy bất ổn.

Hai cô gái sát bên nhau để tự giải phóng, theo cách của mỗi người, khỏi định kiến ác nghiệt chống lại quyền của phụ nữ. Khát vọng ấy góp phần tạo nên một tình bạn phi thường mà phức tạp. Chúng khâm phục nhau, nhưng có lúc giận tức nhau, ghen tị nhau, rồi càng thân nhau hơn nữa. Bất chấp mọi điều, tình bạn ấy đem lại cho hai cô bé nhiều sức mạnh và nghị lực, tỏa sáng rực rỡ trước hiện thực tối tăm.

“Chúng tôi mới mười hai tuổi và đang đi bộ không biết đâu là điểm dừng, dọc những con đường nóng hầm hập của khu phố, giữa lũ ruồi và khói bụi phả từ những chiếc xe tải xập xệ đi lại ngang dọc, giống như hai bà lão vừa nắm chặt tay nhau vừa điểm lại cuộc đời đầy thất vọng của mình. Không ai hiểu được chúng tôi, chỉ có hai đứa chúng tôi - tôi tự nhủ - là hiểu được nhau.”

Trong khuôn khổ Ngày hội Văn học châu Âu 2022, Nhã Nam và Đại sứ quán Italia phối hợp tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu tiểu thuyết Người bạn phi thường
Thời gian: 9h30 sáng thứ Bảy, ngày 14/5/2022
Địa điểm: Casa Italia, 18 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội
Với sự tham gia của:
- Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên, chủ biên Tạp chí Zzz Review
- Dịch giả Nguyễn Minh Nguyệt, người chuyển ngữ Người bạn phi thường sang tiếng Việt
- Đạo diễn Đỗ Văn Hoàng

PV