Gần 15.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới đổ về VinFuture 2025

Giải thưởng VinFuture 2025 đạt kỷ lục với gần 15.000 trí thức toàn cầu tham gia đề cử, số lượng đối tác tăng gấp 12 lần so với mùa đầu, khẳng định uy tín quốc tế ngày càng lớn.
VinFuture 2025: Nhận 1.705 đề cử toàn cầu tăng 12 lần số đối tác đề cử sau 5 mùa giải. Ảnh: BTC
VinFuture 2025: Nhận 1.705 đề cử toàn cầu tăng 12 lần số đối tác đề cử sau 5 mùa giải. Ảnh: BTC

Số lượng đối tác đề cử bứt phá mạnh mẽ

Theo thông tin từ Quỹ VinFuture, Giải thưởng VinFuture 2025 đã ghi nhận 14.772 đối tác đề cử chính thức, một con số ấn tượng tăng hơn 12 lần so với 1.200 của mùa đầu tiên. Sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ thể hiện sức hút của giải thưởng mà còn minh chứng cho niềm tin ngày càng vững chắc của cộng đồng khoa học quốc tế.

Đặc biệt, mùa giải năm 2025 chứng kiến sự tham gia sâu rộng của cộng đồng khoa học quốc tế uy tín, với số đối tác đề cử tăng hơn 60% so với năm 2024. Trong đó, các nhà khoa học đến từ châu Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất (31%), tiếp đến là châu Âu (28,6%), châu Á (26,8%), châu Phi (7,1%) và châu Đại Dương (6,5%).

Đáng chú ý, gần 50% (7.240) trong số 14.772 đối tác đề cử năm nay là các chuyên gia từ những trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới như Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Stanford (Hoa Kỳ), Đại học Cambridge, Đại học Oxford (Vương quốc Anh), Đại học Melbourne (Úc), Đại học Toronto (Canada), Đại học Quốc gia Singapore (Singapore)…

Hơn nữa, có tới 1.395 đối tác đề cử (tương đương 9,4%) là các nhà khoa học thuộc Top 2% các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, theo xếp hạng của các chuyên gia Đại học Stanford. Điều này khẳng định chất lượng vượt trội của mạng lưới đề cử VinFuture.

Đa dạng lĩnh vực, đáp ứng xu thế toàn cầu

Các đề cử cho Giải thưởng VinFuture 2025 tiếp tục trải rộng trên nhiều lĩnh vực thiết yếu của đời sống và phát triển bền vững toàn cầu. Các lĩnh vực dẫn đầu bao gồm: y học và chăm sóc sức khỏe (36,7%); năng lượng, giao thông vận tải và xây dựng (17,8%); môi trường và trái đất (17,8%); nông nghiệp và thực phẩm (11,3%). Đây đều là những lĩnh vực then chốt, phản ánh xu thế phát triển khoa học công nghệ của nhân loại và thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế.

Các đối tác đề cử của VinFuture đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tìm kiếm và giới thiệu những công trình khoa học xứng đáng. Những công trình này không chỉ tạo ra tác động tích cực đối với cuộc sống nhân loại mà còn góp phần lan tỏa thông tin về Giải thưởng VinFuture đến cộng đồng khoa học quốc tế. Được thuyết phục bởi sứ mệnh cao cả và tính độc đáo, các đối tác đề cử làm việc trên cơ sở tự nguyện. Điển hình như năm 2024, từ đề cử của GS. Monica Lam, chuyên gia khoa học máy tính hàng đầu tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ), ông Jensen Huang, CEO kiêm người đồng sáng lập Nvidia, đã được vinh danh tại Giải thưởng Chính VinFuture nhờ những đóng góp đột phá trong ngành công nghiệp để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu.

VinFuture điểm hội tụ của khao khát kiến tạo tương lai

TS. Lê Thái Hà, Giám đốc Điều hành Quỹ VinFuture chia sẻ: “Hành trình 5 năm với sứ mệnh 'Khoa học phụng sự nhân loại' đã đưa VinFuture trở thành điểm hội tụ của trí tuệ toàn cầu cùng khao khát kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới. Sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng đối tác đề cử cùng chất lượng ngày càng cao của các công trình được đề cử qua từng năm không chỉ minh chứng cho niềm tin ngày càng vững chắc của cộng đồng khoa học quốc tế đối với Giải thưởng, mà còn phản ánh nhu cầu cấp thiết về những giải pháp khoa học – công nghệ đột phá nhằm xây dựng một thế giới nơi con người phát triển hài hòa với môi trường bền vững”.

Vòng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture năm 2025 sẽ diễn ra từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8. Hội đồng Sơ khảo gồm 10 thành viên sẽ xem xét kỹ lưỡng và tuyển chọn ra những công trình xứng đáng nhất để tiến vào vòng xét giải cuối cùng. Quy trình xét duyệt nghiêm ngặt và các chuẩn mực quốc tế cao nhất sẽ được áp dụng, nhằm đảm bảo tính khoa học, công bằng và minh bạch. Các tiêu chí đánh giá cốt lõi bao gồm mức độ tiến bộ về khoa học công nghệ, tác động tích cực đối với cuộc sống của con người, cũng như quy mô và tính bền vững của dự án.

VinFuture khẳng định tầm vóc quốc tế

Sau 5 năm hoạt động, Giải thưởng VinFuture đã nhanh chóng khẳng định tầm vóc và uy tín trên trường quốc tế. Nhiều Chủ nhân Giải thưởng VinFuture liên tiếp được vinh danh bởi các giải thưởng danh giá toàn cầu. Có thể kể đến các nhà khoa học như TS. Katalin Karikó, GS. Drew Weissman (Giải thưởng Chính VinFuture 2021, Giải Nobel Y học 2023); TS. Demis Hassabis, TS. John Jumper (Giải Đặc biệt VinFuture 2022, Giải Nobel Hóa học 2024); GS. Geoffrey Hinton (Giải thưởng Chính VinFuture 2024, Giải Nobel Vật lý 2024); GS. Yoshua Bengio, GS. Yann LeCun, GS. Geoffrey Hinton, ông Jensen Huang, và GS. Fei-Fei Li (Giải thưởng Chính VinFuture 2024, Giải thưởng Nữ hoàng Elizabeth 2025); và GS. Daniel Joshua Drucker, GS. Joel Francis Habener, GS. Jens Juul Holst, PGS. Svetlana Mojsov (Giải Đặc biệt VinFuture 2023, Giải thưởng Breakthrough 2025).

Những thành tựu này không chỉ làm nổi bật tầm nhìn và tác động của VinFuture mà còn góp phần lan tỏa niềm hy vọng về những giải pháp khoa học đột phá vì một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại.

Hoàng Toàn

Đưa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành trung tâm khoa học, công nghệ hàng đầu tại Việt Nam

Đưa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành trung tâm khoa học, công nghệ hàng đầu tại Việt Nam

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190/TB-VPCP ngày 21/4/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.