Quyết tâm chặn mọi nguồn thu năng lượng
Phát biểu trước cuộc họp, Ngoại trưởng Thụy Điển Billstrom nói rằng vòng trừng phạt tiếp theo của khối này có thể bao gồm lệnh cấm nhập khẩu LNG của Nga cũng như "các biện pháp nhằm kiềm chế đội tàu bóng tối" của nước này.
Trên thực tế, Nga đã định tuyến lại toàn bộ dòng chảy năng lượng của mình sang châu Á sau khi phương Tây tung ra loạt hạn chế liên quan đến cuộc xung đột Ukraina.
Theo báo cáo, Nga cũng đã bắt đầu chuyển hoạt động xuất khẩu dầu thô của mình sang một "đội tàu ngầm" gồm các tàu chở dầu cũ kỹ. Đó là những con tàu chở dầu không chắc chắn ai sở hữu hoặc ai bảo hiểm cho chúng, hoặc cả hai.
Mặc dù Brussels đã cấm mua dầu và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga nhưng LNG không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế.
Một số quốc gia, bao gồm Thụy Điển, Phần Lan và các nước vùng Baltic, đã thúc đẩy EU áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với LNG của Nga, mặc dù Hungary phản đối mạnh mẽ động thái này. Một lệnh cấm hoàn toàn sẽ đòi hỏi sự nhất trí giữa các thành viên trong khối.
Hiện một số quốc gia EU vẫn phụ thuộc nhiều vào LNG của Nga, nguồn khí này tiếp tục chảy vào lục địa giá, chủ yếu thông qua các cảng ở Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp.
Nga hiện là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai cho khối sau Mỹ, chiếm 16% tổng lượng nhập khẩu vào năm ngoái. Theo nhà cung cấp dữ liệu Kpler, 15,5 triệu tấn LNG của Nga được các quốc gia EU mua vào năm ngoái, cao hơn gần 40% so với tổng lượng vào năm 2021.
"Cú sốc năng lượng" tiềm tàng
Cơ quan Hợp tác Điều tiết Năng lượng (ACER) của EU tuần trước đã cảnh báo về việc giảm mạnh nhập khẩu LNG từ Nga có thể dẫn tới "cú sốc năng lượng" cho khối, ngay cả khi một nhóm quốc gia thành viên tìm cách cấm mua nhiên liệu từ Moscow.
ACER đề cập đến việc hợp đồng vận chuyển 5 năm cung cấp khí đốt đường ống từ Nga đến châu Âu qua Ukraina sẽ hết hạn vào tháng 12 năm nay.
Theo ước tính, việc này sẽ làm giảm nguồn cung cấp khí đốt của khối này khoảng 13,6 tỷ mét khối, tương đương khoảng 4% tổng lượng tiêu thụ của năm ngoái.
Hợp đồng trung chuyển hết hạn sẽ chấm dứt dòng chảy qua một trong hai tuyến đường ống duy nhất còn lại từ Nga tới châu Âu, chuyến còn lại đi qua Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria.
"Việc giảm nhập khẩu LNG của Nga nên được xem xét theo từng bước", ACER khuyến cáo, đồng thời nhấn mạnh khó khăn của EU trong việc cân bằng an ninh năng lượng với nỗ lực tác động đến tài chính của Nga bằng cách cắt giảm mua khí đốt.
Khi bình luận về lệnh cấm LNG tiềm năng của châu Âu, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các nước phương Tây sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga mặc dù các hạn chế này phần lớn đã gây phản tác dụng đối với nền kinh tế của chính họ.
(Nguồn: Reuters)