Gần 292.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học

Gần 292.000 thí sinh đã không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT, đồng nghĩa từ bỏ cơ hội vào đại học.

Bộ GD-ĐT cho biết, đến thời điểm kết thúc đăng ký xét tuyển đại học đợt 1 năm 2023 vào cuối ngày 30/7, tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hơn 660.000 (tương đương 66% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT). 

Trong khi đó, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trước kỳ thi tốt nghiệp (có tài khoản trên hệ thống) khoảng 951.900. Điều này đồng nghĩa gần 292.000 thí sinh từ bỏ cơ hội vào đại học, bởi hệ thống đã đóng chức năng này. Tỷ lệ thí sinh bỏ xét tuyển là 30,7%, giảm gần 4% so với năm ngoái.

Hệ thống cũng ghi nhận tổng số nguyện vọng thí sinh đăng ký là hơn 3,4 triệu. Trung bình, một thí sinh nhập lên hệ thống 5,15 nguyện vọng xét tuyển, gần tương đương năm 2022.

Gần 292.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học - Ảnh 1.

Tỷ lệ thí sinh bỏ xét tuyển là 30,7%, giảm gần 4% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, tỷ lệ nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển năm nay vẫn cao hơn năm ngoái (năm 2022, tỉ lệ này là 64,07%) với gần 326.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học khiến dư luận quan tâm. 

Bộ GD-ĐT cho biết lý do quan trọng dẫn đến con số này cao là bởi thí sinh được đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng lên hệ thống sau khi đã biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhiều em thấy không có khả năng cạnh tranh đã chủ động bỏ. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, đây là tín hiệu đáng mừng.

Hiện, hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đóng chức năng đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng. Từ ngày 31/7, thí sinh nộp lệ phí đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến. Lịch nộp lệ phí xét tuyển đại học theo tỉnh, thành như sau:

Gần 292.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học - Ảnh 2.

Bộ GD-ĐT chia lịch thí sinh thực hiện thanh toán trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ đăng ký xét tuyển theo các tỉnh/thành phố (nơi thí sinh đã nộp hồ sơ).

(Tổng hợp)

TÚC